Thứ 5, Ngày 15/05/2025 -

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Những người thân trong gia đình Bác Hồ (II)
Ngày đăng: 31/05/2013  08:40
Mặc định Cỡ chữ
 

Cô Nguyễn Thị Thanh (1884-1954) 

Cô Nguyễn Thị Thanh (hiệu là Bạch Liên, Bạch Liên cư sỹ) là con gái đầu lòng của ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan, sinh năm Giáp Thân (1884) tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, nay là làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cô là chị cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Sinh trưởng trong một gia đình Nho học, cô Thanh đã được tiếp thu truyền thống tốt đẹp yêu nước thương dân của hai bên gia đình nội ngoại. Cô hiểu biết rộng, khá giỏi chữ Hán mặc dù Cô không theo học ở trường. Đặc biệt, Cô am hiểu về y học dân tộc và đã đem sự hiểu biết ấy để trị bệnh cứu người. Trong cuộc sống, Cô là người rất đảm đang.
 
Năm cô Thanh 11 tuổi (1895) cha mẹ và hai em trai ở Huế, ở quê nhà, mọi việc lo lắng, chăm sóc bà ngoại Nguyễn Thị Kép đã ngoài 60, một mình cô phải lo liệu.
 
Năm Cô 17 tuổi (1901), mẹ mất ở Huế, cha đem hai em Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Sin trở về Hoàng Trù, Cô lại vất vả chăm sóc hai em, nhất là Nguyễn Sinh Sin chưa đầy một tuổi luôn khát sữa mẹ.
 
Sau khi cha đỗ Phó Bảng, gia đình sinh sống ở làng Sen. Quan tâm, lo lắng cho vận mệnh đất nước, ông Sắc thường đi khắp đó đây giao du kết bạn với những người yêu nước, luận bàn thời cuộc, cô Thanh lại phải tự lập, tự quản gia đình.
 
Năm cô Thanh 22 tuổi (1906), mãn tang mẹ, cha buộc phải vâng mệnh triều đình đưa hai em trai vào Huế nhậm chức Thừa Biện ở Bộ Lễ, một mình Cô ở lại Kim Liên và từ đó Cô bước vào các hoạt động cứu nước. Cô tham gia tích cực trong tổ chức chống Pháp của Đội Quyên, Đội Phấn. Cuối năm 1910, Cô bị Pháp bắt trong một chuyến đi liên lạc, nhưng Cô đã khôn khéo thủ tiêu được các tài liệu mang theo người. Mặc dù vậy, bọn giặc vẫn giam cô vào tù, dùng đủ mọi cực hình tra tấn để hòng Cô khai báo, song Cô vẫn giữ vững tấm lòng trung trinh, không hề hé răng nửa lời, kể cả khi giặc lột trần Cô ngâm vào bể nước lạnh suốt một ngày trời trong khi bên ngoài mùa đông thời tiết đã xuống đến 7 - 8 độ. Bất lực, bọn giặc đành phải thả Cô. Sau khi thoát khỏi nhà tù của thực dân Pháp, Cô mở một hàng cơm kề thành Vinh (nhân dân hồi đó thường gọi là quán cơm cô Liên) để “phục vụ” cho bọn cai đội thuộc Lữ đoàn lính khố xanh đóng ở đó, nhưng thực chất là để moi móc tin tức, ăn trộm vũ khí của chúng tuồn cho nghĩa quân Đội Quyên, Đội Phấn đang hoạt động ở căn cứ Bố Lư, Đông Hồ. Tối ngày 05/02/1918, cô Thanh cùng với Nguyễn Kiên (một người yêu nước vốn là lính kèn trong Lữ đoàn lính khố xanh giải ngũ) tổ chức lấy trộm được 3 khẩu súng của địch, nhưng sau đó sự việc bị bại lộ. Cô Thanh, Nguyễn Kiên và những người liên quan bị bắt, bị tra tấn dã man trong nhà lao thành Vinh và ngày 04/6/1918, bọn giặc mở phiên tòa xét xử, tuyên án tử hình và tù khổ sai 8 người, trong đó Nguyễn Kiên, Ngô Thuần, Lê Bân bị chém ngay, cô Thanh bị án đánh 100 trượng và tù khổ sai 9 năm, lưu đày xa quê 3.000 dặm.
 
Ngày 02/12/1918, Nguyễn Thị Thanh bị đưa vào giam ở nhà lao Quảng Ngãi. Ở đây, Cô đã chữa lành bệnh cho vợ Phạm Bá Phổ, án sát Quảng Ngãi lúc đó, nên Phạn Bá Phổ đã xin Xô-Nhi (Chánh mật thám Trung kỳ, anh kết nghĩa của Phổ) đặc cách cho Cô được về ở nhà riêng của Phổ để làm hành dịch và dạy dỗ con trai Phổ là Phạm Bá Nguyên. Do ảnh hưởng và sự dạy dỗ của Cô nên Phạm Bá Nguyên sau này lớn lên cũng có tư tưởng yêu nước, tiến bộ. Năm 1930, Phạm Bá Nguyên đã được đồng chí Nguyễn Chí Diểu kết nạp vào Đảng cộng sản, trở thành một trong những đảng viên của Chi bộ Đảng đầu tiên ở Huế.
 
Năm 1922, Phạm Bá Phổ được triều đình Huế thăng chức Tham Tri Bộ Hình nên đưa cô Thanh cùng ra Huế. Cô Thanh đã yêu cầu Phổ cho cô được tách khỏi nhà riêng của Phổ và chịu sự quản lý theo Quy chế an trí. Ít lâu sau đó, với lòng hiếu đễ cộng với sự giúp đỡ của bạn bè và trí thông minh vốn có của mình, cô Thanh đã đưa được hài cốt của người mẹ kính yêu từ Ngự Bình về Kim Liên an táng.
 
Tháng 3 năm 1924, cô Thanh có gửi một lá thư sang Pháp cho em trai Nguyễn Ái Quốc (tức Nguyễn Tất Thành) nhưng lá thư bị Chánh mật thám Trung kỳ giữ lại. Tháng 8/1925, cô đến Điện Bàn (Quảng Nam) chữa bệnh cho một người bạn gái. Tháng 01/1926, cô gửi thư cho Toàn quyền Đông Dương bày tỏ thái độ chính trị của mình và đòi ân xá cho vua Thành Thái, vua Duy Tân đang bị chúng giam giữ. Khi Phan Bội Châu bị Pháp đưa về giam lỏng ở Bến Ngự (Huế), cô Thanh thường xuyên lui tới thăm hỏi, động viên cụ luôn cảnh giác, nêu cao ý chí cách mạng. Cô tham gia tích cực các hoạt động yêu nước do nhóm Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Văn Huân khởi xướng như ra báo, lập đảng.
 
Cuối năm 1929, nghe tin cha mất, cô Thanh đã rời Huế vào ngay xã Hòa An, Cao Lãnh, Đồng Tháp viếng mộ cha và cảm tạ bà con đã lo lắng, chôn cất ông Phó Bảng chu toàn. Ngày 11/12/1929, Cô về Kim Liên báo tin cho bà con hai họ Nguyễn Sinh và Hoàng Xuân biết việc ông Nguyễn Sinh sắc đã qua đời tại Cao Lãnh.
 
Tháng 9/1930, phong trào Xô-Viết Nghệ-Tĩnh lên cao. Làng Sen, quê hương Cô cũng rất sôi động. Tổng đốc An - Tĩnh Nguyễn Khoa Kỳ bị cách chức, Phạm Bá Phổ ra thay. Phạm Bá Phổ đã về tận làng Sen để trấn áp những người cách mạng, y định “đốt sạch, phá sạch” làng Sen. Với lòng dũng cảm, yêu mến quê hương, cô Thanh đã tìm cách thuyết phục, can ngăn Phạm Bá Phổ thực hiện ý định tàn bạo đó.
 
Sau khi rời nhà Phạm Bá Phổ, cô Thanh ở căn nhà 31B Đinh Tiên Hoàng, sau chuyển đến nhà 16B Hộ Thành. Sau năm 1930, Cô về Nam Dương (xã Quảng Vĩnh, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) ở trong nhà ông Nguyễn Hữu Hòa là em ông Nguyễn Hữu Hoàn (bố vợ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh). Từ năm 1937-1938, Cô chuyển về ở Phú Lễ làm nghề bốc thuốc chữa bệnh và mở lớp dạy chữ Hán.
 
Ngày 18/9/1940, cô Thanh rời Huế về sống với dì ruột là bà Hoàng Thị An ở làng Nguyệt Quả, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn nhưng sau đó thực dân Pháp lại buộc Cô lên thị trấn Sa Nam giao cho tri huyện Nam Đàn là Đinh Nho Bằng quản lý. Tại dốc chợ Sa Nam, Cô dựng một túp lều tiếp tục làm nghề bắt mạch kê đơn bốc thuốc chữa bệnh cho dân. Khách khứa ra vào chỉ đứng nói chuyện, người lớn không được ngồi nhưng khi có các em nhỏ đến chơi, Cô mời vào trải chiếu cho ngồi, cho kẹo ăn, nước uống, thương yêu trìu mến như con cháu trong nhà. Cô luôn tỏ ra khinh khi bọn quan lại địa phương, có lần Cô đã tát tai một tên đồn trưởng khi tên này ỷ thế cướp gà vịt của dân ngay giữa chợ.
 
Sau Cách mạng Tháng 8 thành công, Cô chuyển về Kim Liên, được Đảng và chính quyền chăm sóc chu đáo. Khi biết Hồ Chủ Tịch chính là em trai mình, cuối năm 1946, Cô có ra Hà Nội thăm em. Sau mấy chục năm xa cách, hai chị em ngồi nói chuyện trong nhà khách ở Bắc Bộ Phủ, hai đôi mắt đều ngấn lệ. Sau đó Cô trở về tiếp tục sống ở quê nhà. Cô mất năm 1954.
 
Chúng ta tự hào về cô Nguyễn Thị Thanh, người phụ nữ thông minh, tài sắc đã tiếp thu sâu sắc truyền thống tốt đẹp của quê hương xứ sở, có lòng yêu nước thương dân, căm thù giặc cao độ, quyết tâm hoạt động cứu nước. Cô là tấm gương hiếu đễ tuyệt vời trong gia đình, thông minh hiếu học, chí công vô tư và yêu nước nồng nàn. Cả tuổi thanh xuân và trọn cuộc đời Cô đã hiến dâng cho sự nghiệp chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc.
 
Cậu Nguyễn Sinh Khiêm (1888 - 1950)
 
Cậu Nguyễn Sinh Khiêm (hiệu Nguyễn Tất Đạt) là anh trai kế trên Nguyễn Sinh Cung (Nguyễn Tất Thành, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này). Cậu Khiêm là người có tư chất thông minh, hiểu biết rộng, giỏi chữ Hán, biết chữ Quốc ngữ và chữ Pháp.
 
Cuối năm 1895, Cậu được bố mẹ đưa đi Huế cùng với em trai Nguyễn Sinh Cung. Năm 1900, cậu lại cùng cha ra Thanh Hóa để cha tham gia tổ chức kỳ thi Hương Canh Tý, sau đó cậu về sống với bà ngoại và chị gái Nguyễn Thị Thanh ở làng Hoàng Trù. Năm 1901, ông Sắc đậu Phó Bảng, Cậu theo ông về sống ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An.
 
Năm 1903, Cậu theo cha lên Võ Liệt, Thanh Chương rồi sang Đức Thọ, ra Diễn Châu, Yên Thành vừa học tập, vừa tiếp xúc với các nhà nho yêu nước trong vùng.
 
Tháng 5/1906, Cậu theo cha vào Huế lần thứ 2, theo học trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, sau chuyển sang trường Quốc học.
 
Khi ông Sắc vào nhậm chức Tri huyện Bình Khê và em trai đã đi vào phía Nam, cậu Khiêm từ Huế trở về Kim Liên sống với chị gái Nguyễn Thị Thanh và bắt đầu tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước của cụ Phan Bội Châu.
 
Ông Lê Sách (Tú San) ở làng Bố Ân mời Cậu ra mở lớp dạy Quốc ngữ. Đây là lớp Quốc ngữ đầu tiên trong vùng Bố Ân, Bố Đức, Kim Liên, Hoàng Trù. Cậu rất chú trọng dạy học trò về đạo đức, gia phong qua các câu cách ngôn như: “Giấy rách giữ lề”, “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”…Vài tháng sau, được sự khuyến khích của Đội Phấn, Đội Quyên, cậu về Kim Liên mở lò dạy võ mà thầy dạy là Đội Phấn.
 
Năm 1910, Công sứ Nghệ An là Ô-Giê (Asugé) ham thích ca dao, tục ngữ Việt Nam đã sức cho các làng sưu tầm, nộp về cho y. Cậu Khiêm đã làm việc này cho nhiều làng xã ở Nam Đàn, Hưng Nguyên và được Công sứ Ô-Giê mời về Vinh giúp y công tác biên tập chuyên đề. Khi làm việc này, cậu Khiêm chỉ chú ý đến những câu có nội dung tiến bộ, khêu gợi lòng yêu nước, còn những câu đề cao công lao của bọn quan lại thống trị, Cậu bỏ hết. Ô-Giê trách Cậu “bỏ sót tài liệu” giơ chân đá, Cậu túm được, hất cẳng làm hắn ngã bổ nhào rồi bỏ về Kim Liên.
 
Năm 1912, Toàn quyền An-be Sa-rô (Albert Sarrau) có việc đi qua Vinh. Cậu Khiêm thay mặt dân làng Sen đưa ra Bản điều trần đòi Pháp phải nới rộng tự do dân chủ, giảm bớt sưu thuế, mở mang việc học hành. Cuối Bản điều trần, Cậu ghi: “Muốn thực hiện những cải cách trên, nhà nước bảo hộ cần người giúp việc, tôi xin sẵn lòng”. Ý Cậu là muốn tranh thủ làm những việc có ích cho nước, cho dân.
 
 Năm 1913, tuy mới 25 tuổi nhưng là người thương dân, có hiểu biết, chí khí nên Cậu được dân làng bầu làm Hương Hào. Cậu đã tìm cách giảm nhẹ sưu thuế, rút được 36 mẫu ruộng công chia cho dân, lập ra Hương ước cải cách chế độ cúng tế, đình đám để đỡ tốn kém…Bên trong, Cậu đã bí mật tham gia hoạt động chống Pháp trong tổ chức Đội Quyên, Đội Phấn bằng việc vận động tài chính để đóng góp cho nghĩa quân đang đóng ở Bố Cư (Thanh Chương) và Đông Hồ (Tân Kỳ).
 
Đầu năm 1914, thực dân Pháp và Nam Triều mời Cậu xuống Vinh vừa hăm dọa, vừa dụ dỗ Cậu để tìm tung tích Đội Quyên, Đội Phấn. Cậu Khiêm vui vẻ nhận số tiền chúng đưa nhưng lại bí mật dùng tiếp tế cho nghĩa quân. Sự việc bại lộ, ngày 01/4/1914, Cậu bị giặc bắt giam ở nhà lao Vinh đến ngày 25/9/1914 chúng mở phiên tòa xét xử, kết án Cậu 3 năm khổ sai. Ba tháng sau, Cậu bị phát giác cùng thầy giáo Nguyễn Thức Văn người xóm Trung Hòa làng Sen âm mưu vượt ngục và ngày 06/01/1915, Cậu bị tăng án lên 9 năm khổ sai. Gần 5 năm trời, từ 31/7/1915 đến 17/3/1920, cậu Khiêm phải lao động khổ sai đắp đường tại huyện Ba Ngòi, tỉnh Khánh Hòa, sau đó được chuyển về giam lỏng tại Huế.
 
Về Huế, Cậu không ở giữa Đế đô mà về Trạch Phổ ở nhà ông Nguyễn Văn Đề (một người quen biết khi lao động khổ sai ở Ba Ngòi), làm thuốc trị bệnh và mở lớp dạy chữ Hán. Cậu sống giản dị, tính tình phóng khoáng, vui vẻ, khinh ghét bọn cường hào địa phương nên dân trong vùng ai cũng thích gần gũi Cậu Ba (cách gọi thân mật theo thứ bậc ở miền Trung, miền Nam). Đến nay, dân trong vùng còn lưu truyền nhiều câu chuyện cảm động về lối sống chất phác, giản dị, giàu lòng thương người của cậu Ba Khiêm.
 
Năm 1922, biết chị ruột mình là Nguyễn Thị Thanh đã chuyển từ lao Quảng Ngãi ra Huế, chị em tìm gặp nhau và cùng bí mật tham gia trong tổ chức yêu nước của nhóm trí thức tiến bộ ở Huế. Cậu Khiêm còn thường xuyên giúp đỡ, bênh vực những người dân yếu thế bị ức hiếp, hướng dẫn họ đến cửa quan khiếu nại và tố cáo những việc làm độc ác, bất nhân, bất nghĩa của bọn cường hào, lý dịch địa phương. Do đó, bọ quan lại, cường hào vừa ghét Cậu, vừa nể sợ Cậu. Có lần, một viên quan mời Cậu đến nhà chơi và ăn cơm, Cậu nói thẳng: “Tôi đến chơi nhà quan, ăn cơm nhà quan để người ta chửi cho à?”.
 
Bọn thực dân Pháp và phong kiến Nam Triều dùng đủ mọi thủ đoạn để làm tiêu tan tinh thần và ý chí cách mạng của cậu Khiêm, trong đó có việc hàng tháng khi Cậu phải lên trình diện, chúng cho Cậu vài lít rượu, hòng biến Cậu thành kẻ nghiện ngập, dẫn đến bạc nhược cả về thể xác lẫn tinh thần nhằm thủ tiêu ý chí yêu nước của Cậu. Do vậy, trong suốt 20 năm sống ở Huế và vùng phụ cận, do sự o ép, theo dõi và âm mưu thâm độc của bọn thực dân Pháp và Nam Triều, ý chí cách mạng của cậu Khiêm có lúc đã lắng xuống đến mức chúng tưởng đã mất hẳn rồi. Nhưng khi được trở về quê hương Nam Đàn (06/02/1940), trong môi trường cách mạng của nhân dân, của quê hương xứ Nghệ thì tinh thần cách mạng của Cậu lại trỗi dậy mạnh mẽ. Cậu tổ chức diễn tuồng Trưng Nữ Vương, mở lò dạy võ, hội họp bí mật…nhằm bồi dưỡng và tìm người có lòng yêu nước. Do đó, Cậu lại bị Pháp bắt, kết án 2 tháng tù ngồi và phạt 20 đồng bạc. Nhưng bọn giặc cố tình giam giữ Cậu thật lâu, một năm sau phiên tòa xét xử (27/8/1940 - 16/8/1941), Cậu mới được ra khỏi nhà lao Vinh. 
 
Ra tù lần này, cậu Khiêm không ở hẳn Kim Liên mà Cậu đi khắp các huyện của tỉnh Nghệ An mong tìm người cùng chí hướng. Năm 1942, Cậu có vào Trạch Phổ, Ưu Điềm (Thừa Thiên - Huế), gặp một số chính trị phạm đang an trí tại đây để đàm đạo, trong đó có ông Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn, cha của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, sau này là UV Bộ Chính trị). Trong khi bôn tẩu khắp Nghệ An, cậu Khiêm đã tìm chọn được vị trí rất đắc địa ở Động Tranh, núi Đại Huệ thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Đàn để đưa hài cốt người mẹ kính yêu Hoàng Thị Loan cất táng ở đó.
 
Trong những ngày hừng hực khí thế cách mạng tháng Tám năm 1945, Cậu đã hăng hái đội mũ ca-lô, mang súng gỗ xuống đường cùng nhân dân Nam Đàn biểu dương lực lượng.
 
Năm 1946, Cậu có ra Hà Nội gặp gỡ Hồ Chủ Tịch, người em trai mình trong nỗi mừng vui khôn xiết sau bao nhiêu năm gặp lại. Do sức khỏe đã suy giảm, không muốn em trai vướng bận vì mình trong khi phải lo việc nước đang bộn bề, Cậu trở lại Kim Liên sống trong tình yêu thương, đùm bọc và chăm sóc chu đáo của Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương. Cậu Ba Khiêm mất ngày 15/10/1950 (23/8 năm Canh Dần) tại Kim Liên, thọ 62 tuổi.
 
Lịch sử Đảng bộ Nghệ - Tĩnh đã viết về cậu Ba Khiêm “Nguyễn Sinh Khiêm, người anh trai của Chủ Tịch Hồ Chí Minh là người thông minh, có cuộc sống giản dị, phóng khoáng, giàu lòng yêu thương người nghèo khổ…Cậu đã trải qua một cuộc đời hoạt động chống Pháp sôi nổi và bị tù đày khổ ải nhiều năm. Cuộc đời Nguyễn Sinh Khiêm đã góp phần làm phong phú thêm truyền thống yêu nước, thương dân, hy sinh cả cuộc đời để cứu nước, giải phóng Tổ quốc của quê hương xứ sở Lam Hồng.
 
Ngôi nhà tranh ở làng Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nơi ra đời những Con Người vĩ đại của dân tộc Việt Nam - Ảnh tư liệu của tác giả.
 
Kết thúc bài viết này, tôi muốn dùng hình ảnh ngôi nhà thân thương, giản dị đặc trưng của miền Trung được dựng lên từ những năm đầu của thế kỷ XX, nơi đã ra đời những Con Người vĩ đại để muốn nói rằng: Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của dân tộc là một nhân cách lớn, một thiên tài với những phẩm chất cao quý được cả thế giới ngưỡng mộ chính là do được hình thành từ sự kết tinh tinh hoa văn hóa quê hương xứ sở và nguồn cội truyền thống gia đình. Không chỉ Hồ Chí Minh mà cả những người thân yêu nhất trong gia đình Người là tấm gương sáng trong, mẫu mực nhất về tình yêu quê hương đất nước, phẩm chất đạo đức nhân văn, nhân ái, mãi mãi là di sản tinh thần quý giá cho đời đời con cháu học tập và noi theo./.
 
                                                                             Tôn Bảo biên soạn
                                                Theo cuốn sách cùng tên của Nguyễn Minh Siêu
                                                                    NXB Nghệ An, 1998.