Thứ hai, Ngày 28/04/2025 -

Học tập và làm theo gương Bác qua tác phẩm “Nhật ký trong tù”
Ngày đăng: 24/09/2013  03:29
Mặc định Cỡ chữ
Bước sang năm 1942 - 1943 của Thế kỷ XX, chiến tranh thế giới lần thứ 2 đã phân thành hai chiến tuyến giữa phát-xít (Đức - Ý – Nhật) và đồng minh (Liên Xô, Anh – Pháp – Mỹ). Ở Châu Âu, phát xít Đức đã gặp phải sức kháng cự mãnh liệt của Hồng quân và nhân dân Liên Xô. Trên nhiều mặt trận, Hồng quân Liên Xô đã chuyển sang tấn công, dấu hiệu về sự thất bại của chủ nghĩa Phát xít đã bắt đầu lộ rõ.

 

Bìa cuốn Nhật Ký trong tù
 
Hiểu rõ vận mệnh dân tộc phải gắn liền với vận mệnh thế giới, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam quan hệ chặt chẽ với cuộc chiến tranh chống phát xít của cả loài người, nên phải có sự liên minh quốc tế nhằm ủng hộ, hỗ trợ lẫn nhau, trước mắt là liên minh với nước láng giềng Trung Quốc, từ Chiến khu Việt Bắc, ngày 13/8/1942, Nguyễn Ái Quốc - lãnh tụ của Mặt trận Việt Minh, tổ chức cách mạng Việt Nam đặt mục tiêu hàng đầu là giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của thực dân pháp - quyết định đi công tác sang Trung Quốc, nhằm tìm sự hỗ trợ cho cách mạng Việt Nam của Đảng cộng sản Trung Quốc và lực lượng đồng minh Mỹ chống phát xít đang ở Trung Quốc. Giấy tờ đi đường của Người đều mang tên Hồ Chí Minh do Quốc dân đảng cấp từ năm 1940 trong thời kỳ “Quốc - Cộng hợp tác”. Nhưng ngày 27/8/1942, trên đường đến tỉnh Quảng Tây, Người bị Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch bắt ở xã Túc Vinh (huyện Đức Bảo) vì chúng cho rằng giấy tờ đã hết hạn, bị tình nghi là gián điệp. Người bị áp giải lên Tĩnh Tây nộp cho văn phòng Quế Lâm của Ủy ban quân sự chính phủ Quốc dân Đảng để điều tra xét hỏi vì một người Việt Nam mà có nhiều giấy tờ quan trọng do Trung Quốc cấp là đáng khả nghi. Tiếp đó, Hồ Chí Minh bị giải đi qua Điền Đông, Long An, Thiên Bảo, Đồng Chính, Nam Ninh, Vũ Minh, Tân Dương, Lai Tân, Liễu Châu và đến Quế Lâm ngày 10/12/1942, rồi lại bị giải về Liễu Châu để giao cho Cục Chính trị Bộ tư lệnh Đệ tứ chiến khu của Tưởng Giới Thạch thẩm tra.
 
Trong 13 tháng bị Quốc dân đảng giam cầm, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh bị dẫn giải qua 13 huyện của tỉnh Quảng Tây, giam ở 30 nhà lao, trải qua bao gian lao khổ ải, hiểm nguy. Những ngày bị giam cầm, Người đã viết 134 bài thơ bằng chữ Hán vào một tập vở nhỏ bìa xanh, bên ngoài ghi 4 chữ “Ngục Trung nhật ký”(Nhật ký trong tù). Người viết: “Thân thể ở trong lao/Tinh thần ở ngoài lao/Muốn nên sự nghiệp lớn/Tinh thần càng phải cao”. Trong bài Khai quyển, Người tự bạch: “Ngâm thơ ta vốn không ham/Nhưng giờ trong ngục biết làm chi đây/Ngày dài ngâm ngợi cho khuây/vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”. Cả tập thơ thể hiện ý chí mãnh liệt, bản lĩnh trung kiên, tinh thần lạc quan của người cách mạng, đó chính là chất Thép trong con người và trong thơ Hồ Chí Minh. Ngôn ngữ nghệ thuật trong “Nhật ký trong tù” độc đáo, cô đọng, dễ hiểu, vừa trữ tình vừa xen tự sự, xứng đáng là viên ngọc lấp lánh trong dòng văn học cách mạng Việt Nam.
 
Người ngồi đó với cây chì đỏ
Vạch đường đi từng bước từng giờ
(Thơ Tố Hữu)
 
Tình cảnh người tù thật thê thảm, vì bị tình nghi là tội phạm quan trọng nên chúng rất chú ý canh chừng “Tay bị trói cảnh khuỷu, cổ mang vòng xích, có sáu người lính mang súng giải đi trong mưa dầm nắng dãi…”. Từ sáng sớm, gà gáy bắt đầu đi, buổi chiều trời tối hẳn, dừng nghỉ tạm bị giam vào xà lim tạm thời, không cởi trói cho để ngủ. Ăn không đủ, bẩn thỉu, ở lẫn với những kẻ bệnh giang mai, nghiện thuốc phiện, có khi tối phải ngủ ngồi trên cầu xí…chấy rận, ghẻ lở khắp người, người gầy như que củi, tóc bạc hết, mắt kém hẳn, có hôm ngủ dậy thấy bạn tù bên cạnh đã chết cứng... “Bốn tháng cơm không no/Bốn tháng đêm thiếu ngủ/Bốn tháng áo không thay/Bốn tháng không giặt giũ…Răng rụng mất một chiếc/Tóc bạc thêm mấy phần/Gày đen như quỷ đói/Ghẻ lở mọc đầy thân” (Bốn tháng rồi).
 
Nửa đêm bị dựng dậy, dẫn giải đi nhà tù khác: “Gà gáy một lần đêm chửa tan/Chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn/Người đi cất bước trên đường thẳm/Rát mặt đêm thu trận gió hàn” (Giải đi sớm - Nam Trân dịch).
 
Trong hoàn cảnh bĩ cực ấy, Người vẫn luôn lạc quan cách mạng, nhìn thấy tương lai tươi sáng của dân tộc:
 
“Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng/Bóng tối đêm tàn quét sạch không/Hơi ấm bao la trùm vũ trụ/ Người đi thi hứng bỗng thêm nồng” (Giải đi sớm - Nam Trân dịch).
 
Nỗi khổ không chỉ về vật chất, thân thể mà nỗi khổ, nỗi lo lớn hơn là trong lúc mình bị giam cầm thì tình hình bên ngoài biến chuyển từng ngày, sôi động. Phong trào cách mạng trong nước đang lên cao, ai là người lãnh đạo phong trào, ai giúp đỡ đồng bào mình tổ chức đấu tranh? Các nước đồng minh đã tiến đến đâu? Nhật – Pháp đã cắn nhau chưa? Ngày này qua ngày khác, Người dằn vặt lo lắng, day dứt nghĩ suy lo cho vận nước.
 
“Một canh, hai canh lại ba canh/Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành/Canh bốn canh năm vừa chợp mắt/Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh” (Không ngủ được).Rồi khi nghe tin Việt Nam có biến động đăng trên báo Ung Ninh, Người tưởng tượng đến một cuộc khởi nghĩa bùng nổ: “Thà chết chẳng cam nô lệ mãi/Tung bay cờ nghĩa khắp trăm miền/Xót mình giam hãm trong tù ngục/ Chưa được xông ra giữa trận tiền”.
 
Hơn một năm bị giam cầm, bị đưa đi hết nhà tù này đến nhà tù khác, được chứng kiến cảnh người dân quê Trung Quốc cũng đói khổ, lầm than đang giã gạo, người suy ngẫm và tự nhủ mình: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/Sống ở trên đời người cũng vậy/Gian nan rèn luyện mới thành công” (Nghe tiếng giã gạo - Văn Trực - Văn Phụng dịch). Đấy chính là bài học về kiên trì vượt khó, tự rèn luyện mình, không khuất phục hoàn cảnh.
 
Xem những bạn tù chơi cờ giết thời gian, Người cũng suy tư và liên tưởng đến chiến lược, chiến thuật của người chỉ huy cầm quân ngoài chiến trận, điều binh khiển tướng linh hoạt cơ trí để giành chiến thắng:
 
Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ/Kiên quyết không ngừng thế tấn công/Lạc nước hai xe đành bỏ phí/Gặp thời một tốt cũng thành công/Vốn trước hai bên ngang thế lực/Mà sau thắng lợi một bên giành/Tấn công thoái thủ không sơ hở/Đại tướng anh hùng mới xứng danh” (Học đánh cờ).
 
Coi trọng giá trị của giáo dục, rèn luyện, rất gần với tư tưởng của Nho gia về đấng nam nhi sống giữa đất trời, muốn nên sự nghiệp lớn thì tự bản thân phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, bản thân có đủ nhân - trí - dũng mới có thể giúp ích cho đời, do vậy, trước hết phải “Tu thân”, sau mới có thể “tề gia - trị quốc - bình thiên hạ”, bởi “ Nhân bất học bất tri lý/Ngọc bất trác bất thành khí”. Trong bài “Nửa đêm”, Hồ Chí Minh viết: “Ngủ thì ai cũng như lương thiện/Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền/Hiền dữ phải đâu là tính sẵn?Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
 
Ngày 13/9/1943, không có lý do gì để giam cầm mãi, Quốc dân đảng buộc phải trả tự do cho Hồ Chí Minh. Người tìm đường về nước tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước lúc này đã hết sức sôi sục. Và chỉ chưa đến 2 năm sau, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh, ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã thành công, giành chính quyền trong cả nước từ tay đế quốc Nhật. Sáng mồng 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình giữa Thủ đô Hà Nội, trước gần 1 triệu đồng bào, Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
 
Có thể nói, mỗi bài thơ trong 134 bài thơ của tập Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh là một bài học nhân sinh, bài học về ý chí cách mạng, lòng yêu nước thương dân, tình cảm sâu đậm đối với quê hương đất nước.Như Hồ chí Minh đã tự bạch, Người không phải Nhà Thơ, thơ đối với Người là vũ khí đấu tranh, là phương tiện chuyển tải đường hướng cách mạng, tuyên truyền cách mạng, tâm nguyện một lòng vì nước vì dân, như nhận xét rất chân xác của nhà sử học Trần Huy Liệu “Về hình thức, thơ Hồ Chủ Tịch có một đặc điểm là giản dị, trong sáng và đậm đà. Chúng ta không thấy một bài nào gò ép hay chú ý đẽo gọt quá. Bằng ngòi bút tả thực, có nhiều bài về nội dung của nó, toàn là những chuyện rất thông thường, nhưng đọc lên vẫn thành thơ.Hoặc những sự việc xa lạ với thơ, nhưng đã được thi vị hóa một cách rất hóm hỉnh”.  
 
Năm nay, kỷ niệm 70 năm ra đời tập thơ Nhật ký trong tù (1943 - 2013) của Bác, để học tập và làm theo tấm gương vĩ đại của Bác, thiết nghĩ việc đọc và suy ngẫm từng bài thơ trong tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác cũng là việc nên làm đối với mỗi người chúng ta./.
 
Tôn Bảo