Thứ sáu, Ngày 25/04/2025 -

Phê duyệt Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
Ngày đăng: 04/10/2016  10:51
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 03/10/2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 523/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.


Quy hoạch đề ra mục tiêu cụ thể: Đến năm 2020, chuyển tiếp 02 khu bảo tồn hiện có sang hệ thống khu bảo tồn theo Luật đa dạng sinh học (Vườn Quốc gia Chư Mom Ray với diện tích 56.621 ha và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh với diện tích 38.109,4 ha); nâng cấp rừng đặc dụng Đăk Uy thành Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Đăk Uy với diện tích 659,5 ha; thành lập mới 01 vườn thực vật (Ngọc Linh), vườn thuốc (Sâm ngọc linh và các “vườn mẫu thuốc nam” ở Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh và các Trạm y tế tại các xã trong tỉnh). Đến năm 2030, thành lập mới 02 khu bảo tồn (Vườn Quốc gia Ngọc Linh và khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh Măng Đen); thành lập mới 01 vườn thực vật (Măng Đen), 02 vườn động vật (Ngọc Linh, Đăk Uy), 01 trung tâm cứu hộ động vật (Ngọc Linh); thành lập mới hành lang Đa dạng sinh học Ngọc Linh - Ngọc Linh.

Tổng nhu cầu vốn thực hiện quy hoạch khoảng 104 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, vốn huy động cộng đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Quy hoạch đề ra 04 giải pháp cơ bản nhằm thực hiện quy hoạch, cụ thể:

Về cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống Pháp luật về quản lý hệ thống khu bảo tồn của tỉnh; tiếp tục rà soát, bổ sung, cụ thể hoá các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học đã được thực hiện trong các chương trình, dự án của tỉnh; thực thi nghiêm ngặt Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật đa dạng sinh học, Luật bảo vệ môi trường; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện các dự án nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học trong tỉnh; giải quyết sinh kế đối với người dân tại chỗ.

Về đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu đa dạng sinh học có trình độ, chuyên môn cao; đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ và nâng cao khả năng quản lý trong lĩnh vực đa dạng sinh học; huy động sự tham gia của khối tư nhân, các tổ chức và toàn dân trong tỉnh.

Về khoa học công nghệ, xây dựng và triển khai các giải pháp khoa học công nghệ về đa dạng sinh học; tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về đa dạng sinh học; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học của tỉnh; xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề tài/dự án điều tra cơ bản, các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học cho từng địa điểm, khu vực trên địa bàn tỉnh; tổ chức nghiên cứu, rà soát, kiểm định kết quả nghiên cứu về đa dạng sinh học đã có từ trước tới nay.

Về vốn thực hiện quy hoạch, tranh thủ các nguồn đầu tư từ các tổ chức quốc tế, Chính phủ các nước và các tổ chức phi Chính phủ; hợp tác với các tổ chức, cộng đồng quốc tế trong việc triển khai các dự án đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học, lập quy hoạch chi tiết cũng như các dự án bảo tồn giá trị đa dạng sinh học.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký; chi tiết văn bản, tải tại đây!

Thái Ninh