Thứ sáu, Ngày 10/05/2024 -

Thúc đẩy mạnh mẽ các bộ, cơ quan, địa phương trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử góp phần quan trọng trong việc nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong các xếp hạng quốc tế
Ngày đăng: 16/03/2021  10:37
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 16/3/2021, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ. Theo báo cáo tại Hội nghị, một trong những kết quả nổi bật trong hoạt động của Tổ công tác đó là đã thúc đẩy mạnh mẽ các bộ, cơ quan, địa phương trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh góp phần quan trọng trong việc nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong các xếp hạng quốc tế.

 

Có thể nói, trong 5 năm hoạt động thông qua các cuộc kiểm tra của Tổ công tác về xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, cơ quan, địa phương và kiểm tra thực tế việc giải quyết các thủ tục hành chính tại các Trung tâm hành chính công đã truyền đạt yêu cầu, quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của các bộ, cơ quan, địa phương, qua đó thể chế cho hoạt động cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính cơ bản được hoàn thiện, ngày càng thống nhất, đồng bộ. Từ 2016 - 2020, đã ban hành 37 văn bản (08 Nghị định, 19 Nghị quyết, 02 Chỉ thị, 08 Quyết định) về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó có một số văn bản làm cơ sở thay đổi căn bản quy trình thực hiện thủ tục hành chính từ thủ công, giấy tờ sang điện tử, phi giấy tờ, như: Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Quyết định số 1380/QĐ-TTg ngày 18/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí".

 

Việc ban hành và giải quyết thủ tục hành chính ngày càng thống nhất, đơn giản, minh bạch và thuận lợi hơn. Các Bộ, cơ quan đã rà soát và trình Chính phủ ban hành 19 Nghị quyết để phê duyệt phương án đơn giản hóa 1.097 thủ tục, với 992 mẫu đơn và 399 tờ khai được quy định tại 332 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nhiều phương án có đối tượng tác động lớn như: Bỏ quản lý sổ hộ khẩu bằng giấy với khoảng hơn 18 triệu hộ gia đình được thụ hưởng từ phương án này… Đây cũng là tiền đề, cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, xây dựng công dân điện tử, nền kinh tế số, xã hội số.

 

Việc giải quyết thủ tục hành chính ngày càng chất lượng và hiệu quả hơn với việc xác định đúng mục tiêu là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông và hoạt động của các Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh đã giúp hạn chế phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực; tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước; từng bước làm thay đổi mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp. Sau hơn 02 năm triển khai Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay, có 59/63 tỉnh, thành phố thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh; 100% Bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết TTHC; chất lượng giải quyết hồ sơ đã có sự cải thiện rõ rệt, tỷ lệ giải quyết đúng hạn từ 97,37% trở lên. Đặc biệt có địa phương đã thực hiện việc giải quyết thủ tục hành chính theo phương thức “5 tại chỗ” như Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh; nhiều địa phương đã gắn kết chặt chẽ giữa việc thiết lập một cửa “vật lý” và một cửa điện tử để tạo thuận lợi cho người thực hiện như: Hà Nội, Quảng Ninh, Đồng Nai, Cà Mau, Bình Dương… 

 

Đồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên

 

Tổ công tác đã kịp thời phát hiện nhiều quy định bất cập, chồng chéo về KTCN và điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu các bộ, cơ quan phải rà soát, bãi bỏ. Từ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến nay, có 87 Luật, Nghị định, Thông tư về KTCN, ĐKKD đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung và thay thế để cắt giảm 3.893/6.191 ĐKKD, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải KTCN và 30 thủ tục hành chính liên quan đến KTCN; 1.501 mặt hàng KTCN chồng chéo đã xử lý, giao cho một đầu mối chịu trách nhiệm KTCN (như: nhóm sản phẩm tời điện, nồi hơi trong các xí nghiệp công nghiệp/giao thông vận tải; nhóm thiết bị gia dụng nhập khẩu; nhóm hàng hóa: Ra đa; hệ thống lạnh; sữa, sản phẩm từ sữa; chất hỗ trợ chế biến Casein; bột, tinh bột có nguồn gốc từ thực vật…).

 

Việc cắt giảm này đã giúp tiết kiệm cho xã hội, người dân, doanh nghiệp khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Kết quả này đã khẳng định sự hoạt động hiệu quả, sự nỗ lực, quyết liệt, quyết tâm, trách nhiệm của Tổ công tác trong việc thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. 

 

Với những nỗ lực và kết quả đạt được nêu trên, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong các xếp hạng quốc tế, cụ thể: Trong Xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế và xếp thứ 5 trong ASEAN; Xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc giai đoạn 2018-2019, từ 77 lên 67/141 quốc gia và xếp thứ 7 trong ASEAN; Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 của Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia, nền kinh tế, giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.

 

Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử, đã thay đổi, cải tiến căn bản lề lối, phương thức làm việc thông qua ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hướng tới một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, phi giấy tờ.

 

Văn phòng Chính phủ phát huy tính tiên phong, xây dựng và đưa vào vận hành một số Hệ thống thông tin nền tảng của CPĐT, giúp đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng như cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Trục liên thông văn bản quốc gia được khai trương từ ngày 12/3/2019,  đến ngày 08/03/2021 đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan trung ương và địa phương. Năm 2020, có 2,6 triệu văn bản điện tử được gửi-nhận qua Trục - tăng 2,5 lần so với năm 2019 (1,1 triệu văn bản). Tính chung, kể từ khi vận hành đến nay đã có 4,5 triệu văn bản điện tử, gửi nhận qua Trục. Theo tính toán sơ bộ giúp tiết kiệm được trên 1.200 tỷ đồng/năm. Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) với mục tiêu hướng tới Chính phủ không giấy tờ được vận hành từ ngày 24/6/2019 đến ngày 08/03/2021 đã phục vụ 28 hội nghị, phiên họp Chính phủ và xử lý 685 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, giúp thay thế việc in ấn, sao chụp hơn 253 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy. Chi phí tiết kiệm được khi sử dụng Hệ thống là khoảng 169 tỷ đồng/năm. Cổng Dịch vụ công quốc gia: Sau hơn một năm vận hành chính thức từ ngày 09/12/2019 với 8 dịch vụ công ban đầu, đến ngày 08/03/2021 đã có hơn 2.800 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số gần 6.800 TTHC tại 4 cấp chính quyền (đạt tỷ lệ 42%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 12%), với hơn 116 triệu lượt truy cập, hơn 467 nghìn tài khoản đăng ký; hơn 42.5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 940 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến và hơn 67 nghìn giao dịch thanh toán điện tử (tổng số tiền trên 26,7 tỷ đồng) trên Cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 53 nghìn cuộc gọi, hơn 10 nghìn phản ánh, kiến nghị. Chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia là 8.100 tỷ đồng/năm. Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khai trương ngày 19/8/2020 là hạ tầng số thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số phù hợp theo lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Đến nay (08/3/2021), Hệ thống đã kết nối với 14 bộ, cơ quan, 37 địa phương. Tương tác, điều hành trực tuyến thông qua hệ thống mạng dữ liệu của Bộ Quốc phòng, mạng chuyên dùng, Internet với gần 57 điểm cầu tại các bộ, ngành, địa phương; kết nối 32 camera giám sát các hồ đập thủy điện… Chi phí tiết kiệm khi vận hành Hệ thống này khoảng 460 tỷ đồng/năm. Kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Xây dựng 10 chuyên mục và cập nhật trên 280 chỉ tiêu thông tin, dữ liệu lên Hệ thống; phối hợp với các bộ cung cấp dữ liệu của 105/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 293/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng và cung cấp ấn phẩm infographic về tình hình kinh tế - xã phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ; cung cấp điểm tin hàng ngày phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với 63/63 tỉnh cung cấp dữ liệu trực tuyến cho 08 chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng tháng.

 

Các hệ thống thông tin trên được đưa vào vận hành giúp tiết kiệm chi phí xã hội ước tính trên 9.900 tỷ đồng/năm (theo cách tính của OECD) và nhận được phản hồi tích cực của xã hội (Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống e-Cabinet, Cổng Dịch vụ công quốc gia đều được bình chọn nằm trong 10 sự kiện nổi bật về công nghệ thông tin và truyền thông, về khoa học và công nghệ  do các câu lạc bộ Nhà báo công bố năm 2019. Trong đó, Trục liên thông văn bản quốc gia đã đạt giải vàng của giải thưởng kinh doanh quốc tế năm 2019 tổ chức tại Công hòa Áo, Hệ thống e-Cabinet được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê năm 2020 cho giải pháp phần mềm xuất sắc) tạo sự thay đổi rõ rệt về phương thức làm việc giữa các cơ quan hành chính nhà nước cũng như trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; vừa tạo lực kéo vừa tạo lực đẩy trong triển khai CPĐT, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phát triển kinh tế vừa hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.

 

Liên hợp quốc xếp hạng Chính phủ điện tử năm 2020, Việt Nam xếp thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ tăng 02 bậc so với năm 2018, duy trì việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014-2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86, được xếp vào nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử ở mức cao và cao hơn chỉ số trung bình thế giới./.

 

                                                                                                VĂN MINH