Thứ 3, Ngày 29/04/2025 -

Mục tiêu các Đề án thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025
Ngày đăng: 15/07/2021  00:50
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 09/7/2021, HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết thông qua các Đề án: Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Phát triển đội ngũ giáo viên mầm non và phổ thông ngành Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

 

Ảnh minh họa

 

1. Tại Nghị quyết số 24/NQ-HĐND, HĐND tỉnh thông qua Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025.

 

Theo đó, mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025: (1) 50% trường mầm non, 70% trường tiểu học, 50% trường THCS, 55% trường THPT có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; trong đó 32 xã có các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình xây dựng nông thôn mới; (2) Bổ sung đủ số phòng học đạt 1 lớp/1 phòng; không còn phòng học tạm, mượn, xuống cấp; 100% các trường có phòng học tin học và thiết bị dạy học ngoại ngữ; (3) 100% các trường có đủ thiết bị dạy học tối thiểu; (4) Bổ sung 30% tổng nhu cầu phòng chức năng các trường học.

 

Nguồn kinh phí thực hiện: (a) Ngân sách nhà nước: bao gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, trái phiếu Chính phủ, các chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt: 1.815.112 triệu đồng (chiếm 85% tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án); (b) Huy động xã hội hóa và các nguồn tài trợ, viện trợ: 320.314 triệu đồng (chiếm 15% tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án).

 

2. Tại Nghị quyết số 25/NQ-HĐND, HĐND tỉnh thông qua Đề án phát triển đội ngũ giáo viên mầm non và phổ thông ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

 

Theo Nghị quyết, về đào tạo giáo viên: (1) Đào tạo nâng chuẩn giáo viên theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ là 720 giáo viên. Trong đó: Từ năm 2021 đến năm 2025, đào tạo 432 giáo viên, đạt 60% (gồm đào tạo trung cấp lên đại học 179 giáo viên, đào tạo cao đẳng lên đại học 253 giáo viên); ưu tiên đào tạo giáo viên công tác vùng dân tộc thiểu số; Từ năm 2025 đến năm 2030, đào tạo 288 giáo viên, đạt 40%; (2) Đào tạo giáo viên trên chuẩn: Phấn đấu đến năm 2030 có 75% đối với giáo viên cấp mầm non, 5% đối với giáo viên cấp tiểu học và trung học cơ sở, 17% đối với giáo viên cấp trung học phổ thông đạt trên chuẩn; (3) Đào tạo đại học văn bằng 2.155 giáo viên; (4) Đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ 337 sinh viên. Trong đó: Từ năm 2021-2025, 185 sinh viên, đạt 54,9% (gồm đào tạo cao đẳng 87 sinh viên, đào tạo đại học 98 sinh viên); Từ năm 2025-2030, 152 sinh viên, đạt 45,1% (gồm đào tạo cao đẳng 75 sinh viên, đào tạo đại học 77 sinh viên).

 

Về tuyển dụng, dự kiến tuyển dụng 1.890 giáo viên. Trong đó, từ năm 2021-2025, tuyển dụng 1.262 giáo viên, đạt 66,8% (gồm 600 giáo viên mầm non, 415 giáo viên tiểu học, 242 giáo viên trung học cơ sở và 05 giáo viên trung học phổ thông); từ năm 2025-2030, tuyển dụng 628 giáo viên, đạt 33,2% (gồm 192 giáo viên mầm non, 290 giáo viên tiểu học, 146 giáo viên trung học cơ sở).

 

Về bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018: (1) Từ năm 2021-2025, 100% cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng thường xuyên theo yêu cầu vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm; 100% cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; (2) Từ năm 2021 đến năm 2030, 100% cán bộ quản lý, giáo viên tiếp tục được bồi dưỡng thường xuyên theo yêu cầu vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm.

 

Kinh phí thực hiện: Tổng kinh phí giai đoạn 1 (2021 - 2025) là 134.818 triệu đồng. Trong đó, kinh phí đào tạo là 61.390 triệu đồng; kinh phí bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là 73.428 triệu đồng.

 

3. Tại Nghị quyết số 26/NQ-HĐND, HĐND tỉnh thông qua Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu:

 

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025:

 

Đối với giáo dục mầm non: Huy động trẻ em dân tộc thiểu số dưới 3 tuổi đến nhà trẻ đạt tỷ lệ từ 10% trở lên; trẻ dân tộc thiểu số 3-5 tuổi đi học mẫu giáo đạt tỷ lệ trên 95%, trong đó tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt 99,9%; 100% trẻ dân tộc thiểu số 3-5 tuổi học mẫu giáo được tăng cường và chuẩn bị tiếng Việt để vào học lớp 1; có 50% trường mầm non vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn quốc gia.

 

Đối với giáo dục phổ thông: 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông chuyển sang học nghề; 80% học sinh dân tộc thiểu số tốt nghiệp trung học phổ thông tham gia học đại học, cao đẳng, trung cấp hoặc đào tạo nghề; trên 99,5% học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học được đánh giá hoàn thành chương trình lớp học; 100% học sinh dân tộc thiểu số được học ngoại ngữ, tin học từ lớp 3 trở lên; 99,8% học sinh dân tộc thiểu số cấp trung học cơ sở có hạnh kiểm từ trung bình trở lên, trong đó hạnh kiểm tốt, khá từ 92% trở lên và 95% học sinh dân tộc thiểu số cấp trung học cơ sở có học lực từ trung bình trở lên, trong đó đạt khá, giỏi trên 25%; 99,6% học sinh dân tộc thiểu số cấp trung học phổ thông có hạnh kiểm từ trung bình trở lên, trong đó hạnh kiểm tốt, khá từ 90% trở lên và 92% học sinh dân tộc thiểu số cấp trung học phổ thông có học lực từ trung bình trở lên, trong đó đạt khá, giỏi trên 30%; 95% học sinh dân tộc thiểu số toàn tỉnh tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó học sinh dân tộc thiểu số tốt nghiệp chương trình giáo dục trung học phổ thông đạt 97%; 70% trường tiểu học, 50% trường trung học cơ sở, 55% trường trung học phổ thông vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn quốc gia.

 

Định hướng đến năm 2030: Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trường vùng dân tộc thiểu số; giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tiểu học, trung học cơ sở; tỷ lệ chuyên cần của học sinh dân tộc thiểu số các cấp học từ 99% trở lên.

 

Đối với giáo dục mầm non: Huy động trẻ em dân tộc thiểu số dưới 3 tuổi đến nhà trẻ đạt tỷ lệ từ 11% trở lên; trẻ dân tộc thiểu số 3-5 tuổi đi học mẫu giáo đạt tỷ lệ trên 97%; có 55% trường mầm non vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn quốc gia.

 

Đối với giáo dục phổ thông: Duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; trên 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông chuyển sang học nghề; trên 85% học sinh dân tộc thiểu số tốt nghiệp trung học phổ thông tham gia học đại học và cao đẳng, trung cấp hoặc đào tạo nghề; duy trì và giữ ổn định tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số tốt nghiệp trung học phổ thông toàn tỉnh đạt 95% trở lên, trong đó học sinh dân tộc thiểu số tốt nghiệp chương trình giáo dục trung học phổ thông đạt 97%; 75% trường tiểu học, 55% trường trung học cơ sở, 60% trường trung học phổ thông vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn quốc gia.

 

Nguồn lực thực hiện: Kinh phí thực hiện giai đoạn 2021-2025 là 1.185.371,7 triệu đồng. Trong đó: Nguồn ngân sách Trung ương 613.585 triệu đồng; ngân sách địa phương 469.522,3 triệu đồng; nguồn huy động khác 102.264 triệu đồng./.

 

Thái Ninh