Thứ 4, Ngày 14/05/2025 -

Điện lực Kon Tum khuyến khích khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái
Ngày đăng: 31/05/2019  14:56
Mặc định Cỡ chữ
Với những ưu điểm của hệ thống điện mặt trời áp mái, Điện lực Kon Tum (PC Kon Tum) đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích khách hàng sử dụng điện lắp đặt điện mặt trời áp mái. Tính đến tháng 5/2019, trên địa bàn tỉnh có 27 đơn vị, cá nhân sử dụng điện mặt trời áp mái với tổng công suất hơn 275,5 kWp.

 

Hệ thống điện mặt trời áp mái được lắp đặt trên mái nhà đổ bê tông

 

Do tình hình nắng nóng gay gắt diện rộng duy trì liên tục, số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho thấy lần đầu tiên trong lịch sử, công suất đầu nguồn của hệ thống điện toàn quốc đã vượt qua con số 36.000 MW. Cụ thể, vào khoảng 13h40 ngày 18/5/2019, công suất hệ thống điện toàn quốc đã đạt tới 36.006 MW, ngoài ra sản lượng tiêu thụ điện ngày 18/5/2019 của cả nước cũng ghi nhận con số cao kỷ lục ở mức 756,9 triệu kWh.

 

Theo thông tin dự báo thời tiết, thời tiết nắng nóng khắc nghiệt diện rộng còn duy trì, do vậy tình hình tiêu thụ điện được dự báo vẫn tiếp tục ở mức rất cao. Thời tiết nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện trên lưới cũng như của từng gia đình, từng hộ khách hàng. Điều này dẫn tới những nguy cơ gây quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ cũng sẽ tăng cao so với bình thường.

 

Riêng đối với Kon Tum, theo dự báo trong thời gian đến thời tiết sẽ tiếp tục nắng nóng, để khách hàng có thể giảm bớt chi phí tiền điện trong mùa nắng nóng nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu sử dụng điện, thời gian qua PC Kon Tum đã thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện, khuyến cáo các khách hàng quan tâm sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

 

Đối với khách hàng là các hộ gia đình, PC Kon Tum khuyến cáo người dân nên sử dụng các thiết bị điện hiệu suất cao, các thiết bị tiết kiệm điện, tắt bớt thiết bị không thật sự cần thiết và tăng cường sử dụng ánh sáng tự nhiên, đặt nhiệt độ điều hòa ở mức hợp lý trên 25 độ C và tắt điều hòa vào những giờ khuya và gần sáng khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp.

 

Đối với các khách hàng sản xuất kinh doanh, PC Kon Tum khuyến cáo nên sử dụng các máy móc thiết bị hiệu suất cao, tiêu thụ ít năng lượng, điều chỉnh nhu cầu sử dụng điện vào giờ thấp điểm.

 

Ngoài ra, theo chủ trương khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo góp phần bảo vệ môi trường, với giá bán điện được Chính phủ ưu đãi hiện nay là 9,35 cent/kWh, PC Kon Tum đang khuyến cáo các hộ gia đình và các doanh nghiệp có điều kiện nên đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời trên các mái nhà và nhà xưởng để sử dụng và bán lại cho ngành Điện, theo tính toán của PC Kon Tum thì việc đầu tư này rất hiệu quả.

 

PC Kon Tum là đơn vị tiên phong triển khai thí điểm thành công mô hình điện mặt trời áp mái tại trụ sở nhà điều hành và được đưa vào sử dụng từ cuối tháng 1/2019. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ thực hiện thi công lắp đặt điện mặt trời áp mái tại 4/10 trụ sở làm việc của các Điện lực còn lại chưa sử dụng điện mặt trời áp mái. Với hiệu quả của hệ thống điện mặt trời áp mái mang lại, Trung tâm Chăm sóc khách hàng đã ghi nhận 07 khách hàng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum đăng ký lắp đặt điện mặt trời áp mái trong tháng 6 tới đây và nhiều cán bộ, công nhân viên PC Kon Tum đã đăng ký lắp đặt điện mặt trời áp mái.

 

Nguyên lý hoạt động của hệ thồng điện mặt trời áp mái: Từ giàn pin mặt trời (solar cells) được lắp đặt ở mái nhà, ánh sáng được biến đổi thành điện năng theo hiệu ứng quang điện, tạo ra dòng điện một chiều (DC Power). Dòng điện này được thông qua bộ đổi điện DC/AC (Inverter) tạo ra dòng điện xoay chiều chuẩn 220V/50Hz để cấp điện cho phụ tải tiêu thụ điện, đồng thời hòa trực tiếp với lưới điện địa phương.

 

Hệ thống không sử dụng ắc quy nên chi phí đầu tư và bảo dưỡng thấp; thao tác vận hành đơn giản; dễ dàng nâng cấp mở rộng hệ thống; tuổi thọ của hệ thống pin năng lượng mặt trời cao, công suất đỉnh ngõ ra của tấm pin bảo hành 25 năm. Tiết kiệm chi phí điện năng, góp phần bảo vệ mội trường. Hệ thống tự động ngưng hoạt động trong trường hợp điện lưới mất để đảm bảo an toàn cho lưới điện và người sử dụng.

 

Nếu lắp đặt cho 1 hộ gia đình thì công suất chỉ cần từ 1,5-8 kWp; phổ biến là 3 kWp (suất đầu tư 21-26 triệu/kWp) gồm: 08 tấm pin có công suất 405Wp và 01 bộ Inverter. Thời gian hoạt động phát công suất của tấm pin từ 6h30’ sáng - 16h30’(còn tùy vào mùa, nhưng bình quân 10 tiếng /ngày). Với công suất lắp đặt 3kWp, bình quân sản xuất 1,6-1,7 kWh; 1 ngày sản xuất được 16-17 kWh; 1 tháng tầm 490kWh. Với ngày âm u, mưa thì hiệu suất phát sẽ giảm còn 80%, 60%, 50% hay 30% tùy thuộc vào thời tiết cụ thể. Điện năng dùng dư có thể phát ngược lên lưới điện bán lại cho điện lực. Thời gian thu hồi vốn ngắn 8-10 năm.

 

Hệ thống điện mặt trời áp mái lắp đặt cho doanh nghiệp, công suất từ 30-100 kWp; lắp đặt cho Solar Farm (Trang trại điện năng lượng mặt trời - lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời số lượng lớn trên diện tích đất rộng) công suất từ 01-50 MWp.

 

Chi phí bảo trì, bảo dưỡng cực thấp. Người dùng chỉ cần giữ hệ thống sạch sẽ (vệ sinh 2-3 lần/năm). Hệ thống điện mặt trời mái nhà không có các bộ phận chuyển động gây hao mòn, do đó chi phí bảo dưỡng gần như là không có.

 

Hệ thống điện mặt trời áp mái hộ gia đình có thể nằm trên 3 loại mái nhà là mái tôn, mái ngói và mái bê tông. Khách hàng muốn lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái liên hệ với Điện lực Kon Tum để ký hợp đồng. Điện lực Kon Tum sẽ thay thế công tơ điện có bằng công tơ 2 chiều. Điện mặt trời sẽ được ưu tiên sử dụng trước nếu thiếu mới lấy từ lưới điện, nếu sử dụng không hết sẽ phát ngược lên lưới điện của Điện lực và điện phát ngược sẽ được Điện lực Kon Tum chốt chỉ số và thanh toán lại cho khách hàng.

 

Ứng dụng công nghệ chuyển hóa quang năng thành điện năng đã trở thành xu thế mới để dần thay thế các nguồn điện sử dụng tài nguyên môi trường. Hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất nhỏ, tiện dụng, điện mặt trời lắp trên mái nhà không chỉ giúp giảm sâu hóa đơn tiền điện hằng tháng, tiết kiệm chi phí, mà còn góp phần giảm áp lực về đầu tư nguồn điện, giảm ô nhiễm môi trường...

 

Bài, ảnh: Dương Nương