Thứ 5, Ngày 25/04/2024 -

Xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng: 30/09/2020  08:37
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 30/9/2020, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3702/UBND-NNTN về việc xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn tỉnh.

 

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan Công an, Kiểm lâm, các ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ vi phạm về lấn chiếm, phá rừng tự nhiên để lấy đất canh tác nông nghiệp, trồng rừng trên địa quản lý. Đối với các trường hợp xảy ra tình trạng phá rừng trái phép, buộc chủ rừng hoặc đối tượng phá rừng (nếu phát hiện) khôi phục lại rừng đã bị phá, bị lấn chiếm trái pháp luật; đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

 

Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo lực lượng trực thuộc tăng cường công tác phối hợp trong điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp, nhất là hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng. Rà soát, xây dựng quy chế phối hợp giữa các lực lượng để làm cơ sở tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả công tác điều tra, xác minh và xử lý sớm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp theo quy định. Trường hợp xét thấy cần thiết, có thể nghiên cứu việc xét xử lưu động để tăng tính răn đe, giáo dục nhằm thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ rừng.

 

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát công tác quản lý, bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng, UBND cấp xã đang quản lý diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê; kịp thời phát hiện các hạn chế, yếu kém để chấn chỉnh hoặc xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm hoặc buông lỏng quản lý. Trong đó cần nêu cao vai trò của người đứng đầu là cá nhân chịu trách nhiệm chính đối với các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp thuộc phạm vi, lĩnh vực, địa bàn mình quản lý, hoặc để xảy ra việc các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về Lâm nghiệp. Kiên quyết thu hồi những dự án Lâm nghiệp, những diện tích rừng đã giao, cho thuê nhưng hoạt động không hiệu quả, không đúng mục đích, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

 

Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng tham gia quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Rà soát, chọn lọc và kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy đối với cán bộ không đảm bảo năng lực, phẩm chất đạo đức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng.

 

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố có Kế hoạch giao rừng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất trong năm 2020. Đối với các địa phương còn diện tích rừng và đất lâm nghiệp chưa giao, chưa cho thuê thì sớm lập Kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất trình cấp thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở thực hiện. Phối hợp với lực lượng kiểm lâm và các cơ quan thông tin truyền thông xây dựng các nội dung chuyên đề và tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân sống gần rừng nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ rừng./.

 

            Cổng TTĐT tỉnh