Thứ 7, Ngày 26/04/2025 -
![]() |
Kiểm lâm tỉnh Kon Tum và các lực lượng tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: http://kiemlam.kontum.gov.vn |
Tỉnh Kon Tum có tổng diện tích tự nhiên 967.418 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp 781.153 ha, bao gồm: rừng đặc dụng 93.246 ha, rừng phòng hộ 182.608 ha và rừng sản xuất 505.298 ha; diện tích có rừng 609.468 ha, diện tích chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp 171.684 ha, độ che phủ rừng 63% - là một trong những tỉnh có độ che phủ rừng cao của cả nước.
Thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã có nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn và chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt nên hoạt động sản xuất lâm nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Công tác quản lý bảo vệ rừng được chính quyền địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực để bảo vệ diện tích rừng hiện có, đặc biệt là diện tích rừng tự nhiên có tác dụng to lớn về phòng hộ đầu nguồn, hạn chế lũ lụt, điều tiết nguồn nước và bảo tồn đa dạng sinh học. Các hành vi xâm hại tài nguyên rừng đã được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý theo quy định của pháp luật.
Công tác phát triển rừng được chú trọng, từ năm 2015 đến nay đã trồng mới được 2.125 ha, khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên 2.022 ha, góp phần duy trì và nâng cao độ che phủ của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Hoạt động sản xuất lâm nghiệp đã thu hút một lực lượng lớn lao động địa phương tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, trồng rừng, góp phần đáng kể tạo công ăn việc làm cho người dân sống gần rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo nâng cao thu nhập, diện mạo nông thôn khởi sắc hơn, đời sống của Nhân dân từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất ngành lâm nghiệp gắn với quản lý bảo vệ tài nguyên rừng vẫn còn hạn chế, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra; tốc độ phát triển rừng còn chậm và hiệu quả kinh doanh rừng trồng còn thấp...
Trong thời gian tới, các hoạt động, tổ chức sản xuất lâm nghiệp cần được củng cố toàn diện và đồng bộ, trong đó trọng tâm là quản lý rừng bền vững, đẩy mạnh phát triển rừng và phát triển dược liệu dưới tán rừng, thu hút người dân tham gia phát triển kinh tế rừng, cải thiện sinh kế từ rừng. Mục tiêu giai đoạn 2020-2025 là bảo vệ diện tích rừng hiện có (609.468 ha), phát triển mới 10.000 ha rừng, nâng cao độ che phủ rừng lên 63,75%.
Để đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp đã và đang triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương phát triển lâm nghiệp bền vững, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; thấy rõ được vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Khắc phục sự chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, khả thi của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lâm nghiệp; tiếp tục củng cố, kiện toàn, đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các Công ty lâm nghiệp và Ban quản lý rừng; kiện toàn lực lượng kiểm lâm để thực thi công vụ hiệu quả.
Ban hành chính sách hỗ trợ bảo vệ phát triển gắn với cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân sống gần rừng tích cực tham gia làm nghề rừng và hưởng lợi từ rừng. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, tạo thuận lợi cho người dân và các thành phần kinh tế cùng tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Chú trọng việc đầu tư phát triển rừng và trồng dược liệu dưới tán rừng. Theo đó, đẩy mạnh việc giao đất đối với diện tích do UBND cấp xã tạm quản lý, đảm bảo đất lâm nghiệp có chủ thực sự, từ đó người dân yên tâm đầu tư phát triển rừng. Để khuyến khích người dân và các tổ chức kinh tế đầu tư phát triển rừng trồng sản xuất, cần có cơ chế thu hút đầu tư nhà máy chế biến gỗ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, làm đòn bẩy để mở rộng diện tích rừng trồng sản xuất và cây phân tán của địa phương, khai thác sử dụng diện tích đất dốc, đất nương rẫy bạc màu hiện còn rất nhiều trên địa bàn tỉnh.
Sử dụng có hiệu quả môi trường rừng tự nhiên đầu tư phát triển dược liệu dưới tán rừng, khai thác các dịch vụ du lịch sinh thái và nghĩ dưỡng tạo ra giá trị kinh tế mới, trong đó chú trọng phát triển những loài có giá trị cao dưới tán rừng tự nhiên như: Sâm Ngọc Linh, Lan Kim Tuyến, mật ong rừng và các loại dược liệu khác gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng tự nhiên.
Đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước, tiền trồng rừng thay thế để phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng bằng những loài cây bản địa, đặc hữu góp phần nâng cao độ che phủ, bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện môi trường sinh thái, chủ động ứng phó tác động của biến đổi khí hậu.
Ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất lâm nghiệp từ khâu chọn tạo giống, trồng, chăm sóc bảo vệ rừng đến chế biến gỗ, trong đó khâu chọn tạo giống là khâu đột phá. Thực tiễn cho thấy, cây lâm nghiệp có chu kỳ sinh trưởng rất dài, 5-7 năm sau mới thấy được hiệu quả, nếu bộ giống trồng rừng không đảm bảo chất lượng sẽ gây thiệt hại kinh tế và môi trường rất lớn. Do đó, cần phải tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để xác định các giống cây lâm nghiệp năng suất, chất lượng, giá trị cao, phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái của tỉnh.
Cùng với đó là sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên rừng, trọng tâm là thúc đẩy việc cấp chứng chỉ rừng đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp.
Nhân rộng mô hình quản lý rừng cộng đồng cùng chia sẻ lợi ích, thực hiện chính sách đồng quản lý rừng trên cơ sở tự nguyện và đồng thuận giữa chủ rừng và các đối tượng tham gia quản lý. Đẩy mạnh công tác cho thuê rừng để quản lý bảo vệ rừng kết hợp phát triển dược liệu, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ môi trường rừng. Tích tụ đất đai để phát triển vùng rừng trồng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến gỗ lớn.
Thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; sử dụng hiệu quả tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng ở các đối tượng được thụ hưởng, theo hướng sử dụng nguồn này để hỗ trợ đầu tư phát triển rừng trồng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng thôn khu vực gần rừng, góp phần sử dụng hiẹu quả quỹ đất trống của địa phương.
Đẩy mạnh kêu gọi thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực để đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng với công nghệ hiện đại nhằm tạo ra các mặt hàng đa dạng, chất lượng cao, có thương hiệu, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện đảm bảo quản lý tập trung các cơ sở chế biến lâm sản.
Huy động tối đa các nguồn lực tài chính và lồng ghép các nguồn vốn, chương trình phát triển kinh tế-xã hội trên cùng địa bàn để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Đảm bảo có sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào các hoạt động lâm nghiệp. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, hộ gia đình, cá nhân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi để để thực hiện các dự án trồng rừng, liên doanh, liên kết đầu tư trồng rừng sản xuất, xây dựng nhà máy chế biến lâm sản tạo động lực đầu ra cho sản phẩm gỗ nguyên liệu rừng trồng.
Huy động nguồn lực tài chính để hỗ trợ sinh kế cho người dân theo hướng chuyển dần canh tác nông nghiệp kém hiệu quả sang sản xuất lâm nghiệp bền vững, hiệu quả, trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy trên đất dốc, bạc màu; hỗ trợ phát triển kinh tế rừng bền vững; tăng thu nhập, vươn lên làm giàu từ nghề rừng, từng bước nâng cao đời sống người dân địa phương./.
Dương Nương
Tin tức liên quan