Thứ hai, Ngày 28/04/2025 -

Nuôi động vật hoang dã: Lợi cả đôi đường
Ngày đăng: 05/09/2011  02:05
Mặc định Cỡ chữ
 

Trong những năm gần đây, ở tỉnh ta đã có nhiều hộ gia đình phát triển nghề nuôi động vật hoang dã, chủ yếu là nhím, heo rừng, ba ba, cá sấu... Điều này không chỉ góp phần giảm bớt nạn săn bắt động vật hoang dã trong tự nhiên, mà còn mở ra một hướng làm ăn mới, giúp cho hộ gia đình xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Đúng là lợi cả đôi đường…

Cơ sở nuôi heo rừng của anh Phạm Văn Khiêm (TP Kon Tum).
 
Làm giàu từ nghề nuôi động vật hoang dã
 
Ông Trịnh Minh Thuận - một hộ chăn nuôi động vật hoang dã có tiếng ở tổ dân phố 3, thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) hào hứng kể: “Mấy năm nay gia đình tôi nuôi nhím. Ban đầu chủ yếu để chơi, làm cảnh. Năm 2006, tôi mới quyết định nuôi nhím kinh doanh. Từ một cặp nhím ban đầu, đến nay gia đình tôi đã phát triển lên 60 cặp nhím bố mẹ chuyên sinh sản. Nhím mẹ 10 tháng sinh 2 lứa; mỗi lứa sinh từ 1-4 con. Mỗi cặp nhím giống 3 tháng tuổi hiện nay có giá 12 triệu đồng; còn nhím thịt 500 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, gia đình chủ yếu bán nhím giống. Dự kiến năm nay, gia đình tôi thu được 1,2 tỷ đồng, lãi ròng hơn 1 tỷ đồng từ nuôi nhím”. Theo ông Thuận, nhím khá dễ nuôi, chi phí thức ăn thấp, bình quân nuôi một cặp nhím bố mẹ hết khoảng 1 triệu đồng/năm, trong khi nó cho lãi ròng trên 20 triệu đồng. Thức ăn cho nhím rất dễ tìm: rau, củ, quả, hạt... các loại. Nhím lại ít dịch bệnh,  chủ yếu là đau mắt (do chuồng bẩn) và đau bụng (do thức ăn ôi thiu). “Nếu nhím đau bụng thì cho ăn các loại quả xanh (chuối xanh, ổi xanh...); đau mắt thì nấu lá trầu bằng nước sôi, bỏ thêm vào một ít muối hột và để nước nguội nhỏ vào mắt là hết”-ông Thuận cho biết.
 
Còn ở xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) lại có nhiều hộ gia đình chuyên nuôi heo rừng, cá sấu. Ông Phạm Văn Khiêm (thôn Tân An) có hẳn một trang trại chuyên nuôi heo rừng. Theo ông Khiêm, heo rừng ít dịch bệnh, chi phí thức ăn thấp và lãi cao hơn heo nhà. Năm 2010, gia đình ông Khiêm đã thu lãi 170 triệu đồng. Còn ông Nguyễn Duy Lợi (cũng ở thôn Tân An) thì nuôi cá sấu. Hai năm trở lại đây, việc nuôi cá sấu đã cho gia đình ông thu nhập khá cao. Năm 2010 ông xuất bán 85 con cá sấu, thu 103 triệu đồng, lãi 60 triệu đồng; năm nay đã xuất bán 85 con, thu 160 triệu đồng, lãi 80 triệu đồng. “Cá sấu dễ nuôi, nhu cầu của thị trường lớn. Tuy nhiên, giá cá sấu giống hiện nay khá cao lại không phải dễ mua. Một con cá sấu giống có chiều dài 25-30 cm, nặng 80-100 gam hiện nay có giá 600 nghìn đồng. Chính vì vậy, tôi mong muốn chính quyền địa phương và Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để mở rộng nuôi cá sấu”.
 
Để nghề nuôi động vật hoang dã phát triển mạnh
 
Thấy được cái lợi nhiều mặt trong việc gây nuôi động vật hoang dã, trong những năm gầy đây, các cấp chính quyền và lực lượng kiểm lâm trong tỉnh đã tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi. Theo Chi cục Kiểm lâm, Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum là 2 địa phương có nhiều hộ gia đình và cơ sở chăn nuôi động vật hoang dã nhiều nhất (ở huyện Ngọc Hồi hiện nay có 17 cơ sở nuôi nhím, heo rừng)… Các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã đều được Hạt Kiểm lâm tạo điều kiện thuận lợi như: làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký nuôi (nếu có nguồn gốc vật nuôi hợp pháp, bảo đảm vệ sinh môi trường) và xuất, nhập cho người chăn nuôi.
 
Hạt Phó Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi - Huỳnh Dũng khẳng định: “Phát triển nuôi động vật hoang dã không chỉ góp phần hạn chế nạn săn bắt động vật hoang dã trái phép mà còn mở ra một hướng làm ăn mới, giúp cho nhiều người xóa đói giảm nghèo và làm giàu… Tuy nhiên, để nghề nuôi động vật hoang dã phát triển mạnh, chính quyền và các ngành chức năng cần sự hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật và nhất là đầu ra ổn định cho sản phẩm…”.
 
Hạt phó Hạt Kiểm lâm thành phố Kon Tum - Phạm Gia Khanh kiến nghị thêm: “Nhà nước cần tạo điều kiện cho các cơ được phép giết mổ động vật hoang dã. Bởi hiện nay các văn bản pháp quy của Nhà nước chỉ mới có các quy định về gây nuôi nhưng chưa có quy định cho các cơ sở gây nuôi được giết mổ, chế biến sản phẩm từ động vật hoang dã do chính mình nuôi. Bên cạnh đó, các cơ quan khuyến nông ở địa phương cần xây dựng thêm các mô hình nuôi động vật hoang dã, mở các lớp tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ vốn cho người chăn nuôi”…
 
Bài và ảnh: Trần Văn Nhiên