Thứ 5, Ngày 26/12/2024 -
Mục tiêu chung: (1) Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khởi nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Biểu dương, tôn vinh những dự án, ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp, để tạo sự lan tỏa về tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng, ươm mầm, phát triển các ý tưởng kinh doanh, thành lập doanh nghiệp mới, qua đó xây dựng các chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm hỗ trợ các dự án, ý tưởng khởi nghiệp được đầu tư và thương mại hóa sản phẩm; (2) Thúc đẩy phong trào và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; tìm kiếm những ý tưởng, dự án khởi nghiệp để tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế; (3) Tạo lập môi trường thuận lợi để tổ chức, cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp được hỗ trợ, tư vấn khởi nghiệp thành công; hỗ trợ thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Mục tiêu cụ thể: (1) Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp lý, các chính sách và mạng lưới các cơ quan thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh; (2). Phấn đấu đến năm 2025: Hỗ trợ khoảng 200 dự án, ý tưởng khởi nghiệp, trong đó ít nhất 20% dự án, ý tưởng gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư. Hỗ trợ phát triển khoảng 50 doanh nghiệp khởi nghiệp thương mại hóa được sản phẩm, trong đó 20% doanh nghiệp khởi nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư. Nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt từ 4.500 - 5.000 doanh nghiệp. Củng cố và phát triển các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổ chức đoàn thanh niên, Liên minh hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh. Xây dựng và phát triển Không gian khởi nghiệp và hỗ trợ cơ sở vật chất phục vụ Khởi nghiệp.
Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh thông qua việc kết nối các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp, bao gồm: chính quyền, trường đại học, các trung tâm, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các chuyên gia, nhà đầu tư ... nhằm tạo điều kiện một cách thuận lợi nhất để dự án, ý tưởng khởi nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn lực và hiện thực hóa dự án, ý tưởng. Kết nối với các Cơ sở ươm tạo doanh nghiệp ở ngoài tỉnh nhằm hỗ trợ toàn diện cho các Doanh nghiệp khởi nghiệp và mới được thành lập phát triển.
Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh Kon Tum.
Nội dung chương trình: (1) Rà soát hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách và mạng lưới thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ khởi nghiệp; (2) Hoạt động truyền thông khởi nghiệp; (3) Tổ chức xét duyệt dự án, ý tưởng khởi nghiệp; (3) Hoạt động đào tạo khởi nghiệp; (5) Đầu tư cơ sở vật chất, không gian khởi nghiệp; (6) Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp.
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ nội dung công việc được phân công tại Chương trình xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể để triển khai thực hiện.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực tham mưu UBND tỉnh triển khai Chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình của các cơ quan, đơn vị. Định kỳ hàng quý và hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện Chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra./.
Cổng TTĐT tỉnh
Tin tức liên quan