Thứ 7, Ngày 27/04/2024 -

Giải pháp toàn diện về phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; mở rộng diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng: 24/09/2020  09:03
Mặc định Cỡ chữ
Trong ngày làm việc thứ nhất của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 (ngày 23/9/2020); thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trình bày tham luận về “Giải pháp toàn diện về phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; mở rộng diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh”. Cổng thông tin điện tử tỉnh giới thiệu toàn văn tham luận này.

 

Đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tham luận tại Đại hội

 

Kính thưa Đoàn Chủ tịch!

 

Thưa toàn thể Đại hội!

 

Thực hiện chương trình Đại hội, thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh, tôi xin Báo cáo tham luận về nội dung: “Giải pháp toàn diện về phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; mở rộng diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh”.

 

Kính thưa Đại hội!

 

Kon Tum là tỉnh miền núi, nằm ở cực Bắc Tây nguyên, có vị trí chiến lược về giao thương kinh tế với các thị trường lớn trong và ngoài nước, có lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, khí hậu và đất đai để phát triển phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, chất lượng cao ở 02 tiểu vùng khí hậu là vùng Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 ước đạt là 172.219 ha, trong đó: cây lương thực có hạt: 28.536 ha; cây sắn: 38.917 ha; cây cà phê: 25.519 ha; cây cao su: 76.181,6 ha; rau hoa xứ lạnh:150 ha; cây ăn quả: 4.113 ha; diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 8.000 ha; có 55 trang trại, hộ chăn nuôi áp dụng phương pháp nuôi chuồng kín, ứng dụng công nghệ cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm dần từ 30,17% năm 2015 xuống còn 22,63% năm 2020.

 

Triển khai thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XV về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020 Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp nỗ lực,tích cực tổ chức thực hiện nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực và khá toàn diện như sau: (1) tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp ở mức khá (bình quân khoảng 5,1%/năm); (2) đã hình thành được 01 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 02 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nhận 02 doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; (3) lĩnh vực kinh tế hợp tác ngày càng phát triển, hình thức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ được hình thành, đến tháng 08/2020 thành lập được 108 Hợp tác xã nông nghiệp; (4) cơ cấu cây trồng, vật nuôi dần được chuyển dịch theo hướng ứng dụng công nghệ cao và an toàn sinh học,đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nhất là cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu, mía, sắn và cây ăn quả…; (5) công nghiệp chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản, dược liệu gắn với thị trường tiêu thụ trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, đa số người dân và doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư xây dựng cáchệ thống, thiết bị chế biến với công nghệ hiện đại, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường; (6) một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã được quan tâm đầu tư phát triển như: rau, hoa xứ lạnh, Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu…; (7) Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm được triển khai rộng rãi, đến nay đã có 35 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 03 sao đến 04 sao cấp tỉnh, trong đó có 01 sản phẩm có tiềm năng đạt chuẩn 05 sao cấp quốc gia, đãgóp phần thúc đẩy phát triển hơn 50 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi; (8) tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đã phát triển đạt khoảng 4.113 ha với các loại cây có hiệu quả kinh tế cao như: bơ, chuối, sầu riêng, mít,(9) tổ chức thử nghiệm thành công mô hình ươm cá giống diêu hồng lồng bè, cá giống rô phi đơn tính, cá rô phi dòng Pro gift; đang triển khai nuôi thử nghiệm tôm càng xanh; (10) Triển khai ứng dụng công nghệ sinh học trong việc gieo ươm cây giống lâm nghiệp; ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám trong quản lý rừng, điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; ứng dụng máy đục khắc gỗ 3D trong sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Nâng cao giá trị rừng trồng thông qua hoạt động Quản lý rừng bền vững tiến đến cấp chứng chỉ rừng (FSC);... góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

 

Kính thưa Đại hội!

 

Để đạt được những kết quả tích cực trên, trước hết Ủy ban nhân dân tỉnh đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; các cấp ủy chính quyền địa phương đã phối hợp chỉ đạo triển khai các giải pháp đồng bộ, có hiệu quả và đóng vai trò rất quan trọng, không thể thiếu đó là: sự hưởng ứng tích cực của người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp và nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm sạch ngày càng lớn…

 

Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn và hạn chế như: (1) tỉnh Kon Tum có đặc điểm địa hình dốc và chia cắt nhiều nên việc tích tụ ruộng đất hình thành “cánh đồng lớn” để phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa được thuận lợi; (2) chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, nguồn lực tài chính phục vụ đầu tư ứng dụng các công nghệ tiến tiến như: công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học,... vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; (3) vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn chưa theo kịp xu thế, nhu cầu của thị trường; (4) việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tham gia tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của người nông dân còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn; (5) công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức; (6) một số hợp tác xã nông nghiệp đã được hình thành nhưng hoạt động và phát triển chưa bền vững do nhân lực quản lý hợp tác xã chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa được đào tạo, tập huấn về kỹ năng quản lý, điều hành hợp tác xã; (7) Sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất chưa cao; (8) Năng lực chế biến các sản phẩm nông nghiệp, chế biến các sản phẩm gỗ rừng trồng, nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm gỗ, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu chưa đáp ứng được yêu cầu; (9) Việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên các lòng hồ thủy điện, thủy lợi chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

 

Kính thưa Đại hội!

 

Dự kiến trong 5 năm tới và những năm tiếp theo, với sự quan tâm, thường xuyên chỉ đạo kịp thời Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và sự phối hợp, chỉ đạo tổ chức thực hiện của các cấp ủy chính quyền địa phương, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh sẽ tiếp tục có nhiều thuận lợi và cơ hội như: (1) điều kiện tự nhiên, khí hậu của tỉnh phù hợp để phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp; (2) cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh ngày càng được đầu tư, hoàn thiện; (3) người nông dân, hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp hưởng ứng tích cực chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; (4) nhu cầu sử dụng các sản phẩm an toàn, chất lượng cao, sản phẩm hữu cơ thân thiện môi trường ngày càng lớn; (5) quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra ngày càng sâu, rộng, nhiều hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước đã được ký kết, nhất là hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…sẽ là điều kiện thuận lợi để tiếp tục duy trì, phát triển, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng thị trường tiêu thụ ngày càng lớn trong nước và trên thế giới.

 

Kính thưa Đại hội!

 

Trong thời gian tới, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trên cơ sở những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức đã được xác định, Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra một số giải pháp để tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; mở rộng diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh như sau:

 

Một là, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, trong đó, xác định doanh nghiệp là trụ cột, Hợp tác xã kiểu mới là hạt nhân trong liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp phải gắn kết chặt chẽ sản xuất với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ; tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

 

Hai là, huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo đúng các chủ trương, chính sách hiện hành của Nhà nước; đồng thời xem xét ban hành một số chính sách đặc thù về nông nghiệp của địa phương, như: hỗ trợ phát triển cây ăn quả, chăn nuôi bò sữa, chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, hỗ trợ chế biến bảo quản nông sản để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp... Tổ chức sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng; huy động các nguồn lực ngoài ngân sách (theo hình thức: PPP, tín dụng, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ quốc tế) và vận động đóng góp từ người dân; chú trọng đầu tư hoàn thành các công trình hạ tầng cơ bản (giao thông, điện, nước sạch, thủy lợi). Tập trung đầu tư và hình thành các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật như thủy lợi, điện, đường giao thông, các dịch vụ hỗ trợ. Đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp để đạt doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, đặc biệt là trên đất canh tác nương rẫy và gắn với gây trồng, phát triển các loài cây dược liệu, hình thành các vùng sản suất, chế biến dược liệu tập trung.

 

Ba là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ ngành nông nghiệp, khoa học và công nghệ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp; lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ cho người dân để tiếp cận, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; chú trọng đào tạo, hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ quản lý các Hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác.

 

Bốn là, rà soát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ diện tích đất trồng sắn, cao su không hiệu quả, hết chu kỳ khai thác sang mở rộng phát triển khoảng 10.000 cây ăn quả chủ lực, có hiệu quả kinh tế như mít, bơ, sầu riêng, chanh dây, cam, bưởi, chuối,… tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi như huyện Sa Thầy, Kon Rẫy, Kon Plông, Đăk Tô, Đăk Hà, Ia H’Drai, thành phố Kon Tum gắn với công tác quy hoạch xây dựng các cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp đảm bảo nâng cao giá trị gia tăng của nông sản trên địa bàn tỉnh.

 

Năm là, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn như VietGAP, VietGAHP, GACP-WHO, GloballGAP, Oganic, …; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường trong nước và xuất khẩu...

 

Cuối cùng, thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh, kính chúc Đoàn Chủ tịch Đại hội, các quý vị đại biểu tham dự Đại hội mạnh khỏe, hạnh phúc; chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

 

Xin trân trọng cảm ơn!

 

Cổng TTĐT tỉnh