 |
Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Ya Ly |
Theo đánh giá của các chuyên gia về hải sản, nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên các hồ chứa ở tỉnh Kon Tum rất phong phú, nguồn thức ăn tự nhiên, vinh sinh vật phù du và các yếu tố môi trường, thủy lý, thủy hoá khá thuận lợi cho sự sinh trưởng, phát triển của các loài thủy sản nước ngọt. Trong thực tế, lượng cá ở đây tăng rất nhanh, chủ yếu là các loài cá như trắm, chép, rô, mè. Đặc biệt, trên lòng hồ thủy điện Ya Ly, Plei Krông, có rất nhiều cá thác lác, đây là loài đặc sản có giá trị kinh tế cao, được thị trường rất ưu chuộng. Anh Lê Hồng Hạc-ngư dân lòng hồ thủy điện Plei Krông, tỉnh Kon Tum cho biết:”Từ khi có lòng hồ, lượng cá nhiều hơn trước, nhiều nhất là cá chép, rô, mè. Mỗi ngày gia đình đánh cá bằng lưới cũng đạt khối lượng trên 5kg”. Hiện nay đã có khoảng 1.500 ngư dân thường xuyên khai thác, đánh bắt cá trên hồ, sản lượng khai thác mỗi năm trên 750 tấn.
Để phát huy tiềm năng này, tỉnh Kon Tum đã có chủ trương phát triển nghề cá lòng hồ, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân vùng ngập lòng hồ. Vì hiện tại, toàn tỉnh Kon Tum có hơn 2.500 hộ, 12 ngàn nhân khẩu, trong đó hơn 70% là người phải di dời đến nơi ở mới, 15 ngàn ha đất sản xuất bị ngập chìm trong nước nên giải quyết việc làm cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số là góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Giải quyết thực trạng này, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản. Nhờ vậy, một số mô hình nuôi cá lồng, cá bè trên lòng hồ, với các giống cá như rô phi, trắm, diêu hồng được triển khai. Tuy vậy, việc nuôi trồng, đánh bắt hải sản trên các vùng ngập lòng hồ vẫn còn mang tính lẻ tẻ, tự phát, manh mún, phương tiện đánh bắt còn khá thô sơ. Giống cá phải nhập từ các địa phương khác về nuôi nên giá thành cao, chưa chủ động được nguồn giống nên đem lại hiệu quả kinh tế chưa cao. Ông Nguyễn Hữu Tá-một trong những trung tâm cá giống lớn nhất huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum cho biết:”Chủ yếu nhập cá giống như trắm, chép, mè, rô phi, trôi, từ miền Tây, đồng bằng sông Cửu Long, về thả cho bà con ở địa phương”.
Nhằm giải quyết những khó khăn này, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đầu tư xây dựng Trung tâm giống thủy sản nước ngọt lớn nhất Tây
 |
Cá đánh bắt được từ lòng hồ thủy điện Plei Krông |
Nguyên tại xã Đăk La, huyện Đăk Hà, với kinh phí lên đến 17 tỷ đồng, qui mô sản xuất 100 triệu cá giống mỗi năm. Ông Nguyễn Văn Năm-Giám đốc Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản tỉnh Kon Tum, cho biết:”Theo kế hoạch, tháng 12.2010, trung tâm sẽ vận chuyển cá mẹ về ươm nuôi, cho sinh sản tại trung tâm này. Trước mắt, trung tâm ươm nuôi một số giống cá truyền thống như chép, trôi, trắm, mè… về lâu dài sẽ tiến hành nuôi thử nghiệm một số giống cá hải sản như cá lăn, cá thác lác cung cấp cho người dân trên địa bàn”. Đây là tín hiệu vui cho phát triển ngành thủy sản cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Song, việc phát triển nghề nuôi cá nước ngọt ở khu vực lòng hồ vẫn còn gặp khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Hải- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho rằng:”Do diện tích mặt nước của lòng hồ không ổn định, thời gian tích nước ngắn nên khó khăn trong việc nuôi cá bè. Mặt khác, người dân sống ở khu vực lòng hồ chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn là người nghèo, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ làm công tác thủy sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn khá mỏng và yếu”.
Hiện nay, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đang lập qui hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa trên địa bàn giai đoạn 2010 – 2020, trong đó có các dự án đầu tư xây dựng và chuyển giao các mô hình nuôi trồng, khai thác thủy sản trên hồ chứa, xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, các bến cá. Những giải pháp như đào tạo ngành nghề, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; Đảm bảo an toàn môi trường sinh thái, phát triển thủy sản bền vững; Chính sách ưu đãi, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn lợi thủy sản cũng đã đặt ra. Để khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có, mở ra một ngành nghề mới trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, thủy sản Kon Tum cần có sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp ngành chức năng. Ông Nguyễn Hữu Hải-Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum kiến nghị:”Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục quan tâm đầu tư 2 khu vực nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ Ya Ly và Plei Krông để người dân phát triển nghề cá, thành một nghề mới. Đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu cho thành lập chi cục thủy sản trên cơ sở Phòng thủy sản hiện nay mới đủ sức thực hiện chức năng quản lý nhà nước, tham mưu cho ngành trong lĩnh vực thủy sản”.
Phát triển nghề cá trên hồ chứa các công trình thủy điện ở Kon Tum là hướng đi đúng đắn, không chỉ tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho người dân, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển nền kinh tế xã hội tại địa phương. Để phát triển ngành nghề này, ngoài nhu cầu về nguồn vốn, Kon Tum rất cần nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn về thủy sản, làm công tác quản lý, sản xuất giống và khuyến ngư, hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo nghề cho nhân dân. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, tỉnh Kon Tum sẽ phát triển mạnh nghề nuôi trồng và đánh bắt hải sản, ngoài việc giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương, ngành nghề mới này sẽ góp phần đáng kể cho thu ngân sách địa phương.
Bài, ảnh: Phan Cư (CTV)