
Hướng dẫn trồng cây bời lời - Ảnh minh họa: V.Nhiên.
Giao đất giao rừng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xã hội ở địa bàn nông thôn, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, do nhận thức chưa đúng về mục đích, ý nghĩa và trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương này của Nhà nước, nên ở một số xã trên địa bàn huyện Sa Thầy đã nảy sinh những vấn đề cần quan tâm giải quyết.
Thực hiện chủ trương trên, những năm qua nhiều hộ dân ở huyện Sa Thầy, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) tại chỗ đã được giao đất, giao rừng để quản lý bảo vệ, đồng thời tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập và phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững. Theo số liệu thống kê, toàn huyện đã có hơn 11637 ha đất lâm nghiệp và rừng được giao cho 1279 hộ quản lý, bảo vệ. Trong đó Dự án Bảo vệ rừng & Phát triển nông thôn giao 2479,6 ha cho 883 hộ, giao theo Quyết định 178/2001/QĐ-TTg là 818,9 ha cho 44 hộ và giao theo Quyết định 304/2005/QĐ-TTg là 8338,6 ha cho 352 hộ.
Theo Quyết định 178, quyền của người dân được giao, thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp, được hưởng lợi từ những diện tích nhận khoán. Các sản phẩm người nhận khoán được hưởng là gỗ cho nhu cầu làm nhà mới, sửa chữa nhà cũ, gỗ đến chu kỳ khai thác sau khi đã đóng thuế và những lâm sản phụ trên diện tích nhận khoán (trừ những động, thực vật nằm trong danh mục quý hiếm theo quy định của Chính phủ và Công ước quốc tế). Ngoài ra người nhận khoán còn có quyền sử dụng một phần (không quá 20%) diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng để sản xuất. Sau Quyết định 178, Quyết định 304 quy định cụ thể hơn đối với ĐBDTTS thuộc diện nghèo, người nhận khoán rừng được hưởng lợi toàn bộ sản phẩm trên diện tích rừng được giao, ngoài ra còn được hỗ trợ giống cây lâm nghiệp, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo chính sách khuyến lâm, khuyến nông, hỗ trợ lương thực, hỗ trợ làm nhà ở, khai hoang đất sản xuất nông nghiệp, xây dựng bể nước sinh hoạt cùng nhiều chính sách ưu đãi khác. Như vậy ngoài mục đích quản lý bảo vệ rừng, chủ trương giao đất giao rừng còn gắn với chính sách an sinh xã hội, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân vùng khó khăn.
Nhìn chung việc giao đất giao rừng trên địa bàn huyện Sa Thầy đã tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước, đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng. Vì vậy bước đầu đã phát huy được những tác dụng tích cực. Tuy nhiên, hiện nay ở một số xã trên địa bàn, do nhận thức chưa đúng về mục đích, ý nghĩa và trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương giao đất giao rừng, nên đã nảy sinh những vấn đề cần phải quan tâm giải quyết. Đặc biệt tình trạng chuyển nhượng trái phép diện tích đất lâm nghiệp và rừng được giao đang gây ra những xáo trộn phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Theo kết quả kiểm tra, thống kê tình hình vi phạm trong quản lý đất đai của Phòng Tài nguyên & Môi trường tại xã Mô Rai, có 16 hộ chuyển nhượng 160,25 ha đất lâm nghiệp và rừng được giao không đúng đối tượng quy định. Mặc dù hồ sơ chuyển nhượng đã được UBND xã Mô Rai xác nhận, nhưng các cơ quan thẩm quyền cấp trên chưa giải quyết vì trái với chủ trương và mục đích giao đất giao rừng cho ĐBDTTS tại chỗ, gắn với thực hiện các Quyết định số 132/2002/QĐ-TTg và số 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ông Đào Duy Hiến, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Sa Thầy cho biết: “ các quyết định giao đất giao rừng đều có sự liên quan với nhau, hướng vào những đối tượng cụ thể, trong đó đã tập trung ưu tiên cho ĐBDTTS tại chỗ thuộc đối tượng qui định tại Quyết định 132 và 134 của Thủ tướng Chính phủ ». Khi những hộ này được giao đất giao rừng, sau đó chuyển nhượng cho người khác ngoài địa bàn xã, không thuộc đối tượng quy định tại các quyết định trên, gây nên nhiều hệ lụy trong công tác quản lý xã hội ở địa phương. Mặt khác, việc chuyển nhượng này còn ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề đảm bảo quỹ đất để các hộ dân sản xuất, phát triển kinh tế gia đình theo hạn mức quy định tại các Quyết định 132, 134,.v.v.. tạo ra tình trạng thiếu đất sản xuất “ảo” tại các vùng ĐBDTTS trên địa bàn”.
Trước thực trạng trên, UBND huyện Sa Thầy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt đến các xã, thị trấn. Cụ thể như Công văn số 650/UBND ngày 27/11/2009 “về việc tăng cường công tác quản lý tình hình sang nhượng đất sản xuất vùng ĐBDTTS”; Công văn số 51/UBND ngày 27/01/2011 gửi UBND xã Mô Rai “về việc kiểm tra và quản lý chặt chẽ đất đai trên địa bàn xã” và mới đây nhất là Công văn số 204/UBND ngày 28/4/2011 “về việc tuyên truyền, vận động để nhân dân không sang nhượng đất trái phép”. Tuy nhiên trách nhiệm của UBND các xã trong việc quản lý đất đai và công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chưa được chú trọng đúng mức, nên tình trạng chuyển nhượng trái phép đất lâm nghiệp, đất rừng được giao vẫn còn diễn ra. Đặc biệt, Mô Rai là xã vùng biên giới, có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng về an ninh quốc phòng, đồng thời liên quan trực tiếp đến công tác bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, việc chuyển giao đất rừng trên địa bàn này phải đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng quy định.
Đất đai là tư liệu sản xuất không thể thiếu đối với người dân. Chủ trương giao đất giao rừng là nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, gắn bó cuộc sống của người dân với rừng. Nhưng sâu xa hơn đó là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế gia đình, từng bước xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững. Thiết nghĩ với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện, gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm của UBND các xã, thị trấn trong công tác quản lý đất đai và tuyên truyền, vận động nhân dân. Hy vọng tình trạng chuyển nhượng đất rừng được giao trái phép ở các xã vùng ĐBDTTS sẽ sớm được chấn chỉnh kịp thời, nhằm đảm bảo cho việc thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước phát huy hiệu quả./.
TRẦN DUY TIÊN