Thứ 4, Ngày 09/04/2025 -

Bác Hồ viết Di chúc
Ngày đăng: 29/04/2014  03:35
Mặc định Cỡ chữ

 Đến năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự cảm nhận được sức khỏe của Người giảm sút so với những năm trước đó.

Đúng 9 giờ sáng thứ hai, mồng 10 tháng 5 năm 1965, Bác Hồ đặt bút viết những dòng chữ đầu tiên để dặn lại cho muôn đời con cháu mai sau. Mở đầu Bác viết: "Nhân dịp mừng 75 tuổi". Phía trên, bên trái, Bác ghi: "Tuyệt đối bí mật" vì Bác không muốn cho nhiều người biết việc làm của "một người sắp đi xa” dẫn đến những suy nghĩ không có lợi. 
 
Trước đó, ngày 15-2-1965, Bác Hồ về " thăm" Nguyễn Trãi ở Côn Sơn. Sinh ra cách nhau hơn 5 thế kỷ ( 1380-1890) mà sao có những trùng hợp kỳ lạ, y như cuộc hẹn gặp lịch sử đã định sẵn. Hai nhà chính trị và quân sự kiệt xuất, hai nhà thơ lớn, hai nhân cách lớn, và bao trùm lên tất cả là sự gặp nhau ở lòng tin tuyệt đối vào sức mạnh to lớn của nhân dân, là tấm lòng tha thiếtđối với hạnh phúc của nhân dân.Nguyễn Trãi đã từng nói " Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân", cũng chính ông đã mở đầu "Bình Ngô đại cáo" bằng một câu bất hủ" Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân".Trong tư tưởng Hồ Chí Minh“Nước lấy dân làm gốc”, “sự nghiệp cách mạng là do nhân dân tiến hành”; “nhân dân là người làm ra lịch sử"... Người khẳng định: Không có nhân dân, Đảng, Chính phủ không đủ lực lượng. Sức mạnh nhân dân là vô địch. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Có dân là có tất cả. Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong... Để tập hợp và phát huy sức mạnh vô địch của nhân dân, Đảng, Chính phủ có trách nhiệm tổ chức, vận động nhân dân, giảng giải lý luận, chiến lược, sách lược cho dân, làm cho dân nhận rõ tình hình, đường lối và định phương châm cho đúng. Đảng lãnh đạo quần chúng quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, giành thắng lợi trong mỗi giai đoạn cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng.
 
Ngày 10-5-1965 ấy, Bác viết: “Năm nay tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khỏe. Tuy vậy, tôi cũng đã là lớp người “xưa nay hiếm”. Ai đoán biết tôi sẽ sống và phục vụ tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy năm, mấy tháng nữa?
 
Vì vậy, tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột…”
 
Đúng 10 giờ. Một giờ đã trôi qua, Bác gấp những tờ giấy " Tuyệt đối bí mật" lại, cẩn thận cho vào phong bì rồi để vào ngăn trên giá sách.
 
Bác Hồ lại ung dung thanh thản trở lại công việc hàng ngày của vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, của người không biết mệt mỏi cho phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
 
Ngày hôm sau, 11-5-1965, đúng 9 giờ, Bác lại thong thả, ung dung lấy phong bì đựng tài liệu " Tuyệt đối bí mật" từ trên giá sách xuống, ngồi vào bàn, chăm chú viết. Bác không quên nhắc đồng chí Vũ Kỳ tiếp tục theo dõi tin chiến thắng Bà Rá để báo cáo thêm với Bác.
Hôm nay, Bác viết về Đảng, về đoàn kết, về đạo đức cách mạng. Người khẳng định: Vấn đề đoàn kết có tầm quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng. Đoàn kết là nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Người viết: "Nhờ đoàn kết chặt chẽ" "Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác". Người khẳng định, đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân tộc ta. Người căn dặn: "Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình".
 
Để thực hiện đoàn kết, thống nhất trong Đảng, Người yêu cầu phải thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Người căn dặn: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình", "trong Đảng phải có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau". Theo Người, đó là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng.
 
Người căn dặn: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
 
Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà trong đoạn văn ngắn chỉ 57 từ, Bác Hồ đã dùng đến bốn chữ " thật". Bác đã suy ngẫm trong suốt một thời gian dài về bốn chữ " thật" đó, chí ít là trong ba tháng, kể từ buổi đến " thăm" Nguyễn Trãi ở Côn Sơn.
 
Ngày 12-5-1965, đúng 9 giờ, Bác lại ngồi viết tiếp tài liệu " Tuyệt đối bí mật". Bác viết về thanh niên; về quyết tâm chống Mỹ cứu nước; về kế hoạch xây dựng đất nước mai sau:
 
Người viết: "Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ". Người yêu cầu "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng", vừa "chuyên"...
 
Đối với nhân dân, Người nêu rõ: "nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh dũng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng". Người chỉ ra trách nhiệm to lớn của Đảng với nhân dân là "Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự đoán "Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người", nhưng Người khẳng định một quyết tâm lớn của Người và của cả dân tộc là: "Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn"...
 
Sáng ngày 13-5-1965, khi viết tiếp tài liệu " Tuyệt đối bí mật", trong phần " Về phong trào cộng sản thế giới", Bác Hồ đã dặn lại những lời tâm huyết:
 
"Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em". Đó chính là một hình thức gián tiếp, Người gửi tới những người cộng sản chân chính trên thế giới quan điểm và trách nhiệm của mình vì sự đoàn kết quốc tế của những người cộng sản.
 
Với chủ nghĩa quốc tế trong sáng và phương pháp tư tưởng tuyệt vời, Hồ Chí Minh không bày tỏ "lời khuyên" hay sự nhận xét đúng sai với người này, người khác, mà Người xác định trách nhiệm của Đảng ta đối với sự bất hoà ấy. Trong Di chúc, Người viết: "Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình". Người bày tỏ niềm tin "các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại".
 
Chiều 14-5-1965, Bác dành gấp đôi thời gian, từ 14 giờ đến 16 giờ cho tài liệu " Tuyệt đối bí mật". Bác viết tiếp trong mục mà Bác cho là việc riêng:
 
"Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.
 
Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn, và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế.
 
Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".
 
Đúng hẹn, đồng chí Lê Duẩn sang gặp Bác, cũng vừa lúc Bác đánh máy xong tài liệu “Tuyệt đối bí mật” vào lúc 16 giờ ngày 14/5/1965. Nhưng Bác đánh máy dòng chữ: Hà Nội, ngày 15/5/1965 trước chữ ký Hồ Chí Minh.
 
Sáng 15/5/1965, Bác có chuyến công tác tại Trung Quốc. Đúng 6 giờ, máy bay cất cánh. Chưa đầy 3 tiếng sau, 8 giờ 44 phút đến Quảng Châu (Trung Quốc). Thế mà, trước đây, từ Quảng Châu đến Pác Bó, Bác phải đi mất 17 năm trời, từ cuối năm 1924 đến đầu năm 1941.
 
Năm 1966, 1967 Người không có bản viết riêng, chỉ có hai bản bổ sung vào Di chúc năm 1965 viết thêm ở phần nội dung Người viết về Đảng. Ở khổ văn thứ nhất nội dung này, Người viết : “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân”. Đến đây, Người thêm các chữ “phục vụ Tổ quốc”. Ở khổ văn thứ 3 trong nội dung viết về Đảng, Người viết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Đến đây, Người viết thêm câu: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” vào cuối khổ văn. Năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bổ sung một đoạn gồm 6 trang viết tay. Năm 1969, vào ngày 10 - 5, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lại toàn bộ phần mở đầu Di chúc bằng 1 trang viết tay.
 
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1969, có đề ngày 10 - 5 gồm 4 trang in khổ 14,5 x 22 cm. Bản Di chúc này chủ yếu dựa vào bản Người viết năm 1965, trong đó có đoạn mở đầu là bản viết năm 1969; đoạn về việc riêng là phần đầu bản viết năm 1968.
 
Các bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI công bố năm 1989 vào dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Người.
 
Theo Hồi ký " Bác Hồ viết Di chúc" của đồng chí Vũ Kỳ và tài liệu “ Giới thiệu một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Nhà XBCTQG - ST phát hành năm 2012.
Lê Quang Thới