Thứ 5, Ngày 15/05/2025 -

Công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng: 03/07/2018  02:03
Mặc định Cỡ chữ
Thời gian qua, tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp: số ca mắc mới có xu hướng tăng so với năm trước; tình trạng lây nhiễm không chỉ ở nhóm có nguy cơ mà còn ảnh hưởng đến nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai, học sinh, sinh viên, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa...

 

Theo báo cáo, trong 06 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh phát hiện mới 14 trường hợp nhiễm HIV, 03 trường hợp nhiễm HIV chuyển sang bệnh AIDS, 05 trường hợp tử vong do HIV/AIDS. Lũy tích đến tháng 6/2018, tổng số người nhiễm HIV là 473 người; tổng số người nhiễm chuyển sang giai đoạn AIDS là 273 người; số tử vong do HIV/AIDS là 174 người; số người nhiễm HIV/AIDS còn sống là 299 người. Đến nay, tổng số bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV là 107 người.

Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp với các đơn vị truyền thông tổ chức phát sóng, xây dựng chuyên mục tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS; ngành Y tế và các địa phương tăng cường đăng tải tin, bài, hình ảnh tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS trên trang thông tin điện tử, chú trọng việc lồng ghép triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”. Đồng thời, ngành Y tế cung cấp Tạp chí AIDS và cộng đồng; Sổ tay hỗ trợ phòng, chống HIV/QIDS phục vụ công tác tuyên truyền tại Trung tâm y tế các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan; tăng cường triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại bằng bao cao su, bơm kim tiêm đến nhóm đối tượng như người nghiện ma túy, người bán dâm, người nhiễm HIV, bạn tình của các đối tượng được can thiệp…
 
Bên cạnh đó, ngành Y tế đã triển khai giám sát phát hiện HIV trên tất cả các huyện, thành phố; phát triển hệ thống phần mềm thu thập thông tin phòng chống HIV/AIDS để phục vụ việc quản lý, sử dụng các số liệu về hoạt động phòng chống HIV/AIDS; phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên giám sát, hỗ trợ công tác phòng, chống HIV/AIDS đợt I/2018 tại một số Trung tâm y tế huyện, thành phố...
 
Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, như: Hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS tại các doanh nghiệp chưa được chú trọng đúng mức; chương trình cung cấp miễn phí bao cao su và bơm kim tiêm đã được triển khai song chưa mang lại kết quả; số người đồng giới trên địa bàn tỉnh chưa được phát hiện nên chưa có biện pháp can thiệp; tình trạng phân biệt, kỳ thị đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn, ảnh hưởng đến việc tiếp cận với dịch vụ điều trị cho người nhiễm HIV, rào cản cho việc xét nghiệm phát hiện HIV sớm và chuyển đến dịch vụ chăm sóc điều trị.
 
Mặt khác, do mức độ tiếp cận của chương trình vẫn còn hạn chế, độ bao phủ về xét nghiệm HIV còn hạn chế, do đó khả năng người nhiễm HIV chưa được xét nghiệm HIV và không biết tình trạng nhiễm HIV của bản thân vẫn còn đáng kể, đặc biệt là đối tượng nguy cơ là người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm; kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác còn thiếu....
 
Trong thời gian tới, ngành Y tế và các địa phương tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS ở các ngành, đoàn thể của địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, biên soạn và cấp phát tài liệu đến các cơ sở y tế, tổ chức các buổi nói chuyện trực tiếp để phổ biến kiến thức về dự phòng lây nhiễm HIV; duy trì, mở rộng hoạt động phân phát và hướng dẫn sử dụng bao cao su thông qua mạng lưới y tế thôn bản, các cơ sở y tế, khách sạn, nhà nghỉ và các hộp phân phát cố định; giới thiệu các dịch vụ khám và chữa các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao; tiếp tục triển khai điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt hoạt động tư vấn xét nghiệm cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao, phụ nữ mang thai; tăng cường trang thiết bị để triển khai lấy mẫu làm xét nghiệm chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm và nghi nhiễm HIV. Tập huấn kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, duy trì hiệu quả hoạt động của Ban Điều phối HIV/Lao; xây dựng và triển khai quy trình tư vấn, theo dõi, điều trị AVR cho bênh nhân lao có kết quả xét nghiệm HIV dương tính; điều trị dự phòng lao bằng INH cho người nhiễm HIV…./.
 
Thái Ninh