Thứ hai, Ngày 05/05/2025 -
![]() |
Các sản phẩm đặc trưng của tỉnh được ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến |
Kon Tum có lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu và đất đai để phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, chất lượng cao ở 2 tiểu vùng khí hậu là vùng Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn.
Triển khai thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020, tỉnh Kon Tum đã nỗ lực,tích cực triển khai nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Toàn tỉnh có gần 173.000ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, cây lương thực có hạt 28.536ha; cây sắn 38.917ha; cây cà phê 25.519ha; cây cao su 76.181,6ha; rau hoa xứ lạnh 150ha; cây ăn quả 4.113ha; diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 8.000ha; có 55 trang trại, hộ chăn nuôi áp dụng phương pháp nuôi chuồng kín, ứng dụng công nghệ cao.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm dần từ 30,17% năm 2015 xuống còn 22,63% năm 2020.
Tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp năm 2020 ở mức khá (bình quân khoảng 5,1%/năm); đã hình thành được 01 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 02 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nhận 02 doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; lĩnh vực kinh tế hợp tác ngày càng phát triển, hình thức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ được hình thành.
Thành lập được 108 HTX nông nghiệp; cơ cấu cây trồng, vật nuôi dần được chuyển dịch theo hướng ứng dụng công nghệ cao và an toàn sinh học, đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nhất là cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu, mía, sắn và cây ăn quả; công nghiệp chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản, dược liệu gắn với thị trường tiêu thụ trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Đa số người dân và doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư xây dựng các hệ thống, thiết bị chế biến với công nghệ hiện đại, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường; một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã được quan tâm đầu tư phát triển như: rau, hoa xứ lạnh, Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu…
Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm được triển khai rộng rãi, đến nay đã có 35 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 03 sao đến 04 sao cấp tỉnh, trong đó có 01 sản phẩm có tiềm năng đạt chuẩn 05 sao cấp quốc gia, đã góp phần thúc đẩy phát triển hơn 50 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi.
Triển khai ứng dụng công nghệ sinh học trong việc gieo ươm cây giống lâm nghiệp; ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám trong quản lý rừng, điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; ứng dụng máy đục khắc gỗ 3D trong sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Nâng cao giá trị rừng trồng thông qua hoạt động Quản lý rừng bền vững tiến đến cấp chứng chỉ rừng (FSC), góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Nông dân xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei thu hái cà phê |
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tỉnh Kon Tum đã và đang đề ra một số giải pháp để tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.
Trong đó, chú trọng thực hiện hiệu quả tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển vùng sản xuất nông nghiệp phải gắn kết chặt chẽ sản xuất với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ; tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung của Chính phủ.
Ngoài ra, huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo đúng các chủ trương, chính sách hiện hành của Nhà nước; đồng thời xem xét ban hành một số chính sách đặc thù về nông nghiệp của địa phương, như: hỗ trợ phát triển cây ăn quả, chăn nuôi bò sữa, chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, hỗ trợ chế biến bảo quản nông sản để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp...
Tổ chức sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng; huy động các nguồn lực ngoài ngân sách theo hình thức PPP, tín dụng, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ quốc tế và vận động đóng góp từ người dân; chú trọng đầu tư hoàn thành các công trình hạ tầng cơ bản như giao thông, điện, nước sạch, thủy lợi.
Cùng với đó, tập trung đầu tư và hình thành các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật như thủy lợi, điện, đường giao thông, các dịch vụ hỗ trợ. Đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp để đạt doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, đặc biệt là trên đất canh tác nương rẫy và gắn với gây trồng, phát triển các loài cây dược liệu, hình thành các vùng sản suất, chế biến dược liệu tập trung.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ ngành nông nghiệp, khoa học và công nghệ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp; lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ cho người dân để tiếp cận, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; chú trọng đào tạo, hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ quản lý các Hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác.
Bên cạnh đó, rà soát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ diện tích đất trồng sắn, cao su không hiệu quả, hết chu kỳ khai thác sang mở rộng phát triển khoảng 10.000 cây ăn quả chủ lực, có hiệu quả kinh tế như mít, bơ, sầu riêng, chanh dây, cam, bưởi, chuối,… tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi như huyện Sa Thầy, Kon Rẫy, Kon Plông, Đăk Tô, Đăk Hà, Ia H’Drai, thành phố Kon Tum gắn với công tác quy hoạch xây dựng các cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp đảm bảo nâng cao giá trị gia tăng của nông sản trên địa bàn tỉnh.
Cuối cùng là hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn như VietGAP, VietGAHP, GACP-WHO, GloballGAP, Oganic...hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường trong nước và xuất khẩu.
Dương Nương
Tin tức liên quan