Theo đó, những nội dung chủ yếu của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, như sau:
Nội dung Chiến lược được xây dựng trên cơ sở bám sát định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 của Đảng, Nhà nước và những phân tích, nhận định về bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế trong giai đoạn tới; kế thừa những yếu tố tích cực, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2010; tiếp thu kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới, sự tham vấn của chuyên gia quốc tế cũng như ý kiến đóng góp của toàn ngành thuế, các Vụ/đơn vị Bộ Tài chính; các Bộ, Ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.
Mục tiêu tổng quát mà Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 cần phải đạt được (về chính sách thuế và quản lý thuế), đó là: Xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN; mức động viên hợp lý nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước và là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô có hiệu quả, hiệu lực của Đảng và Nhà nước;xây dựng ngành thuế Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế và phí, lệ phí thống nhất, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện dựa trên ba nền tảng cơ bản: Thể chế chính sách thuế minh bạch, quy trình thủ tục hành chính thuế đơn giản, khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế, nguồn nhân lực có chất lượng liêm chính và hiện đại, có tính liên kết tích hợp, tự động hóa cao.
Để đạt được mục tiêu quan trọng trên, chiến lược đã đề ra những nội dung trọng tâm, mấu chốt về cải cách chính sách thuế và quản lý thuế giai đoạn 2011-2020 đó là:
1. Về chính sách thuế: Sửa đổi, bổ sung các sắc thuế nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách thuế theo hướng đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, mức huy động hợp lý để thúc đẩy phát triển nhanh sức sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, khả năng tích tụ của DN; đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng cao, bền vững góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân; đảm bảo nhu cầu chi tiêu cần thiết hợp lý của NSNN và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Hệ thống chính sách thuế phải tạo điều kiện thúc đẩy cải cách hành chính thuế theo hướng vừa đáp ứng yêu cầu quản lý thuế của nhà nước, vừa không gây phiền hà, tốn kém cho cả tổ chức, cá nhân nộp thuế và cơ quan thuế.
Theo đó, hầu hết các sắc thuế đều được sửa đổi bổ sung và để chính sách đi vào cuộc sống ngành thuế rất cần sự phối hợp tuyên truyền của các cơ quan thông tấn báo chí. Trước mắt giai đoạn 201-2015 tập trung tuyên truyền phổ biến các nội dung sửa đổi, bổ sung của một số Luật thuế chính theo lộ trình như sau:
- Năm 2012: Tập trung tuyên truyền Luật sửa đổi bổ sung Luật thuế thu nhập cá nhân.
- Năm 2013: Tập trung tuyên truyền Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật phí, lệ phí.
- Năm 2014: Tập trung tuyên truyền Luật sửa đổi bổ sung Luật thuế giá trị gia tăng; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
- Năm 2015: Tập trung tuyên truyền Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế tài nguyên.
Đối với giai đoạn 2016-2020, sẽ thực hiện tổng kết, đánh giá việc thi hành các Luật thuế: Luật thuế bảo vệ môi trường Luật thuế TNCN, Luật thuế TNDN, Luật thuế GTGT, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và trình Quốc hội ban hành sửa đổi, bổ sung các luật thuế theo chương trình xây dựng luật, pháp luật giai đoạn 2016-2020.
2. Về quản lý thuế: Hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thuế cả về phương pháp quản lý, thủ tục hành chính theo định hướng chuẩn mực quốc tế; nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ; kiện toàn, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế; nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật của người nộp thuế; ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng thuế điện tử để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế để phấn đấu đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước hàng đầu khu vực Đông Nam á trong xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế vào năm 2020.
Ngành thuế tập trung vào việc hoàn thiện thể chế thuế, TTHC thuế theo hướng đơn giản minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho NNT trong thực hiện pháp luật thuế, giảm chi phí thực hiện TTHC thuế; đồng thời chú trọng xây dựng, hiện đại hoá các nền tảng quản lý thuế, cả về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, công nghệ thông tin và cơ sở vật chất, cụ thể:
2.1. Đẩy mạnh đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế, thực hiện cơ chế liên thông nhằm tạo thuận lợi và giảm thời gian thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký khai thuế cho doanh nghiệp và người dân. Sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế theo hướng sửa đổi qui định về thời gian khai thuế, nộp thuế để giảm tần suất kê khai, nộp thuế chi phí của người nộp thuế; thay đổi phương pháp tính thuế, mức thuế theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho người nộp thuế kinh doanh dưới ngưỡng tính thuế GTGT và hộ gia đình, cá nhân thuộc diện nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Phối hợp cơ quan bảo hiểm xã hội nghiên cứu cơ chế phối hợp thu thuế TNCN, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chia sẻ thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan bảo hiểm xã hội, nâng cao hiệu quả thu và quản lý nguồn thu từ bảo hiểm xã hội bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bảo vệ quyền lợi của người lao động.
2.2. Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ tổ chức, cá nhân nộp thuế: Nghiên cứu áp dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục phổ biên pháp luật thuế phù hợp với từng nhóm người nộp thuế; công khai các TTHC quy trình nghiệp vụ quản lý tại trụ sở cơ quan thuế các cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử ngành thuế để NNT biết và giám sát việc thực thi pháp luật thuế của công chức thuế. Hoàn thiện bộ phận “một cửa” đảm bảo phục vụ tốt NNT thực hiện TTHC thuế; xây dựng, triển khai đa dạng các dịch vụ hỗ trợ NNT thực hiện TTHC thuế, chú trọng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ qua hình thức điện tử; cung cấp các dịch vụ tra cứu hoặc trao đổi thông tin điện tử về tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của NNT; khuyến khích, hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế nhằm nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, đồng thời cộng đồng xã hội nhận thức được công tác thuế là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
2.3. Đổi mới và tăng cường năng lực công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với người nộp thuế, xây dựng, ban hành chế độ quy định về quản lý thanh tra, kiểm tra thuế đối với NNT trên cơ sở quản lý rủi ro, nhằm giảm bớt phiền hà cho NNT, đồng thời phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp không tuân thủ pháp luật thuế, góp phần nâng cao tính tuân thủ của NNT và đảm bảo bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế; tăng cường đổi mới áp dụng các biện pháp, kỹ năng để giám sát quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế; giải quyết chính xác, kịp thời các trường hợp khiếu nại tố cáo về thuế.
2.4. Tập trung xây dựng và tổ chức bộ máy quản lý thuế hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu thực thi nhiệm vụ của cơ quan thuế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu quản lý thuê hiện đại theo nguyên tắc tập trung thống nhất; cơ cấu nguồn nhân lực phù hợp với nhiệm vụ quản lý thuế xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thuế chuyên nghiệp chuyên sâu, trung thực, trong sạch; tăng cường kiểm tra giám sát thực thi công vụ để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật hành chính và liêm chính của cán bộ, công chức thuế.
2.5. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ quản lý thuế; phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý thuế mở rộng diện DN thực hiện các TTHC thuế như đăng ký thuế khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế... qua hình thức điện tử; Hiện đại hoá, tự động hoá và tích hợp trong quản lý đăng ký kinh doanh và quản lý cấp mã số thuế, mã số hải quan thống nhất nghiên cứu kết nối thông tin, từng bước tích hợp giữa cơ sở dữ liệu quản lý thu thuế, quản lý sử dụng đất phi nông nghiệp với cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của cơ quan quản lý tài nguyên môi trường; chuẩn hóa quy trình quản lý thuế trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo thống nhất có tính liên kết cao; xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin trụ sở làm việc, trang thiết bị tiên tiên, hiện đại, đồng bộ.
Để triển khai thực hiện tốt nội dung Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 732/QĐ-TTg Chính phủ đạt mục tiêu đề ra, ngành Thuế rất mong nhận được sự phối hợp của Ban tuyên giáo trung ương, cơ quan thông tấn báo chí trong tuyên truyền Chiến lược để giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là các tổ chức, cá nhân trực tiếp có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế nhận thức được quan điểm chủ trương, đường lối của Đảng,Nhà nước ta trong thực hiện cải cách hệ thống thuế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục để mọi tổ chức, cá nhân hiểu rõ nghĩa vụ và quyền lợi và thực hiện nghiêm theo các quy định của pháp luật về thuế; tôn vinh kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, đồng thời lên án, đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi vi phạm pháp luật thuế của người nộp thuế. Thông qua công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức và cá nhân trong việc triển khai thực hiện tốt Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020; hiểu rõ ý thức trách nhiệm trong việc phối hợp với cơ quan thuế như cung cấp, trao đổi thông tin, điều tra, xử lý vi phạm và các biện pháp hành chính khác dể góp phần thu đúng, đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trong từng ngành, từng lĩnh vực, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2020, xây dựng nước Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đến năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thử XI Đảng cộng sản Việt Nam đã đề ra.
Minh Thiện