Thứ 5, Ngày 24/04/2025 -

Hướng dẫn bố trí cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng vụ Đông xuân 2019 - 2020
Ngày đăng: 23/10/2019  16:44
Mặc định Cỡ chữ
Để cây trồng vụ Đông xuân 2019 - 2020 sinh trưởng, phát triển tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao, hạn chế thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có hướng dẫn bố trí cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng các cây trồng chính trong vụ Đông xuân 2019-2020.

 

Nông dân xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum làm đất chuẩn bị vụ mới

 

Đối với cây lúa nước: Khuyến cáo nông dân sử dụng giống đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho phép sản xuất kinh doanh, phù hợp với điều kiện các tiểu vùng sinh thái của tỉnh. Hạn chế sử dụng nhiều chủng loại giống, chỉ sử dụng 2-4 giống lúa thuần, 2-3 giống lúa lai để sản xuất.

 

Đối với vùng Tây Trường Sơn, giống chủ lực là HT1, VND 95-20, IR64, IR56279, Nhị ưu 838, RVT, Đài thơm 8. Giống bổ sung là SH2, Hương cốm, VD20, KD18, TBR225, IR17494, BC 15, TBR45, ML 48…

 

Đối với lúa cấy, gieo mạ từ ngày 05-20/12/2019 và cấy từ ngày 25/12/2019-15/01/2020. Đối với lúa sạ, thời gian sạ từ ngày 05/12/2019- 05/01/2020.

 

Đối với các xã vùng Đông Trường Sơn của huyện Đăk Glei, Kon Plông, Tu Mơ Rông thường cấy lúa sớm nên sử dụng những giống lúa chịu lạnh, thời gian sinh trưởng ngắn, trung ngày, năng suất cao, chịu phèn và chống chịu sâu bệnh như VND 95-20, IR64, IR56279...

 

Đối với lúa cấy, gieo mạ từ ngày 15-30/11/2019, cấy từ ngày 10-20/12/2019. Đối với lúa sạ, thời gian sạ từ 01/12/2019- 20/12/2020.

 

Để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, lưu ý nông dân phải vệ sinh đồng ruộng bằng biện pháp cày bừa kỹ, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước và bón vôi cải tạo đất đối với những chân ruộng bị chua, phèn.

 

Cần có biện pháp chống rét cho mạ như bón tro và lân trước hoặc sau khi gieo mạ; ngưng bón đạm cho mạ và đưa nước vào ruộng từ 7-10 cm; tạm dừng gieo mạ trong thời gian rét đậm, rét hại.

 

Ứng dụng tổng hợp nhiều giải pháp kỹ thuật trong canh tác, chú ý biện pháp quản lý nước trong kỹ thuật để tăng hiệu quả sử dụng nguồn nước; giảm lượng giống gieo sạ: lúa thuần 80-100 kg/ha và lúa lai 30-40 kg/ha. Bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.

 

Làm đất, gieo sạ phải đảm bảo thời gian cách ly với vụ lúa trước ít nhất 3 tuần để phòng tránh lúa bị ngộ độc hữu cơ, hạn chế nguồn dịch bệnh; gieo sạ tập trung, đồng loạt theo từng khu vực, từng cánh đồng; rút ngắn khung lịch thời vụ gieo sạ để tiết kiệm nước ngay từ khâu làm đất, hạn chế mức tối đa tình trạng thiếu nước ảnh hưởng đến cây trồng.

 

Đối với những chân ruộng cao không chủ động nước tưới, có khả năng bị hạn vào cuối vụ nên gieo sạ sớm hơn và bố trí các giống ngắn ngày (có thời gian sinh trưởng ngắn như VND 95-20, IR64,…), chịu hạn để né tránh thiên tai do hạn hán hoặc chuyển sang trồng một số cây trồng khác ít cần nước hơn.

 

Chuyển đổi sang trồng cây trồng khác trên đất lúa kém hiệu quả và khả năng thiếu nước phù hợp với điều kiện đất đai, tập quán canh tác và có thị trường ổn định; quy hoạch sản xuất tập trung cùng nhóm cây trồng để dễ điều tiết nguồn nước và không nên bố trí lúa màu đan xen.

 

Tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân; Khuyến khích liên kết doanh nghiệp với tổ chức nông dân trong sản xuất và tiêu thụ.

 

Kiểm tra, tu sửa và nạo vét kênh mương; có kế hoạch luân phiên điều tiết nước hợp lý nhằm hạn chế tối đa tình trạng rò rỉ, thất thoát nước, phấn đấu cung cấp đủ nước cho nhu cầu của sản xuất.

 

Tăng cường khuyến cáo sử dụng nước tiết kiệm, áp dụng biện pháp tưới tiêu khoa học; Tăng cường sử dụng phân chuồng, các loại phân hữu cơ khác, phân vi sinh để cải tạo đồng ruộng và khuyến cáo nông dân bón phân vừa đủ, cân đối, dùng bảng so màu lá lúa để bón đạm; khuyến cáo sử dụng thuốc sinh học và hạn chế phun thuốc BVTV sớm (từ gieo đến 25 ngày tuổi).

 

Đối với cây ngô: Đất bố trí trồng ngô Đông Xuân nên trên diện tích đất ô nà, bãi bồi ven sông suối hoặc đất không cấy được lúa do thường xuyên thiếu nước.

 

Bố trí các giống ngô nếp địa phương, Nếp nù, VN2, VN6, MX4 để sử dụng ăn tươi hoặc các giống ngô lai có thời gian sinh trưởng từ 90-100 ngày, chịu hạn như CP989, CP999, C919, LVN61, DK 6919, Bioseed 9698, Bioseed 65, V98-2, VN8960,…       

                                                                                  

Trồng ngô rải vụ từ tháng 11/2019 - 30/01/2020.

 

Đối với cây mía: Tùy theo từng chân đất để bố trí thời vụ và giống cho phù hợp để tạo điều kiện cho cây mía sinh trưởng, phát triển tốt. Bố trí cơ cấu giống: MY55-14, F157, B85-764, Quế đường 15, QĐ86368, VD79-177, VD81-3254, VN85-1859, R570, K88-92, K95-156, KU01-58, ...

 

Thời vụ: Trồng từ đầu tháng 10- 12/2019 và có thể trồng rải vụ đến tháng 01/2020.

 

Đối với cây sắn: Đối với diện tích trồng trên diện tích lúa có khả năng thiếu nước tưới và đất lúa 01 vụ dự kiến trồng sắn cần phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trồng sắn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh.

 

Khuyến cáo nông dân sử dụng giống sắn đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận cho phép sản xuất kinh doanh, phù hợp với điều kiện các tiểu vùng sinh thái của tỉnh; có năng suất cao, khả năng tích lũy bột sớm; có thời gian sinh trưởng phù hợp với khung thời vụ gieo trồng, dạng cây thấp, không phân cành, có thể trồng mật độ dày và thâm canh tăng năng suất như: KM 97, KM 95, KM 98-7, KM 98-5, KM 94 đột biến và các giống mới được công nhận.

 

Thời vụ: Từ 20/10/2019 - 15/11/2020.

 

Đối với cây công nghiệp dài ngày (cao su, cà phê, tiêu...): Tập trung chăm sóc sau thu hoạch; thực hiện tốt công tác phòng trừ dịch hại, tưới nước tiết kiệm; khuyến khích phát triển các ao hồ nhỏ và chuẩn bị các giải pháp phòng chống hạn trong mùa khô.

 

Lưu ý, khi vào mùa khô, đối với cây cà phê phải tập trung bón phân đợt cuối, lượng kali ít nhất phải tương đương bằng với đạm, khuyến cáo bón theo tỷ lệ N:P2O5:K2O là 2:1:2 hoặc 3:1:3.

 

Thường xuyên kiểm tra vườn cây để phát hiện các loại sâu bệnh hại để có kế hoạch phòng trừ hiệu quả. Thực hiện vệ sinh vườn cây để chuẩn bị thu hoạch. Đánh dấu những cây cà phê cho năng suất thấp cần cưa ghép cải tạo.

 

Sau thu hoạch tiến hành cắt tỉa cành lần 1, xác định thời điểm tưới nước lần 1, tưới lần 2, 3. Yêu cầu tưới đúng và đủ lượng nước, triển khai bón phân mùa khô khi tưới đợt 2.

 

Đối với cây hồ tiêu, bón phân đợt 4, 5 với tỷ lệ N:P2O5:K2O là 3:1:3, bổ sung phun phân bón lá chuyên dùng giúp làm giảm tỷ lệ rụng gié, giúp hạt tiêu chắc hơn. Chú ý thoát nước cho vườn tiêu khi có mưa.

 

Thường xuyên kiểm tra vườn tiêu để phát hiện các loại bệnh hại nhằm có kế hoạch phòng trừ hiệu quả, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm. Đối với vườn cây bị bệnh chết nhanh, chết chậm, cần giảm lượng phân hoá học, tăng cường sử dụng phân bón lá chuyên dùng và bón phân hữu cơ cho hồ tiêu. Cần tiến hành phun phòng bệnh chết nhanh trên các vùng dễ có nguy cơ bị bệnh.

 

Trước khi thu hoạch khoảng 15 ngày không nên tưới nước. Sau thu hoạch khoảng 15-20 ngày mới tưới nước để kích thích ra hoa. Chú ý tưới nước mùa khô, tưới đủ lượng, không tưới thừa nước, khuyến cáo kết hợp bón phân qua hệ thống tưới.

 

Sau khi thu hoạch cần tiến hành vệ sinh vườn tiêu và cắt tỉa cành hợp lý. Đối với vườn tiêu trồng choái sống không nên rong tỉa cảnh trong giai đoạn từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau.

 

Đối với cây cao su, cần lưu ý bệnh phấn trắng thường gây hại ở giai đoạn ra lá non sau thời kỳ cây cao su rụng lá sinh lý (cao điểm bệnh khoảng tháng 2 - 3/2020). Vì vậy cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp như bón phân cân đối, phun phòng thuốc trị bệnh phấn trắng ở thời kỳ lá non, khai thác mủ đúng kỹ thuật, vệ sinh vườn cây sạch sẽ trong và sau khi rụng lá, ...

 

Sở Nông nghiệp và Nông thôn đề nghị các huyện, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để chỉ đạo bố trí cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng phù hợp.

 

Trong vụ Đông xuân  2019 - 2020 có khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước xảy ra ở một số nơi, tập trung trong thời kỳ từ tháng 12/2019 đến tháng 3/2020. Do vậy, khuyến cáo ngay từ thời kỳ đầu vụ, các địa phương cần tích cực tu sửa, gia cố, nâng cấp các hồ đập để nâng cao khả năng tích trữ nguồn nước; đồng thời có kế hoạch bố trí sản xuất hợp lý để hạn chế những khó khăn, thiệt hại do khô hạn, thiếu nước gây ra./.

 

Dương Nương (tổng hợp)