 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh tư liệu |
Chính xuất phát trên “trung hiếu”, Người ra đi tìm đường cứu nước, đến với chủ nghĩa Lênin và cống hiến cả cuộc đời mình cho đân, cho nước, cho hòa bình dân chủ tiến bộ thế giới. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà nhà báo, nhà thơ Xô Viết Ôxíp Mandenx - từ những năm hai mươi của thế kỷ XX - tiên đoán: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải là văn hóa Châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”.
Nghị quyết khuyến nghị các quốc gia thành viên kết hợp tổ chức Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, khóa họp lần thứ 24 của Tổ chức về Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (Unesco) cũng đã chỉ rõ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng kiệt xuất và quyết tâm của cả dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ, và tiến bộ thế giới” và Unesco đã tôn vinh Người là “Nhà văn hóa lớn, anh hùng giải phóng dân tộc”.
Ở Bác, “Nhà văn hóa lớn”, như đã nhắc đến, xuất phát từ trung - hiếu, là lòng yêu nước, là nơi khởi nguyên và hội tụ của những dòng văn hóa lớn; đó là: Truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc khơi nguồn từ truyền thống gia đình; đó là: Tinh hoa văn hóa nhân loại được Người tiếp thu, chọn lọc, vận dụng, nâng cao; đó là Chủ nghĩa Mác - Lê nin. Trong đó, việc vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam là cốt lõi đã định hướng, là kim chỉ nam hướng tới giải phóng dân tộc, giải phóng con người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.
Khi nghiên cứu về tính dân tộc của tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh, GS-TS Đỗ Huy cho rằng: “Trong triết lý phát triển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tính dân tộc của văn hóa thống nhất bốn mối quan hệ:
a) Con người và tự nhiên; b) Truyền thống - hiện đại c) Dân tộc - tộc người; d) Dân tộc - Quốc tế.
Giữ gìn bản sắc dân tộc làm động lực cho sự phát triển trong tư tưởng Hồ Chí Minh là một quá trình vận động tương tác giữa cái cũ và cái mới; cái nội sinh cái ngoại sinh; cái đặc thù và cái phổ biến trên cơ sở yêu nước kiểu mới. Chủ nghĩa dân tộc làm động lực cho phát triển đất nước; đó là chủ nghĩa dân tộc đã tiếp biến tinh hoa văn hóa nhân loại. Dân tộc gắn bó với văn minh: “Dân tộc - hiện đại”. (1)Tính dân tộc của văn hóa đó được Người khái quát cụ thể, dễ hiểu:
“Văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa phương Đông và phương Tây chung đúc lại, ta học lấy để tạo ra nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”. (2)Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ cho chúng ta thấy rõ quá trình tiếp thu cái mới nhằm mục đích làm giàu thêm cho nền văn hóa Việt Nam trên cơ sở chọn lọc cái hay, cái tốt; bỏ cái dở, cái xấu; trong đó, không vì mục đích vì con người, phục vụ con người, phục vụ đất nước. Yêu nước - trong tư tưởng Văn hóa Hồ Chí Minh gắn liền với con người, yêu thương con người. Với Bác, Bác chỉ có một ham muốn tột bật là dâng hiến đời mình cho nhân dân, Tổ quốc để: “ làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc ai cũng được học hành”
Đạo đức văn hóa trong thời kỳ hội nhập
Chúng ta đều biết: Thành phần quan trọng tạo nên nền văn hóa là gia đình, làng xã. Chính bản thân tự khép kín cộng đồng trong đơn vị hành chính khiến làng xã trở thành một xã hội thu nhỏ, có sức cộng cảm tạo nên tâm hồn và tính cách của con người Việt Nam. Đó là tính dân tộc truyền thống: Yêu nước thương dân, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do; trong đó vai trò của đạo đức trong xã hội được xem trọng. Hành vi đạo đức của con người được xem là văn hóa khi nó đáp ứng được yêu cầu của đời sống xã hội. Đạo đức văn hóa của dân tộc Việt Nam hình thành và phát triển hàng nghìn năm song hành cùng với diễn trình lịch sử của dân tộc Việt Nam. Những chuyển biến của xã hội đã chuyển đổi giá trị văn hóa truyền thống nhằm yêu cầu phát triển của thời đại. Trải qua thời gian dài, với những biến thiên của lịch sử, xã hội, tính truyền thống của dân tộc Việt Nam luôn được tôn vinh, khởi sáng; đạo đức văn hóa của con người Việt Nam luôn được truyền dạy, phát huy. Thế nhưng, văn hóa đạo đức trong thời kỳ hội nhập được hình thành hết sức phức tạp; ở đó xuất hiện nhiều yếu tố mới: Có yếu tố tích cực, có yếu tố tiêu cực, có yếu tố định hình hoặc chưa định hình lẫn lộn; các chuẩn mực đạo đức đậm đà tình cảm, nhân nghĩa. Cộng đồng của văn hóa đạo đức được bổ sung bằng các chuẩn mực lý trí, tính chính xác kích thích phát huy cao độ tiềm năng sáng tạo làm giàu của cá nhân; quan hệ giữa người với người, người với tiền bị đồng tiền chi phối; hiện tượng tiêu cực xã hội nảy sinh hành vi phi đạo đức, phi văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều làm ảnh hưởng xấu đến văn hóa đạo đức của con người Việt Nam. Như vậy, trong khi hội nhập, trong giao thoa văn hóa, chúng ta không “lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy là chúng ta dễ đánh mất bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Nhận xét về vấn đề này, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Niên đã khẳng định: “Khi chúng ta tiến vào hội nhập một cách mạnh mẽ thì vấn đề văn hóa là vấn đề hết sức quan trọng. Nếu chúng ta chuẩn bị không nghiêm túc hoặc như chủ quan thì sẽ bị văn hóa ngoại lai lấn át, và khi đó phải trả giá rất đắt”.
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”là một sinh hoạt chính trị rộng khắp trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân về tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh; trong đó, “Trung với nước, hiếu với dân” là một trong những gương sáng mà Người suốt đời theo đuổi, phụng sự. Văn hóa đạo đức “Trung với nước, hiếu với dân” qua cuộc đời và sự nghiệp của Người là bài học sáng ngời về lòng yêu nước, thương dân; hết lòng vì dân, vì nước!
Thời kỳ hội nhập và mãi mãi về sau, hai chữ Hiếu - Trung trong mỗi một người Việt Nam nếu thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng sẽ đẩy lùi suy thoái đạo đức, lối sống, các tệ nạn xã hội… góp phần bảo tồn, phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH, thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”
Nhà báo với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
Sự xuống cấp đạo đức trong thời gian gần đây không những là do mặt trái của cơ chế thị trường trong thời kỳ hội nhập mà một phần nguyên nhân do gia đình thiếu chăm lo, giáo dục con cái, nề nếp gia đình. Dù sao, thời kỳ hội nhập nhiều cơ hội, thách thức mới ít nhiều ảnh hưởng, tác động đến gia đình.
Những quan hệ truyền thống tốt đẹp, như: Gia đình, tình yêu, vợ - chồng, xóm láng giềng nói chung là quan hệ người - người bị đồng tiền chi phối, làm rạn nứt, có khi đổ vỡ. Việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong thời kỳ hội nhập nhằm đem lại lợi ích, lợi nhuận cho mọi người, phát huy năng lực - khả năng làm giàu cho cá nhân, làm giàu cho xã hội; lấy mục tiêu hiệu quả kinh tế cao phục vụ cho lợi ích xã hội chủ nghĩa, làm nền tảng cho văn hóa đạo đức phát triển với nguyên tắc: Tăng trưởng kinh tế đồng thời với công bằng xã hội, phát triển kinh tế phục vụ lợi ích con người. Đối tượng con người là trung tâm của mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Vì thế, việc khởi động, phát huy quan hệ tốt đẹp giữa người - người; phát huy mặt tích cực của kinh tế thị trường, lên án hành vi phi đạo đức, phi văn hóa; đồng thời đề cao phẩm chất, giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc trên cơ sở tiếp thu các giá trị văn hóa tiến bộ của nhân loại trong tiến trình hội nhập là nhiệm vụ của toàn xã hội; trong đó, những người làm báo, với “bút sáng, lòng trong” bằng ngòi bút sắc bén của mình hãy lên tiếng nói trung thực, nhìn thẳng sự thật để định hướng xã hội, xây dựng văn hóa đạo đức mới trong thời kỳ mới.
Làm được như thế là chúng ta góp phần hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”./.
Nguyễn Đang
(1) Tư tưởng văn hóa trong triết lý phát triển của Chủ tịch Hồ Chí Minh- Đỗ Huy GS.TS Viện Triết học, TTKHXH và NVQG- 4.2000
(2) Hồ Chí Minh: Về Văn hóa - Bảo tàng Hồ Chí Minh XB-H, 1997