Chủ nhật, Ngày 13/10/2024 -

“Cái mà tôi cần nhất trên đời là đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”
Ngày đăng: 30/05/2014  08:56
Mặc định Cỡ chữ

Cách đây 68 năm, vào lúc 6 giờ, ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phái đoàn Việt Nam đến sân bay Gia Lâm. Trước lúc lên máy bay đi dự Hội nghị Phôngtennơblô ( họp từ tháng 6 đến tháng 9-1946 tại Pháp), Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm tay Cụ Huỳnh Thúc Kháng và nói: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Sau đó, Người nói với các thành viên trong đoàn công tác sang Pháp trước những đại biểu đưa tiễn “Anh em chúng ta mang trọng trách quốc gia, trước mặt quốc dân đồng bào, chúng ta phải thề dù gặp gian lao thế nào, chúng ta cũng phải nhất tâm đoàn kết để làm tròn nhiệm vụ đối với Tổ quốc”. Tất cả đồng thanh hô: “Xin thề!”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tại nước Pháp, khi Anbe Xarô (nguyên Toàn quyền Đông Dương, nguyên Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp) gặp Hồ Chí Minh, ông ta phải thốt lên: “C’est vous!” (Lại là ông à!). Tôi đã trải qua một phần lớn cuộc đời để chạy theo ông”, rồi sau khi ôm người quen cũ, gọi là bạn quý, ông ta chỉ đề nghị một điều: Xin vẫn để tên một trường học ở Hà Nội mang tên Anbe Xarô”.
 
"Tôi đã trải qua một phần lớn cuộc đời để chạy theo ông”. Ấy là từ năm 1919, chỉ ba tháng sau khi nhận chức Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, ngày 6/9/1919, Anbe Xarô đã mời Nguyễn Ái Quốc đến trụ sở Bộ Thuộc địa, đích thân kiểm tra lai lịch của Nguyễn Ái Quốc. Ngày hôm sau Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Anbe Xarô, toàn văn như sau:
 
“Pari, ngày 7 tháng 9 năm 1919
Kính gửi Ngài Anbe Xarô, Toàn quyền Đông Dương[1].
Thưa Ngài Toàn quyền.
Tiếp theo cuộc trao đổi với Ngài hôm qua, tôi xin phép gởi đến Ngài kèm theo đây bản trình bày các yêu cầu của người An Nam. Vì Ngài có nhã ý nói với tôi rằng Ngài luôn luôn muốn làm sáng tỏ mọi vấn đề, tôi xin phép yêu cầu Ngài cho biết là trong 8 điểm yêu cầu của chúng tôi có điểm nào đã được thực hiện, và chúng tôi phải liên hệ với những tư liệu nào để chứng minh điều đó. Vì tôi xin khẳng định là cả 8 điểm đều còn nguyên vẹn và chưa có điểm nào được giải quyết thỏa đáng.
Xin Ngài vui lòng tiếp nhận.
Nguyễn Ái Quốc
6 Vila de Gobơlanh, Pari.
 
Cuộc đối mặt thứ hai xảy ra vào tháng 3 năm 1921. Trong cuộc gặp này Anbe Xarô cho Nguyễn Ái Quốc biết rằng chưa thể để Đông Dương độc lập được vì Đông Dương chưa có quyền lực vũ trang. Nguyễn Ái Quốc đã nói: “Thưa ông Bộ trưởng, xin ông hãy xem nước Xiêm và nước Nhật. Hai nước này không có nền văn minh lâu đời hơn chúng tôi mà họ đã được đứng trong các quốc gia trên thế giới. Nếu nước Pháp trả lại nền độc lập cho chúng tôi, ông sẽ thấy chúng tôi biết cầm quyền cai trị lấy". 
 
Cuộc đối mặt lần thứ ba vào trung tuần tháng 6-1922 ( trước ngày 22/6/1922), Nguyễn Ái Quốc đến gặp Anbe Xarô theo thư mời của ông ta. Trong cuộc đối mặt này, trước thái độ và lời lẽ lúc thì đe dọa, lúc thì dụ dỗ của "con cáo già thuộc địa",  kẻ lúc nào cũng có quyền "bắt giải Nguyễn Ái Quốc về Việt Nam, gán cho tội tuyên truyền cộng sản rồi đưa lên máy chém", Nguyễn Ái Quốc luôn giữ thái độ bình tĩnh, ung dung, không hề tỏ ra sợ sệt vì tin rằng mình "là tượng trưng của nhân dân Việt Nam đang bị Pháp đô hộ một cách tàn nhẫn", "dựa vào lực lượng của chính nghĩa và cảm tình của giai cấp công nhân Pháp, nhất là công nhân Pari". Trước khi ra về, Nguyễn Ái Quốc đã nói với Anbe Xarô: Cảm ơn Ngài! Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập... 
 
Có thể thấy những lần đối mặt với Anbe Xarô là những lần Hồ Chí Minh thể hiện khí phách bất khuất trước kẻ thù, lý tưởng kiên định quyết giành độc lập tự do cho dân tộc và thái độ ung dung, bình tĩnh trước tay cáo già thực dân. 
 
Trong công tác ngoại giao những ngày đầu giành được chính quyền, ngày 8-2-1946, khi tướng R. Xalăng đề nghị "để quân đội Pháp vào lập lại trật tự" cho Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Tôi không thể làm như vậy. Nếu làm như vậy, tôi sẽ là kẻ phản quốc", và Người nói tiếp "Pháp là một nước lớn. Chúng tôi yêu nước Pháp, nhưng không muốn làm nô lệ, chúng tôi muốn sống tự do. Chúng tôi muốn có quan hệ rất nhiều về kinh tế với Pháp. Chúng tôi muốn có những quan hệ rộng lớn nữa về văn hoá. Chúng tôi muốn có những cán bộ chuyên viên kỹ thuật người Pháp trên mọi lĩnh vực. Nhưng chúng tôi phải là chủ nhân trên đất nước chúng tôi...". Khi gửi thư đến Tổng thống Mỹ H. Tơruman (ngày 16-2-1946), Người nêu rõ: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi, sau quá nhiều năm chịu sự cướp bóc và tàn phá, mới chỉ đang bắt đầu công cuộc xây dựng. Cần phải có an ninh và quyền tự do”... “An ninh và tự do chỉ có thể được bảo đảm bằng sự độc lập của chúng ta đối với bất kỳ một cường quốc thực dân nào, và bằng sự hợp tác tự nguyện của chúng ta với tất cả các cường quốc khác. Chính là với niềm tin vững chắc này mà chúng tôi yêu cầu Hợp chủng quốc, với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực Công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định ủng hộ nền độc lập của chúng tôi... Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”.
 
Trong những ngày tháng năm vừa qua, trước sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu bên trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, nhân dân Việt Nam ở trong nước và ngoài nước, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng phản đối. Việt Nam đã kiên trì đấu tranh theo tinh thần hòa bình, yêu cầu Trung Quốc thực hiện luật pháp quốc tế, rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam. Không những không lùi bước, Trung Quốc còn dùng sức mạnh quân sự để uy hiếp, làm hư hỏng nhiều tàu chấp pháp của Việt Nam, cản trở việc ngư dân bám biển, đâm làm chìm tầu của ngư dân Việt Nam đang khai thác cá trên ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền Việt Nam…
 
Trả lời báo chí quốc tế nhân chuyến thăm và làm việc tại Philippines mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra thông điệp“Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.
 
Trong thời điểm phức tạp hiện nay trên Biển Đông, nhớ đến Bác Hồ kính yêu "Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập", khí phách bất khuất trước kẻ thù, lý tưởng kiên định quyết giành độc lập tự do cho dân tộc, thái độ ung dung, bình tĩnh trước kẻ thù và tư tưởng, phong cách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là những bài học quý cho chúng ta trong những thời kỳ cách mạng. Cả dân tộc Việt Nam ngày nay đều đồng lòng nhất định không chấp nhận đánh đổi chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.

Lê Quang Thới


[1] Lúc này Anbe Xarô là Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn ghi là Toàn quyền Đông Dương.