Ngày 16/12/2010, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 32/2010/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh giai đoạn 2011-2015. Trong đó xác định danh mục 43 dự án, công trình trọng điểm cần thu hút nguồn vốn đầu tư của toàn xã hội để tập trung đầu tư hoàn thành, tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn 2011-2015.
 |
Thi công đường giao thông ở vùng sâu - Ảnh: Văn Phương |
Tổng mức vốn đầu tư 43 công trình trọng điểm giai đoạn 2011-2015 được phê duyệt ban đầu và đăng ký đầu tư khoảng 41.035.299 triệu đồng. Trong đó: có 6 công trình, với tổng mức đầu tư khoảng 2.297.081 triệu đồng đầu tư dở dang giai đoạn 2006-2010 chuyển sang. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, tổng số công trình trọng điểm được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015 là 24 công trình, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 16.079.420 triệu đồng, tổng vốn đã bố trí đến năm 2013 là 1.609.265 triệu đồng, đạt 10% tổng mức đầu tư. Đến ngày 31/01/2013 đã giải ngân, thanh toán 1.098.670 triệu đồng, đạt 68,27% kế hoạch vốn đã bố trí.
Đối với những công trình đầu tư từ nguồn vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu, trái phiếu Chính phủ do tỉnh quản lý và nguồn ngân sách tỉnh (17 công trình), với tổng mức đầu tư 5.927.520 triệu đồng, đến nay đã có 13 công trình được bố trí với tổng kế hoạch vốn là 1.589.265 triệu đồng, đạt 26,81% tổng mức đầu tư được phê duyệt và chiếm 34,04% nhu cầu vốn đến năm 2015. Giá trị giải ngân, thanh toán đến ngày 31/01/2013 là 1.090.870 triệu đồng, đạt 68,64% kế hoạch vốn đã bố trí. Trong 13 công trình đã được bố trí vốn đầu tư có 02 công trình là nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh và nâng cấp Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi đã bố trí đến hết năm 2011 là 11.250 triệu đồng, hiện nay đã tạm dừng đầu tư theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ của Chính phủ. Nhu cầu còn lại đến năm 2015 của 13 công trình do tỉnh quản lý khoảng 1.609.043 triệu đồng. Ngoài ra, còn 04 công trình có tổng mức đầu tư khoảng 1.262.569 triệu đồng chưa được bố trí vốn đầu tư để triển khai thực hiện.
Đối với 07 công trình trọng điểm của tỉnh đề nghị trung ương đầu tư, với tổng mức đầu tư khoảng 10.151.900 triệu đồng. Trong quá trình triển khai, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ đầu tư thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện để các đơn vị thi công tổ chức triển khai đảm bảo tiến độ của công trình.
Đối với các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư từ nguồn vốn của các doanh nghiệp, theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh đến nay đã có 10/19 danh mục dự án đang triển khai thực hiện với tổng mức vốn đăng ký 24.600.000 triệu đồng. Trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng một số dự án vẫn có tiến độ triển khai tốt như: Khu đô thị mới phía Bắc phường Duy Tân, dự án thủy điện Thượng Kon Tum và Đăk Đrinh, các dự án trồng mới cao su,... các dự án còn lại đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục đầu tư.
Mặc dù trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung bố trí vốn để triển khai đầu tư các công trình trọng điểm đạt 34% so với nhu cầu vốn đến năm 2015. Tiến độ thi công đảm bảo theo kế hoạch vốn được giao. Đạt được những kết quả trên là do có sự lãnh đạo tập trung của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, sự nỗ lực của Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành tranh thủ sự hỗ trợ của trung ương, tập trung các nguồn lực đầu tư hoàn thành các công trình trọng điểm. Đến nay, một số công trình trọng điểm đang dần hoàn thiện, đưa vào khai thác, sử dụng như sân vận động tỉnh, Nhà làm việc và Trung tâm sản xuất chương trình thuộc Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, một số tuyến đường giao thông,..., đặc biệt các công trình giao thông đã từng bước phát huy hiệu quả, tạo thuận tiện cho việc đi lại, giao thương hàng hóa, tạo sự gắn kết giữa các khu vực trong tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng khó khăn của tỉnh, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn của địa phương, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011-2015.
Tuy nhiên, tiến độ triển khai thực hiện một số dự án chậm so với kế hoạch, chưa đảm bảo thời gian theo hợp đồng xây lắp đã ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu xây lắp, phải tiến hành gia hạn hợp đồng như đường Nam Quảng Nam, đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh, Nhà làm việc và Trung tâm sản xuất chương trình thuộc Đài Phát thanh truyền hình tỉnh…; Thời gian thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn kéo dài, thiếu sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đơn vị có liên quan, nhất là các dự án đường giao thông như: Quốc lộ 24, đường Hồ Chí Minh, đường Sa Thầy - Ya Ly - Thôn Tam An (xã Sa Sơn) - Ya Mô - làng Rẽ (Mo Ray), huyện Sa Thầy (Tỉnh lộ 674),...
Ngoài ra, một số dự án giao thông phân cấp cho Ủy ban nhân dân các huyện làm chủ đầu tư, trong quá trình triển khai thiếu sự tham gia, phối hợp về mặt chuyên môn của ngành; việc kiểm tra, giám sát thuộc quản lý ngành về quy trình kỹ thuật còn nhiều vấn đề bất cập như đường Sê San 3 đi Quốc lộ 14C, đường Nam Quảng Nam qua tỉnh Kon Tum - Đoạn tránh đèo Văn Rơi,....Theo báo cáo của chủ đầu tư, khối lượng thực hiện Dự án đường Nam Quảng Nam đến hết năm 2010 đạt 95%, đến nay đã bàn giao đưa vào sử dụng 7/8 gói thầu xây lắp, còn lại gói thầu số 3, cự ly khoảng 2,3 km giáp ranh với địa phận tỉnh Quảng Nam, kinh phí theo dự toán khoảng 28.000 triệu đồng, đến nay vẫn chưa được bố trí để triển khai hoàn thiện nhằm phát huy hiệu quả của công trình khi bàn giao đưa vào sử dụng.
Nguyên nhân tồn tại, hạn chế là do trong điều kiện nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, việc Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội với chủ trương thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước nên một số công trình trọng điểm sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước gặp khó khăn trong việc bố trí vốn đầu tư, phải thực hiện dừng khởi công mới, giãn tiến độ hoặc chỉ bố trí vốn đến điểm dừng kỹ thuật,... đã làm chậm tiến độ đầu tư các công trình trọng điểm giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua. Cùng với đó là điều kiện khí hậu thời tiết không thuận lợi; địa hình thi công đồi dốc, bị chia cắt khó khăn cho việc vận chuyển, tập kết vật tư, vật liệu và máy móc thiết bị thi công; mất thời gian do lập thủ tục đầu tư, điều chỉnh dự án, quy hoạch,... đã làm chậm tiến độ thực hiện của một số công trình và năng lực của một số chủ đầu tư, nhà thầu thi công còn hạn chế về mặt chuyên môn cũng như năng lực tổ chức thi công./.
Nguyễn Văn