Thứ 4, Ngày 07/05/2025 -

Mưa lũ đã gây thiệt hại lớn về cơ sở vật chất tại các huyện, thành phố
Ngày đăng: 29/10/2020  13:26
Mặc định Cỡ chữ
Theo thống kê sơ bộ ban đầu, đến thời điểm hiện nay, tỉnh chưa ghi nhận thiệt hại về người. Tuy nhiên, mưa lũ đã gây thiệt hại lớn về cơ sở vật chất tại một số địa phương.

 

Cà phê ở xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà bị ngập sâu trong nước

 

Trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 9, thực hiện các công điện, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và của Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp phòng, chống mưa lũ trước, trong và sau bão, đặc biệt lưu ý bảo đảm an toàn hồ đập, ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ quét; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; rà soát di dời, sơ tán người ra khỏi các khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và nhà nước; sẵn sàng lực lượng phương tiện, vật tư…để phòng chống ứng phó thiên tai.

 

Đồng thời, sáng ngày 28/10/2020, thành lập 05 Đoàn kiểm tra công tác ứng phó với cơn bão số 9 tại các địa bàn trọng yếu gồm các huyện: Kon Rẫy, Kon Plông, Đăk Glei, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Sa Thầy và thành phố Kon Tum và đã ban hành Lệnh vận hành liên hồ chứa Thủy điện Ialy, Thủy điện Sê San 4 và hồ chứa cắt lũ kết hợp phát điện ĐăkBla để chuẩn bị đón lũ theo đúng quy trình vận hành hồ chứa trên lưu vực sông sê san đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 13/02/2018.

 

Đến thời điểm hiện nay, tỉnh chưa ghi nhận thiệt hại về người. Tuy nhiên, mưa lũ đã gây thiệt hại lớn về cơ sở vật chất tại một số địa phương, cụ thể:

 

Về nhà ở: Số hộ dân di dời khoảng 755 hộ/3.020 khẩu; Trong đó: 224 hộ/778 khẩu đến nơi an toàn (huyện Đăk Glei 37 hộ với 105 khẩu; huyện Tu Mơ Rông di dời 15 hộ dân; huyện Kon Plông di dời 46 hộ dân; huyện Kon Rẫy di dời với 120 hộ/673 khẩu ở xã Đăk Ruồng và 02 hộ dân tại thôn 1 xã Tân Lập). Địa bàn thành phố Kon Tum 255 hộ dân (xã Đoàn Kết: 87 hộ; Ngok Bay: 34 hộ; xã ĐăkBlà: 06 hộ thuộc thôn KonDrei; Phường Lê Lợi: 16 hộ thuộc tổ 1; Phường Thắng Lợi: 22 hộ; Phường Trường Chinh: 20 hộ; phường Ngô Mây: 02 hộ; Phường Quyết Thắng: 13 hộ; P.Quang Trung: 28 hộ; xã kroong: 12 hộ; xã ĐăkRơWa: 15 hộ; Dự kiến khoảng: 17 hộ  sẽ tiếp tục di dời. Cụ thể: Phường Quyết Thắng: 17 hộ); Huyện Sa Thầy 58 hộ (tại các xã Hơ Moong 48 hộ; Thị trấn 01 hộ; Ya Ly 07 hộ; xã Rờ Kơi 01 hộ; xã Sa Bình: 01 hộ); Huyện Ngọc Hồi di dời 168 hộ (trong đó xã Đăk Ang 147 hộ; Đăk Nông 04 hộ; thị trấn Plei Kần 17 hộ).

 

Thiệt hại về nhà cửa: 166 căn nhà bị hư hỏng, tốc mái, ngập nước (trong đó, nhà bị hư hỏng, tốc mái, sạt lở 46 nhà và bị ngập nước 120 nhà). 03thôn bị cô lập, chia cắt hoàn toàn (thôn 2, 3, 4) huyện Kon Rẫy với 438 hộ/1.466 khẩu đã bị chia cắt hoàn toàn do tuyến đường huyện vào xã Đăk Pne (ĐH 22) do lũ lớn đã cuốn trôi hoàn toàn cầu dàn sắt.

 

Về nông nghiệp: Khoảng 567 ha diện tích cây trồng (lúa, hoa màu) bị gãy đổ.

 

Sạt lở lấp đường giao thông từ xã Đăk Na đi thôn Đăk Riếp 1 (huyện Tu Mơ Rông)

Mặt đường đèo Măng Đen bị nứt, lún

 

Về giao thông: Các tuyến đường giao thông bị sạt lở hư hỏng với khối lượng khoảng trên 5.000m3 với chiều dài trên 3.000m; 12 cầu treo dân sinh bị thiệt hại (trong đó 1 cầu sắt tại huyện Kon Rẫy).

 

Trong đó, Quốc lộ 24: Tại Km111-Km111+120 (Đầu cầu Nước Long): Ngập sâu khoảng 0,7m; sạt lở tắc đường 9 điểm từ Km75- Km101 (đã thông xe lúc 9h ngày 28/10/2020); Sạt lở taluy âm 01 vị trí (Sụt lún kè taluy âm đèo Măng Đen Km122+420 kéo nứt vào 1/2 mặt đường dài 15m, chiều rộng vết nứt 10cm); Quốc lộ 14C: Sạt lở tắc đường Km23 (đã thông tuyến);  Đường tỉnh 673: Sạt lở taluy dương 6 vị trí, đất tràn rãnh dọc, nước tràn qua đường;  Đường tỉnh 676: Nước ngập mặt đường Km5+250: Dài 100m sâu 0,5m (Đã cảnh báo hai đầu đường); Km20+300 Sạt lở taluy dương tắc đường. Hư hỏng rãnh dọc tại 2 vị tri trí, cây lớn ngã đổ 3 vị trí, nước ngập gây tắc đường, đã căng dây cảnh báo không cho lưu thông; Đường tỉnh 677: Sạt lở taluy dương, gây tắc đường 05 vị trí, nước tràn mặt đường tại 02 vị trí; Đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh (Km0-Km21) Sạt lở taluy dương, gây tắc đường 07 vị trí; Xói lở chân khay + tứ nón cầu Lễ Ngọc phía phải hướng Măng Ri (13x11)m; Đường Sa Thầy - Yaly - thôn Tam An (xã Sa Sơn) - Ya Mô - Làng Rẽ (Mô Rai): Sạt lở taluy dương, xói lề đường, rãnh dọc tại 11 vị trí; Đường Đăk Kôi - Đăk Pxi: Nước ngập mặt đường, đã căng dây cảnh báo, không cho lưu thông, chưa thể xác định được thiệt hại; Đường PleiKrông: Sạt lở taluy dương 01 vị trí; Đường tỉnh 672: Xói lở cống, nước tràn mặt đường, đã căng dây cảnh báo, không cho lưu thông, chưa thể xác định được thiệt hại; Đường tỉnh 678: Nước tràn cầu tràn 01 vị trí, đã căng dây cảnh báo, không cho lưu thông, chưa thể xác định được thiệt hại.

 

Ngoài ra, các tuyến đường liên thôn, liên xã, đường đi khu sản xuất bị sạt lở hư hỏng, gây ách tắc giao thông trên địa bàn các huyện Kon Plông, Đăk Glei, Tu Mơ rông, Kon Rẫy, Ngọc Hồi... làm hư hỏng một số công trình cầu cống, cầu treo bị hư hỏng, cuốn trôi.

 

Về trường học: Có 03 điểm trường học bị ảnh hưởng.

 

Về y tế: Có 02 trạm y tế bị ảnh hưởng.

 

Thiệt hại về công nghiệp: Mất điện tại 20 xã gồm các xã Đăk Nhoong, xã Đăk Blô, xã Xốp, xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei và một số thôn Đăk Ra, thị trấn Đăk Glei và thôn Đăk Đoát, xã Đăk Pek; các xã Pờ Ê, Đăk Tăng, Đăk Nên, Măng Bút, huyện Kon Plông; các xã Sa Sơn, Rờ Kơi, thôn Tân Sang, xã Hơ Moong; xã Hà Mòn, thôn Ngô Trang, xã Đăk La, huyện Đăk Hà; xã Kon Đào, huyện Đăk Tô; Các xã: Ia Tơi, Ia Dom, Ia Đal, huyện Ia H’Đrai; xã Kroong, thành phố Kon Tum; Các xã Tê Xăng, Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông. Công ty Điện lực Kon Tum đang theo dõi, chỉ đạo Điện lực các huyện, khẩn trương xử lý khắc phục khôi phục cấp điện cho khách hàng đảm bảo an toàn trong thời gian sớm nhất (ngay khi đường giao thông được thông suốt).

 

Ngay sau bão số 9 đi qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ cấp bách: Hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, nhanh chóng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, tuyệt đối không để người dân bị thiếu ăn và không có nhà để ở vì bão số 9 gây ra; Tập trung lực lượng ứng phó kịp thời và có hiệu quả với mưa lũ thường diễn biến phức tạp sau hoàn lưu bão.

 

Chỉ đạo các sở, ngành tập trung sửa chữa các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, các công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế để đảm bảo chỗ học hành an toàn cho học sinh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh thường xảy ra sau bão lũ. Tập trung mọi nguồn lực để sớm phục hồi sản xuất và ổn định đời sống cho nhân dân.

 

Theo dõi chặt chẽ diễn biến hoàn lưu bão số 9, triển khai các biện pháp phòng, chống mưa lũ, đặc biệt lưu ý bảo đảm an toàn hồ đập, ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, tổ chức cắm các biển báo, cảnh báo, nghiêm cấm người, phương tiện lưu thông qua khu vực bị ngập lụt, nguy hiểm.

 

Trong thời gian mưa bão diễn ra, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố không rời khỏi địa phương nếu không có lý do chính đáng để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống ứng phó thiên tai và khắc khục hậu quả do thiên tai gây ra, đồng thời thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo hằng giờ, hằng ngày để theo dõi, chỉ đạo./.

 

Dương Nương