Thứ 3, Ngày 29/04/2025 -

Cách mạng tháng Tám: Bài học về dự báo thời cơ và chớp thời cơ
Ngày đăng: 20/08/2014  07:48
Mặc định Cỡ chữ
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đã lật đổ chế độ phong kiến lỗi thời, đập tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, giành chính quyền về tay nhân dân. Cách mạng Tháng Tám thành công đã để lại nhiều bài học quý giá cho sự nghiệp cách mạng trong nước và thế giới, trong đó có bài học về dự báo thời cơ và chớp thời cơ.

 

Những ngày Cách mạng tháng Tám sục sôi tại Hà Nội
 
Trước khi diễn ra cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuẩn bị hết sức chu đáo trong việc đón và tận dụng thời cơ “có một không hai”. Thế chiến thứ II bùng nổ, Pháp bị Đức chiếm đóng. Đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định về nước để lãnh đạo cách mạng, tranh thủ thời cơ. Người cho rằng: “Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Tháng 5-1941, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị Trung ương 8 họp và thống nhất: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Hội nghị còn xác định những vấn đề cụ thể, dự kiến những điều kiện để khởi nghĩa nổ ra và thắng lợi. Ngày 7-5-1944, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị “về sửa soạn khởi nghĩa”,  nhận định thời cơ thuận lợi cho ta giành chính quyền sắp tới: “Song thời cơ không phải tự nó đến, một phần lớn do ta sửa soạn nó, thúc đẩy nó”. Tháng 10-1944, trong Thư kêu gọi đồng bào toàn quốc, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các đồng minh quốc sắp đi đến thắng lợi cuối cùng, cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ trong một hoặc năm rưỡi nữa, thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh”. Trong đêm 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp chiếm để độc chiếm Việt Nam và Đông Dương. Tuy nhiên, Ban Thường vụ Trung ương Đảng xác định thời điểm này chưa phải là thời cơ chín muồi để làm cuộc Tổng khởi nghĩa mà chủ trương chủ trương phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề. Chỉ thị Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (12-3-1945) đã chỉ rõ về vấn đề thời cơ khởi nghĩa: “Mặc dầu tình hình chính trị khủng hoảng sâu sắc, nhưng điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương hiện nay chưa thực chín muồi”. Đến nửa cuối năm 1945, phe phát xít đã thất bại hoàn toàn trước quân đồng minh và Liên Xô. Trước tình hình đó, từ ngày 13 đến 15-8-1945, tại Tân Trào, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp và phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Hội nghị chỉ rõ: “Tình thế vô cùng khẩn cấp, tất cả mọi người đều phải nhằm vào những việc chính, thống nhất về mọi phương tiện, không bỏ lỡ cơ hội”. Quân lệnh số 1 của Uỷ ban khởi nghĩa ra ngày 13-8-1945 khẳng định: “Giờ Tổng khởi đã đến! cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà! Chúng ta phải hành động cho nhanh…” Hội nghị toàn quốc của Đảng bế mạc thì Đại hội quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập họp ngay ở Tân Trào (Tuyên Quang) trong hai ngày 16 và 17-8-1945. Đại hội tán thành hoàn toàn chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng, nhất trí thông qua 10 chính sách của Việt Minh, coi đó là chính sách cơ bản của cách mạng, cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đại hội còn quyết định lấy lá cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ, lấy bài Tiến quân ca làm Quốc ca.
 
Đại hội quốc dân vừa bế mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập…giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến, toàn đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.
 
Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 hoàn toàn thắng lợi. Đó là kết quả của sự kiên trì, bền bỉ, linh hoạt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Đảng ta đã nghiên cứu kỹ lưỡng, dự báo thời cơ; trên cơ sở đó chuẩn bị chu đáo về nội lực, nhanh chóng chớp thời cơ để làm Cách mạng thành công. Cách mạng Tháng Tám diễn ra vào một thời điểm hết sức đặc biệt: Pháp chạy, Nhật hàng, Chính phủ Trần Trọng Kim tê liệt, triều đình phong kiến nhà Nguyễn bất lực, quân Đồng minh chưa vào thực hiện nhiệm vụ giải giáp. Tuy nhiên, trên lãnh thổ Việt Nam vẫn không hề tồn tại một khoảng trống quyền lực. Phát xít Nhật ở Việt Nam và Đông Dương tuy tinh thần bạc nhược, mất sức chiến đấu, song vẫn còn lực lượng đông, đang kiểm soát tình hình, nên vẫn là một trở ngại cho cách mạng. Nhật đã đầu hàng Đồng minh, nhưng ở Đông Dương quân đội Nhật vẫn chưa nhận được lệnh và tiếp tục thực hiện quyền kiểm soát trật tự, an ninh; thực hiện nhiều đợt chống trả quân đội và nhân dân ta khởi nghĩa giành chính quyền. Còn đối với chính phủ Trần Trọng Kim, lực lượng bù nhìn do Nhật dựng lên vào đầu tháng 5-1945; đây là chính phủ không có quyền hành hay sức mạnh gì đáng kể, song trong quá trình diễn ra cuộc Tổng khởi nghĩa, họ vẫn hợp tác chặt chẽ với các nhà đương cục Nhật, không chịu lùi bước để quyết “làm tròn sứ mệnh”.
 
Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945 là một thời điểm có một không hai, thể hiện nghệ thuật tạo dựng và dự đoán thời cơ trong nước và quốc tế của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc Tổng khởi nghĩa được tiến hành trong một bối cảnh đặc biệt và vô cùng thuận lợi. Tuy nhiên, xét về mặt khách quan, lúc bấy giờ, thời cơ thuận lợi nó đến với nhiều nước trong khu vực. Song, chỉ có cuộc Tổng khởi nghĩa của Việt Nam là giành được thắng lợi nhanh chóng và triệt để. Điểm mấu chốt đó chính là do thực lực của chúng ta, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề ra đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc một cách đúng đắn, sáng tạo, tạo dựng được cơ sở, nền tảng cách mạng vững chắc để chờ đợi thời cơ thuận lợi phát động khởi nghĩa. Nếu chúng ta không xây dựng, chuẩn bị tốt lực lượng; không tiến hành các đợt tập dượt từ thấp lên cao, thì dù thời cơ tới cũng khó có thể tiến hành khởi nghĩa thắng lợi. Mới thấy rằng, trong cách mạng, nhân tố chủ quan là vô cùng quan trọng và đóng vai trò tiên quyết. 
 
Có thể nói rằng, trong những bài học về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, thì bài học về dự báo thời cơ và chớp thời cơ là bài học có tầm đặc biệt quan trọng. Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần đấu tranh quật cường của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; là kết quả tổng hợp của các phong trào cách mạng liên tục diễn ra trong 15 năm sau ngày thành lập Đảng và để lại nhiều bài học quý lịch sử quý giá. Đó là bài học về nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; bài học về sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; bài học về không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết trong đảng, toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế; bài học về sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam/.
 
Minh Hải