Trong những năm qua, các thế lực thù địch thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình, lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo… để chống phá cách mạng. Không lơ là mất cảnh giác, trong quá trình xây dựng và phát triển, tỉnh luôn gắn phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
 |
Bộ đội giúp dân xây dựng nông thôn mới |
Trong giai đoạn 2011-2015, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức cùng với việc thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, nhưng được sự quan tâm của Chính phủ cùng với nỗ lực của các cấp chính quyền, tỉnh đã huy động được 9.489 tỷ đồng, tăng 50,94% (so với giai đoạn 2006-2010) để đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho kinh tế-xã hội phát triển. |
Thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, Nhà nước; ban hành các Nghị quyết, chỉ thị, phương án, kế hoạch thực hiện không để xảy ra tình trạng người vượt biên, biểu tình, bạo loạn; không để phục hồi các tổ chức phản động “Đê Ga”, hình thành “Tin lành Đề Ga”, khiếu kiện đông người, đồng thời phân công cho các ngành, các lực lượng xây dựng kế hoạch, phương án tập luyện, đảm bảo chủ động xử lý có hiệu quả đối với từng tình huống phức tạp có thể xảy ra.
Trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), tỉnh chú trọng đến các văn bản liên quan chặt chẽ đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương cũng như các cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến đời sống người dân. Đội ngũ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL không ngừng được củng cố, kiện toàn, phát triển về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Tính đến nay, toàn tỉnh có 133 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 158 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 1.288 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã.
Công tác hòa giải ở cơ sở được quan tâm. Mô hình tổ hòa giải được thành lập theo thôn, tổ dân phố với cơ cấu 4-7 hòa giải viên, có nơi 8-10 hòa giải viên với thành phần là trưởng thôn, già làng, người có uy tín và các tổ chức đoàn thể trong cộng đồng dân cư. Hiện nay, toàn tỉnh có 850 tổ hòa giải với 5.241 tổ hòa giải viên. Bên cạnh đó, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, câu lạc bộ tư vấn pháp luật được thành lập ở các xã biên giới (Đăk Long, Đăk Nhoong, Bờ Y) cũng đã góp phần phát huy tốt vai trò tuyên truyền, giáo dục pháp luật, hỗ trợ pháp lý…nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, hạn chế đơn thư khiếu nại, giữ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Việc phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, kinh tế-xã hội tỉnh trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Theo đánh giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 13,18%/năm. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp-xây dựng tăng 16,66%, nông-lâm-thủy sản tăng 7,39% và dịch vụ tăng 16,61%. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2015 ước đạt 2.150 tỷ đồng, tăng 1,35 lần so với năm 2011. Thu nhập bình quân đầu người từ 17,8 triệu đồng năm 2011 ước lên 32,7 triệu đồng năm 2015; tỷ lệ giảm nghèo từ 27,91% năm 2011 xuống còn 10,2% năm 2015 (bình quân đạt từ 4,82% năm).
Trong điều kiện kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế tỉnh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng, dịch vụ tăng dần; ngành nông-lâm nghiệp cũng có chuyển biến tích cực, phát triển nhanh theo hướng sản xuất hàng hóa. Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng thành phố, thị trấn, trung tâm cụm xã được cải thiện một bước. Ba vùng kinh tế động lực tiếp tục có những chuyển biến. Bộ mặt nông thôn thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới có nhiều thay đổi. Đời sống người dân được tiếp tục được cải thiện và nâng lên một bước.
Thông qua việc thực hiện chủ trương phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh, nhận thức cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác quốc phòng, an ninh được nâng lên. Tiềm lực trong các khu vực phòng thủ tiếp tục được đầu tư xây dựng, “thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, thế trận lòng dân” được cùng cố vững chắc. Nhiều công trình phòng thủ trên tuyến biên giới và khu vực trọng điểm; nhiều tuyến đường giao thông quan trọng, đường tuần tra biên giới được đầu tư xây dựng. Việc tiếp nhận, bố trí dân cư kinh tế mới và việc bố trí các đơn vị xây dựng kinh tế của quân đội trên địa bàn luôn gắn kết với kế hoạch bố trí cụm dân cư trong khu vực phòng thủ của tỉnh, nhất là các xã biên giới. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững và củng cố vững chắc.
Có thể nói, trong tình hình thế giới có nhiều biến động, khó lường, việc chủ động phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, tỉnh Kon Tum đã góp phần cùng với cả nước bảo đảm những điều kiện để kinh tế-xã hội phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Văn Nhiên