Thứ sáu, Ngày 25/04/2025 -

Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc hình thành, xây dựng và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam
Ngày đăng: 23/12/2014  07:55
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - đội quân chủ lực của Mặt trận Việt Minh được thành lập. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã được chọn làm ngày truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngày 17 tháng 10 năm 1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Chỉ thị số 381-CT/TƯ quyết định lấy ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) đồng thời là Ngày Hội quốc phòng toàn dân. Từ đây, ngày 22 tháng 12 thực sự trở thành ngày hội của truyền thống bảo vệ Tổ quốc, ngày hội tôn vinh hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.
 
Bác Hồ nói chuyện với bộ đội năm 1953 - Ảnh tư liệu
 
Trải qua tròn 30 năm buôn ba và hoạt động cách mạng ở nước ngoài, ngày 28-01-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua cột mốc số 108 biên giới Việt - Trung trở về quê nhà. Tháng 5 năm 1941, tại Pác Bó (Cao Bằng), Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh.
 
Từ sau khi thành lập đến giữa năm 1944, chính quyền Mặt trận Việt Minh phát triển mạnh ở vùng Cao - Bắc - Lạng, tận dụng lợi thế do Pháp Nhật gìm nhau ở Đông Dương, chủ yếu ở các vùng đô thị quan trọng, nên chưa thể thực hiện trấn áp ở vùng núi biên giới. Tuy vậy, dù đã có những đội du kích vũ trang, nhưng hoạt động tuyên truyền chính trị của cán bộ Việt Minh vẫn chưa hoàn toàn kết hợp được với hoạt động vũ trang, khi đó vẫn mang nặng tính địa phương, thiếu thống nhất, nên chưa phát huy tác dụng gây dựng cơ sở lan rộng, nhất là với những vùng vẫn còn nằm trong vùng kiểm soát, dù là lỏng lẻo của người Pháp. Trước tình hình và vận mệnh của dân tộc, Hồ Chí Minh rất coi trọng và đã trực tiếp tổ chức huấn luyện chính trị, quân sự cho cán bộ địa phương, chuẩn bị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tạo điều kiện cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Nhận định nếu chỉ có tuyên truyền chính trị sẽ khó thành công, Người đã chỉ định đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm công việc thành lập lực lượng vũ trang tập trung. Sau khi được các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Lê Quảng Ba thông báo và cùng nhau thống nhất về nội dung kế hoạch thành lập tổ chức. Tháng 9 năm 1944, một số cán bộ chính trị và đội viên du kích của Việt Minh đã được triệu tập dự lớp huấn luyện 20 ngày tại rừng Khuổi Cọ (Cao Bằng) do các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Hoàng Sâm làm giảng viên. Giữa tháng 12 năm 1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh gửi một bức thư cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, thư được được đặt bí mật trong bao thuốc lá. Bức thư chính là Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Chỉ thị gồm ba vấn đề chủ yếu: Thứ nhất, Hồ Chí Minh lấy tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền, có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp vũ khí, nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên... Hai là, đối với các đội vũ trang địa phương, tập trung các cán bộ đưa đi huấn luyện rồi đưa về huấn luyện ở các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến... Ba là, về chiến thuật: "vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô hình".
 
Chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của Hồ Chủ tịch tuy ngắn nhưng rất súc tích, bao gồm các vấn đề chủ yếu về đường lối quân sự của Đảng ta. Người nói: "Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội đàn anh mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta."
 
Chấp hành chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào lúc 17 giờ, ngày 22-12-1944, Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được cử hành tại một khu rừng giữa 2 tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đội gồm 34 chiến sĩ, được trang bị 34 khẩu súng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh ủy nhiệm lãnh đạo chung, Đội được biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng và đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên. Trong số 34 cán bộ, chiến sĩ của đội bấy giờ có tới 29 người là dân tộc thiểu số. Cụ thể, dân tộc Tày: 19 đồng chí, dân tộc Nùng: 8 đồng chí, dân tộc Mông: 1 đồng chí, dân tộc Dao: 1 đồng chí; còn lại 5 đồng chí là người dân tộc Kinh. Lực lượng biên chế ban đầu của Đội đều là những chiến sĩ kiên cường của công nông được chọn lọc từ các đội du kích ở Cao - Bắc - Lạng, một số đã học quân sự ở nước ngoài, hầu hết đã trải qua quá trình chiến đấu gian khổ, có kinh nghiệm, bản lĩnh.
 
Ngày 15 tháng 4 năm 1945, theo quyết định của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quan đã thống nhất thành tổ chức mang tên Việt Nam giải phóng quân. Lễ thống nhất được tổ chức tại Chợ Chu (Thái Nguyên) với 15 đại đội. Giải phóng quân của Việt Minh là lực lượng nòng cốt của quân đội quốc gia chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Để đối phó với sức ép của quân Tưởng Giới Thạch đòi giải tán quân đội chính quy Việt Minh, giữa tháng 9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị chấn chỉnh, mở rộng và đổi tên Việt Nam Giải phóng quân thành Vệ quốc đoàn – quân đội của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lúc này quân số khoảng 50.000 người, tổ chức thành 40 chi đội ở hầu hết các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ. Một số chi đội “Nam tiến” để giúp quân dân miền Nam chống lại quân Pháp đang quay lại xâm lược Nam bộ. Ngày 22 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 71/SL đổi tên Vệ quốc đoàn thành Quân đội Quốc gia Việt Nam, được đặt dưới sự chỉ huy tập trung thống nhất của Bộ Tổng tham mưu. Quân đội tổ chức biên chế thống nhất theo trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội... Cùng với việc xây dựng quân đội quốc gia, Chính phủ đặc biệt coi trọng việc xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng, lực lượng bán vũ trang, bao gồm: dân quân ở nông thôn và tự vệ ở đô thị. Đến cuối năm 1946, có khoảng 1 triệu dân quân tự vệ đã được tổ chức và huấn luyện quân sự. Năm 1950, Quân đội Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Quân đội Nhân dân Việt Nam Tên gọi "Quân đội Nhân dân" cũng chính do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa sâu sắc của Người "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ". Và cũng trong khoảng thời điểm này, một tên khác được nhân dân yêu mến đặt cho Quân đội nhân dân là "bộ đội Cụ Hồ".
 
Trải qua 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; được sự nuôi dưỡng và đùm bọc của nhân dân, quân đội ta vừa chiến đấu, vừa xây dựng và trưởng thành, đã làm nên những chiến công hiển hách, mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc như những biểu tượng sáng ngời về một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ. Ngày nay, quân đội ta tiếp tục phát huy, xây đắp những truyền thống cao đẹp, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “ Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu huy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
 
Minh Hải