Thứ sáu, Ngày 26/04/2024 -

Chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật từ ngày 21-25/9/2020
Ngày đăng: 27/09/2020  07:34
Mặc định Cỡ chữ
(kontum.gov.vn): Công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, THCS năm 2019; Phê duyệt các địa điểm và lĩnh vực ưu tiên tổ chức Hội chợ, Triển lãm thương mại năm 2021; Thực hiện các giải pháp bảo vệ và phòng, chống đuối nước ở trẻ em; Triển khai các giải pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm; Triển khai nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021; Ngăn chặn vận chuyển trái phép gia cầm qua biên giới; Tăng cường quản lý an toàn kết cấu công trình; Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài năm 2020; Triển khai thực hiện việc thu phí cách ly y tế tập trung đối với người nhập cảnh... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 21-25/9/2020.

 

Công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ; phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, THCS năm 2019:

 

Căn cứ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh công nhận các huyện, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2019, cụ thể: (1) Công nhận 10 huyện, thành phố của tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 05 tuổi; (2) Công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 cho huyện Sa Thầy và mức độ 3 cho 09 huyện, thành phố còn lại; (3) Công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1 cho 07 huyện, thành phố (gồm: thành phố Kon Tum và các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Ia H’Drai) và mức độ 2 cho 03 huyện còn lại; (4) Công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 cho huyện Ngọc Hồi và huyện Kon Plông; đạt mức độ 2 cho 08 huyện, thành phố còn lại.

 

Phê duyệt các địa điểm lĩnh vực ưu tiên tổ chức Hội chợ, Triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh năm 2021:

 

Tại Quyết định số 918/QĐ-UBND ngày 21/9/2020, UBND tỉnh phê duyệt 13 địa điểm trên địa bàn tỉnh được tổ chức Hội chợ, Triển lãm thương mại trong năm 2021, cụ thể: Thành phố Kon Tum 02 điểm (Khu đất Sân bóng thôn Kon Rơ WangKhu đất bên cạnh Sân vận động tỉnh); huyện Đăk Hà 03 điểm (Bến xe khách, Sân vận động Tổ dân phố 7 và Sân vận động huyện); huyện Đăk Tô 01 điểm (Sân vận động huyện); huyện Đăk Glei 01 điểm (Sân thể thao, lễ hội huyện); huyện Sa Thầy 01 điểm (Chợ mới huyện Sa Thầy); huyện Kon Rẫy 01 điểm (Sân vận động huyện); huyện Ngọc Hồi 01 điểm (Trung tâm Văn hóa và Thể dục thể thao huyện); huyện Tu Mơ Rông 01 điểm (Quảng trường khu trung tâm huyện); huyện Kon Plông 01 điểm (Trung tâm hành chính huyện); huyện Ia H’Drai 01 điểm (Trung tâm hành chính huyện).

 

Về lĩnh vực ưu tiên được tổ chức Hội chợ, Triển lãm thương mại trong năm 2021, gồm 04 lĩnh vực: (1) Giới thiệu, xúc tiến thương mại các sản phẩm hình thành từ: Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm, các sản phẩm nông sản phát triển liên kết theo chuỗi giá trị, sản phẩm công nghiệp nông thôn, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của địa phương; (2) Giới thiệu, quảng bá du lịch, ẩm thực và sản phẩm đặc sản, chủ lực của địa phương như rượu và sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; (3) Giới thiệu vật tư, máy móc, thiết bị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, vật tư nông nghiệp, giống cây trồng; (4) Giới thiệu sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.

 

Tăng cường thực hiện các giải pháp bảo vệ và phòng, chống đuối nước ở trẻ em:

 

Thực hiện ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành thành viên BCĐ Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh và UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện nghiêm các giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước trẻ em. Báo cáo kịp thời nguyên nhân, các biện pháp khắc phục, phòng ngừa khi xảy ra các vụ việc trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích, đuối nước thuộc đơn vị, địa phương quản lý.

 

Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện; định kỳ tổng hợp báo cáo theo quy định. Kịp thời báo cáo các vụ việc trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích, đuối nước trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

 

Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm lây lan diện rộng:

 

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm kịp thời và có hiệu quả, UBND yêu cầu các sở, ban ngành thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện những biện pháp quan trọng như: Đối với địa phương có ổ dịch Cúm gia cầm nhưng chưa qua 21 ngày, cần tập trung mọi nguồn lực để tổ chức kiểm soát, không để dịch bệnh Cúm gia cầm tái phát, lây lan diện rộng; Rà soát, tổ chức tiêm vắc xin Cúm gia cầm phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu trên 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng; Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất; tổ chức tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, sát trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh; Tổ chức triển khai chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh Cúm gia cầm để kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, dương tính với vi rút Cúm gia cầm, chủng A/H5N1 và A/H5N6.

 

UBND tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam.

 

Triển khai nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021:

 

Để chấn chỉnh thực hiện các khoản thu đầu năm học 20290-2021 và đảm bảo các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất trường học đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên; triển khai 09 nhóm nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021, như: (1) Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; (2) Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; (3) Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục dân tộc; tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học; công tác giáo dục thể chất; triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; (4) Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; (5) Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; (6) Đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo; (7) Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; (8) Đảm bảo nguồn lực tài chính; tăng cường xã hội hóa, tăng cường cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; (9) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

Yêu cầu UBND các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp; tiếp tục bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ năm học 2020-2021; rà soát, chuẩn bị cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, giáo viên phục vụ triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 theo lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông. Tranh thủ mọi nguồn lực hợp pháp để đầu tư cơ sở vật chất, phòng học, mua sắm trang thiết bị dạy học, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; huy động công tác xã hội hóa giáo dục; triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu phát triển giáo dục theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.

 

Ngăn chặn vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới:

 

Triển khai ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức ngăn chặn vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm giống qua biên giới vào Việt Nam. Trong đó tập trung thực hiện những biện pháp quan trọng như: Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không đảm bảo an toàn làm lây lan dịch bệnh; bảo đảm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào Việt Nam tại các đường mòn, lối mở.

 

UBND tỉnh đề nghị: Ban Chỉ đạo 389 tỉnh phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y Trung ương đóng tại địa phương và cơ quan thú y địa phương; Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép ra, vào Việt Nam.

 

Tăng cường quản lý an toàn kết cấu công trình:

 

Triển khai ý kiến của Bộ Xây dựng về việc tăng cường quản lý an toàn kết cấu công trình sau sự cố sập đổ cổng điểm Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng (xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai), Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

 

Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức kiểm tra các trụ cổng trường đã xây bằng gạch, nếu phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn, cần có biện pháp để đảm bảo an toàn cho học sinh. Thông báo đến các đơn vị quản lý trường học lưu ý công tác quản lý, giám sát học sinh trong và ngoài giờ học; ngăn chặn các hiện tượng đu, bám lên cổng trường, tường rào,… hoặc lại gần những vị trí, hạng mục công trình tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn; đồng thời có thông báo rõ ràng, dễ nhìn đối với quy định cấm leo trèo, đu bám lên cánh cổng, trụ cổng.

 

Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố theo phân cấp và chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; tăng cường quản lý công tác thiết kế, thi công, giám sát, năng lực các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, công tác bảo trì công trình đối với những trụ cổng dự kiến xây mới hoặc gia cường theo quy định.

 

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài năm 2020:

 

Thực hiện ý kiến của Bộ Tài chính, UBND tỉnh yêu cầu các chủ chương trình, dự án và các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 trên địa bàn tỉnh; tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, phấn đấu giải ngân hoàn thành 100% kế hoạch vốn nước ngoài được giao năm 2020 và kế hoạch năm 2019 được kéo dài sang năm 2020. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.

 

Triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài năm 2020. Đối với các dự án khởi công mới, khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu, xin ý kiến “không phản đối” của Nhà tài trợ, đặc biệt là các tranh chấp hợp đồng (nếu có) để có khối lượng hoàn thành. Đối với dự án giải ngân theo kết quả đầu ra, làm việc chặt chẽ với cơ quan chủ quản để tiến hành kiểm đếm ngay cho từng dự án, từng địa phương đã có khối lượng hoàn thành; không chờ toàn bộ các địa phương tham gia chương trình, dự án hoàn thành mới tiến hành kiểm đếm. Đối với chương trình/dự án cần điều chỉnh Hiệp định vay, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn tất thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định.

 

Triển khai thực hiện việc thu phí cách ly y tế tập trung đối với người nhập cảnh:

 

Triển khai việc thu phí cách ly y tế tập trung đối với người nhập cảnh, Chủ tịch UBND yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện việc thu phí cách ly y tế tập trung đối với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 7713/VPCP-KTTH ngày 15/9/2020 của Văn phòng Chính phủ; các cơ quan, địa phương thông tin đầy đủ đến các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam biết các quy định về chi phí cách ly y tế tập trung trước khi tiến hành nhập cảnh, đồng thời thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các cơ sở cách ly thực hiện việc thu phí và tổ chức tốt các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt cho người nhập cảnh.

 

Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh thông tin, phổ biến rộng rãi nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến người dân trên địa bàn tỉnh; giao Sở Y tế thường xuyên theo dõi, chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các cơ quan liên quan kịp thời hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai việc thu phí khám, điều trị bệnh Covid-19 trong thời gian cách ly đối với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam là người nước ngoài ngay sau khi có hướng dẫn của Trung ương về nội dung này.

 

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 7713/VPCP-KTTH ngày 15/9/2020 của Văn phòng Chính phủ: Trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam có nhu cầu thực hiện cách ly tại khách sạn, resort, cơ sở khác được chọn làm nơi cách ly tập trung và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thì cá nhân tự chi trả các chi phí về ăn, ở, sinh hoạt trong thời gian cách ly cho khách sạn, resort, cơ sở khác theo mức giá do khách sạn, resort, cơ sở khác quy định.

 

Trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện cách ly tập trung tại các doanh trại Quân đội, các trường của Quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định làm nơi cách ly tập trung phải tự chi trả các chi phí tiền ăn theo mức 80.000 đồng/ngày; các chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế là 40.000 đồng/ngày.

 

Yêu cầu tất cả người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam phải mua bảo hiểm y tế quốc tế có phạm vi thanh toán khám chữa bệnh tại Việt Nam phù hợp với thời gian lưu trú tại Việt Nam. Đồng thời, tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam phải chấp hành chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 và tự chi trả chi phí xét nghiệm cho cơ sở y tế theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.

 

Về chi phí khám, điều trị bệnh COVID-19: Đối với người Việt Nam, tiếp tục do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; đối với người nước ngoài, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, sửa đổi khoản 2 Điều 48 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho phù hợp với tình hình thực tế.

 

Về chi phí khám, điều trị các bệnh khác trong thời gian cách ly y tế tập trung: Đối với người có bảo hiểm y tế, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám, điều trị trong phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế; cá nhân tự chi trả phần chi phí đồng chi trả của người bệnh và các chi phí ngoài phạm vi hưởng bảo hiểm y tế (nếu có). Đối với người không có bảo hiểm y tế, cá nhân tự chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức giá do cấp có thẩm quyền quy định theo quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh.

 

Các quy định trên áp dụng đối với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam và thực hiện cách ly tập trung từ ngày 1/9/2020. Riêng về việc thu phí cách ly, chi phí xét nghiệm đối với các trường hợp có nhu cầu thực hiện cách ly tại khách sạn, resort, cơ sở khác được chọn làm nơi cách ly tập trung thì thực hiện từ ngày 24/8/2020 theo Công văn số 7038/VPCP-KTTH ngày 24/8/2020 của Văn phòng Chính phủ./.

 

Thái Ninh