Thứ 7, Ngày 27/04/2024 -

Trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh
Ngày đăng: 26/07/2010  04:02
Mặc định Cỡ chữ
Núi Ngọc Linh hùng vĩ cao nhất Tây Nguyên (nằm trên địa bàn các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum), quanh năm mây phủ, huyền bí bỗng một ngày bừng tỉnh sau giấc ngủ dài khi phát hiện ở đây có một loại sâm quý hiếm, đó là sâm Ngọc Linh. Từ đó đến nay, núi Ngọc Linh gắn liền với sâm Ngọc Linh với bao chuyện vui, buồn…

Bài “thuốc giấu”

Đã từ rất lâu, sâm Ngọc Linh đã được người Xơ-đăng ở tỉnh Kon Tum phát hiện và dùng để chữa bệnh với tên gọi “thuốc giấu” hay “ngải rọm con”... Truyền thuyết kể rằng, người Xơ-đăng sống dưới chân núi Ngọc Linh đã mật truyền một phương “thuốc giấu” được lấy về từ núi thẳm, rừng sâu. Chẳng ai biết cây “thuốc giấu” có từ khi nào, và đến từ đâu. Chỉ biết cây “thuốc giấu” là thần dược, dùng như một loại thuốc cầm máu, làm lành vết thương, làm thuốc bổ, chữa sốt rét, đau bụng, phù thũng... Cây thuốc quý ấy đã bảo vệ dân làng khỏi ốm đau, bệnh tật của cuộc sống nơi rừng thiêng, nước độc, mây phủ quanh năm này. Trải qua nhiều đời, bí mật về cây “thuốc giấu” luôn được người Xơ-đăng bảo vệ, trân trọng như báu vật mà thần núi, thần rừng đã ban tặng cho người dân nơi đây... Đến những năm kháng chiến chống Pháp, bí mật về cây “thuốc giấu” bắt đầu được hé lộ khi các già làng đã chỉ cho những cán bộ hoạt động nằm vùng tại đây cây thuốc quý. Thế nhưng, mãi đến những năm 1970, bức màn bí mật về cây thuốc quý này mới thực sự được vén mở khi đoàn công tác do dược sỹ Đào Kim Long dẫn đầu đã tìm thấy cây sâm Ngọc Linh trên đỉnh núi Ngọc Linh, thuộc địa phận tỉnh Kon Tum.

Dược sỹ Đào Kim Long nhớ lại: “Khoảng tháng 6/1972 có Hội nghị dược liệu miền Trung Trung Bộ, tôi báo cáo có thể tìm thấy sâm Ngọc Linh ở núi Ngọc Linh. Lúc ấy Khu ủy Khu 5 đã quyết định thành lập đội điều tra sâm do tôi phụ trách, thành viên có 4 người, ngoài tôi ra còn có các anh Nguyễn Bá Đoạt, Nguyễn Châu Giang (đều ở Kon Tum) và chị Nguyễn Thị Lê. Chúng tôi được trang bị bản đồ của quân sự và các thiết bị đồ dùng cần thiết để lên núi Ngọc Linh. Tôi vẫn nhớ như in, đúng 9 giờ sáng ngày 9/3/1973, anh Nguyễn Châu Giang nhổ 1 cây đầu tiên và chạy đến hỏi tôi: Thưa thầy cây gì đây? Tôi rất bàng hoàng vui mừng và quay lại ghé vào tai các cộng sự nói nhỏ: Đây chính là cây mà chúng ta đang tìm. Tất cả các thành viên trong đoàn đã sung sướng reo lên như trẻ con gặp mẹ đi chợ về”.

Sau khi phát hiện cây sâm Ngọc Linh, đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học về dược lý, dược hóa của loài cây này. Các nghiên cứu dược lý thực nghiệm trên cây sâm Ngọc Linh đã chứng minh tác dụng chống stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan... Ngoài những tác dụng như trên, sâm Ngọc Linh có những tính năng tuyệt hảo như tăng lực, phục hồi sự suy giảm chức năng giúp cho tình trạng của cơ thể trở lại bình thường; kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào và tăng các tế bào mới. Loài sâm Ngọc Linh, chỉ mọc duy nhất tại vùng núi Ngọc Linh, ở độ cao trên 2.000m, thuộc địa phận 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, nên nguy cơ loài sâm quý này biến mất trong tự nhiên là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, hiện nay công tác bảo tồn, phát triển chúng đã được cả 2 tỉnh đặc biệt rất quan tâm.

Để bảo tồn và phát triển giống sâm Ngọc Linh, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Dự án Bảo tồn phát triển sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng đã được triển khai từ năm 2005, do Ban quản lý 5 triệu ha rừng-Công ty Đầu tư phát triển nông lâm công nghiệp và dịch vụ huyện Đăk Tô làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí được phê duyệt là 15 tỷ 422 triệu đồng. Dự án này được triển khai trên địa bàn 7 xã thuộc 2 huyện Tu Mơ Rông và huyện Đăk Glei. Mục tiêu là bảo tồn nguồn gien sâm Ngọc Linh; cung cấp giống, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng dự án để người dân trồng tạo sâm hàng hóa, xem đây là cây xóa đói giảm nghèo, từ đó sẽ nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ cây thuốc quý trong nhân dân sống quanh chân núi Ngọc Linh.

Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Chinh-Giám đốc Dự án 5 triệu ha rừng (Công ty đầu tư phát triển nông–lâm–công nghiệp Đăk Tô) vẫn còn nhiều trăn trở, lo lắng: Hiện nay, các tài liệu về cây sâm Ngọc Linh mới tập trung nghiên cứu về vấn đề sinh thái, sinh hóa và dược tính, nhưng những nghiên cứu về sinh lý và kỹ thuật trồng còn hạn chế. Đặc biệt, trong dự án bắt buộc phải sử dụng nguồn nhân lực là người đồng bào tại chỗ, mới có thể thực hiện được trong điều kiện khó khăn, nhưng trình độ văn hóa còn hạn chế, chưa qua đào tạo do vậy trong quá trình thực hiện, ứng dụng vấn đề khoa học sau này sẽ gặp khó khăn và vấn đề đào tạo nhân sự sau này kế tục cũng rất khó đạt yêu cầu.

Bà con Xơ-đăng nơi đây mặc dù đã nhiều thế hệ sống trên mảnh đất sâm Ngọc Linh này, nhưng để nhờ vào sâm Ngọc Linh mà đuổi cái đói, bỏ cái nghèo không ít gian nan thử thách, nhưng với sự quyết tâm của tỉnh Kon Tum, hy vọng rằng mong ước thoát nghèo chính đáng bao đời nay của người dân nơi sẽ sớm thành hiện thực.
 
Mỹ Ngọc
Theo báo Dân tộc và Phát triển