Thứ 4, Ngày 04/12/2024 -

Tiềm năng thế mạnh
Ngày đăng: 08/03/2019  15:56
Mặc định Cỡ chữ

Tài nguyên thiên nhiên

 

Nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, trong vùng lõi Khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, Kon Tum là điểm kết nối, trung chuyển trên trục Đông - Tây, Núi - Biển. Xác định được tiềm năng thế mạnh, tỉnh Kon Tum đã xây dựng ba vùng kinh tế động lực, gồm: Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen và thành phố Kon Tum - đô thị đặc thù Tây Nguyên. Sẵn sàng cho các hoạt động hợp tác, địa phương đang tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút nhà đầu tư.

 

Tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư đã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh xác định từ rất sớm, đồng thời xây dựng chính sách phát triển có chiến lược, trọng tâm.

 

Kon Tum có điều kiện tự nhiên rất thích hợp để phát triển các ngành kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất năng lượng và phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa:

 

- Về địa hình: Địa hình Kon Tum rất đa dạng và phức tạp với nhiều kiểu địa hình đã tạo ra những cảnh quan phong phú, đa dạng mang tính chất đặc thù của tiểu vùng, vừa mang tính đan xen và hoà nhập.

 

- Về khí hậu: Khí hậu Kon Tum có nét chung của khí hậu vùng nhiệt đới gió mùa của phía Nam Việt Nam, lại mang tính chất của khí hậu cao nguyên. Đặc điểm đa dạng của khí hậu của tỉnh Kon Tum có đủ điều kiện để phát triển toàn diện các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa với giá trị gia tăng lớn như cà phê, cao su, mắc ca, mía đường, sắn, ngô, rau - hoa xứ lạnh, các loại cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, hồng đẳng Sâm và các loại được liệu quý hiếm khác; phát triển đàn bò thịt, bò sữa, dê, thủy sản nước ngọt và cá tầm xứ lạnh...

 

- Tài nguyên nước và thủy năng dồi dào: Kon Tum có sông Sê San là một nhánh của sông Mê Kông và được hợp thành bởi hai nhánh sông lớn là Pô Kô và Đăk Bla. Tiềm năng thủy điện trên sông Sê San đứng thứ 3 trong hệ thống sông của Việt Nam (sau sông Đà và sông Đồng Nai) với tổng công suất 1.740 MW, tổng sản lượng điện trung bình 10.450 tỷ KWh/năm. Kon Tum có các hồ thủy điện và hồ thủy lợi với diện tích hồ Yaly do Kon Tum quản lý khoảng 4.450 ha, Plei Krông 11.080ha và các hồ thủy điện khác như như: Đăk Bla 9.750 ha, Đăk Ne 510 ha và các hồ thủy lợi như Đăk Hniêng, Đăk Uy. Đây cũng là các hồ giữ nước trong mùa khô cho tưới tiêu phục vụ sản xuất, vừa triển khai nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt và phát triển các dịch vụ du lịch, đặc biệt các ao, hồ ở huyện Kon Plông với độ cao tuyệt đối 1.100 mét rất thích hợp cho việc kinh doanh phát triển cá nước lạnh như cá Hồi, cá Tầm… Ngoài ra, Kon Tum còn có suối nước nóng trên 550c như suối Ram Phia, suối Kon Nit…là những suối chứa rất nhiều khoáng chất có tác dụng chữa bệnh rất hiệu quả.

 

- Tài nguyên đất, rừng: Theo kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu (2011 - 2015) tỉnh Kon Tum đã được Chính phủ xét duyệt tại Nghị quyết 54/NQ-CP ngày 17/4/2013, tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh 968.961 ha, trong đó: Đất nông nghiệp khoảng 856.293ha, chiếm 88,4% diện tích, đất phi nông nghiệp khoảng 43.549ha, chiếm 4,4% diện tích đất tự nhiên và đất chưa sử dụng là 69.119ha chiếm 7,2%.

 

- Tài nguyên khoáng sản: Tài nguyên khoáng sản của tỉnh rất phong phú trong đó phải kể đến nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn, nhóm này phong phú về số lượng và đa dạng chủng loại gồm 177 điểm: đá xây dựng, đất làm vật liệu xây dựng thông thường, cát xây dựng, sét gạch ngói, than bùn..

 

Tỉnh có tiềm năng phát triển các loại sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là rau hoa củ quả, thủy sản xứ lạnh và cây dược liệu tại vùng Măng Đen, huyện Kon Plông; sâm Ngọc Linh ở vùng núi Ngọc Linh ở độ cao khoảng 1.500m thuộc huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông; cà phê ở huyện Đăk Hà và vùng chăn nuôi đại gia súc tập trung tại huyện mới Ia H'Drai.

 

Thứ nhất, Vùng sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh, cây dược liệu và chăn nuôi đại gia súc tập trung (dê sữa, bò sữa, bò thịt) gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp tại Khu du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông.

 

Cao nguyên Măng Đen, huyện Kon Plông nằm trên độ cao trung bình 1100 - 1200m so với mặt nước biển, là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu quanh năm mát mẻ (bình quân năm 20oC), là điều kiện lý tưởng để hình thành và phát triển vùng sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh và chăn nuôi đại gia súc tập trung. Điều kiện thuận lợi là hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông đến năm 2030 với qui mô 138.116ha. Đã nghiên cứu, trồng khảo nghiệm thành công các loài rau (Súp lơ; bí đỏ, cải thảo, khoai tây, chè ôlong...), hoa (hồng, ly ly, địa lan, cẩm tú cầu…), cá Tầm. Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đang triển khai các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp xanh - an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế tại Măng Đen, bước đầu đã cung cấp sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn ra thị trường.

 

Thứ hai, Vùng sản xuất cà phê sạch đạt chuẩn Quốc tế mang thương hiệu “Cà phê Đăk Hà”

 

Huyện Đăk Hà có khoảng 8.000 ha cà phê, hầu hết được canh tác theo hướng bền vững. Những năm gần đây, với nỗ lực không ngừng Cà phê Đăk Hà đã dần khẳng định được uy tín và thương hiệu ở thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, Cà phê Đăk Hà là sản phẩm cà phê đầu tiên của Việt Nam được Tổ chức UTZ Certified trao chứng nhận Quốc tế; được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng và bình chọn TOP 500 sản phẩm – dịch vụ hàng đầu tại Việt Nam, TOP 20 sản phẩm người tiêu dùng tin cậy và CUP vàng tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng.

 

Mặc dù đã đạt được những thành công bước đầu nhưng sản phẩm Cà phê Đăk Hà vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như người trồng cà phê còn hạn chế, công nghệ lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ. Để giữ vững thương hiệu và chứng nhận Quốc tế, việc tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển Vùng sản xuất cà phê sạch đạt chuẩn Quốc tế mang thương hiệu “Cà phê Đăk Hà” là vấn đề cấp thiết hiện nay.

 

Thứ ba, Vùng sản xuất sản phẩm quốc gia Sâm Ngọc Linh và các loại được liệu dưới tán rừng tại huyện Tu Mơ Rông.

 

Sâm Ngọc Linh được phát hiện ở núi Ngọc Linh huyện Tu Mơ Rông được coi là một trong những loài sâm quí hiếm, có hàm lượng saponin và giá trị kinh tế cao nhất hiện nay. Những năm qua, tỉnh Kon Tum đã có nhiều nỗ lực trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển được trên 180 ha Sâm Ngọc Linh. Cùng với sự vào cuộc của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc triển khai Dự án đầu tư hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia Sâm Ngọc Linh sẽ góp phần sớm đưa các sản phẩm được sản xuất từ Sâm Ngọc Linh ra thị trường và phát triển thành công thương hiệu quốc gia Sâm Ngọc Linh.

 

Với diện tích có khả năng phát triển lên đến 16.988 ha Sâm Ngọc Linh, việc xây dựng và hình thành Vùng sản xuất sản phẩm Sâm Ngọc Linh và các loại được liệu dưới tán rừng là có thể thực hiện được.

 

Thứ tư, Phát triển chăn nuôi đại gia súc ứng dụng công nghệ cao tại huyện mới Ia H'Drai

 

Huyện Ia H'Drai được thành lập vào tháng 3 năm 2015, có 11.644 nhân khẩu,  03 xã Ia Dom, Ia Đal và Ia Tơi; trong 98.013 ha diện tích tự nhiên có 86.329 ha đất nông nghiệp (đất sản xuất nông nghiệp 27.678 ha, đất lâm nghiệp 58.650 ha), đất phi nông nghiệp 4.017 ha, đất chưa sử dụng 7.667 ha.

 

Theo định hướng, huyện mới tập trung phát triển cây công nghiệp, trong đó chú trọng phát triển vùng chuyên canh cao su gắn với công nghiệp chế biến. Kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển chăn nuôi gia súc (trâu, bò) với quy mô trang trại tập trung, kết hợp với chăn nuôi hộ gia đình. Tập trung phát triển nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ các công trình thủy điện gắn với khai thác, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, trong đó tập trung đầu tư nuôi các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá Lăng, cá Chình… tạo ra ngành nghề kinh doanh mới góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân.

 

Với quỹ đất phù hợp có khả năng phát triển đồng cỏ chăn nuôi đại gia súc, tỉnh Kon Tum mong muốn các nhà đầu tư hợp tác, nghiên cứu phát triển ngành chăn nuôi tại địa bàn huyện Ia H'Drai trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, tạo ra sản phẩm sạch, hiệu quả kinh tế cao.

 

Tiềm năng du lịch

 

Kon Tum những năm gần đây được biết đến như một điểm đến hấp dẫn bởi nhiều cảnh quan thiên nhiên đa dạng còn nguyên vẻ hoang sơ như Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, rừng đặc dụng Đăk Uy… cùng với các địa danh, di tích nổi tiếng đã đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc được xếp hạng quốc gia như ngục Kon Tum, ngục Đăk Glei… Đặc biệt, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị huyện Kon Plông đến năm 2030 sẽ tạo "cú hích" quan trọng, trong tương lai không xa, khu du lịch sinh thái Măng Đen sẽ là điểm nhấn của con đường xanh Tây Nguyên, giữa các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên với vùng tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi và khu kinh tế lớn Dung Quất của Quảng Ngãi, khu kinh tế mở Chu Lai của Quảng Nam.

  • Diện tích tỉnh Kon Tum

    9.690,5 km2
  • Dân số tỉnh Kon Tum (2023)

    591.266 người
  • GRDP tỉnh Kon Tum (2023)

    34.539,87 tỷ VNĐ
Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045
Theo bạn nội dung cung cấp trên cổng thông tin điện tử như thế nào?