Thứ sáu, Ngày 26/04/2024 -

Tọa đàm "Sản xuất nông nghiệp sinh thái Rừng - Rẫy - Ruộng gắn với trồng cây dược liệu dưới tán rừng"
Ngày đăng: 28/10/2021  15:42
Mặc định Cỡ chữ
Sáng 28/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Kon Plông và Viện phát triển doanh nhân cộng đồng tổ chức Tọa đàm "Sản xuất nông nghiệp sinh thái Rừng - Rẫy - Ruộng gắn với trồng cây dược liệu dưới tán rừng" tại huyện Kon Plông.

 

Quang cảnh buổi Tọa đàm

 

Tham dự buổi tọa đàm có các đồng chí: Nguyễn Văn Hòa, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố của tỉnh.

 

Theo lãnh đạo Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh: Đây sẽ là diễn đàn trao đổi, đánh giá của các ngành quản lý, các chuyên gia đầu ngành về phương thức canh tác Rừng - Rẫy - Ruộng trong chiến lược phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái cộng đồng của đồng bào và kế hoạch thúc đẩy sinh kế Rừng - Rẫy - Ruộng trong những năm tới.

 

Tỉnh Kon Tum có hơn 2/3 diện tích tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp, đối với huyện Kon Plông đây là nơi có rừng tự nhiên mật độ tập trung cao và cũng là vùng sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, các tập quán canh tác, đời sống văn hóa - xã hội truyền thống của bà con đều gắn bó với rừng. Từ năm 2014 đến năm 2020, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh phối hợp với Viện Tư vấn Phát triển Hà Nội (Viện CODE), Viện Phát triển Doanh nhân Cộng đồng Hà Nội (Viện CENDI), Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND huyện Kon Plông tư vấn, thực hiện giao đất giao rừng cho 19 thôn làng của 3 xã: Pờ Ê, Đăk Nên, Măng Cành (huyện Kon Plông) được 4.433,37 ha rừng với tổng số 1.426 hộ có 5.598 khẩu trực tiếp hưởng lợi từ chương trình này. Để gắn bó mật thiết với rừng, thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng; thì việc tạo sinh kế cho người dân và phát triển kinh tế bền vững là nhiệm vụ, mục tiêu cần phải nghiên cứu, triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo.

 

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đề xuất các giải pháp để thực hiện nội dung tổ chức sản xuất nông nghiệp sinh thái Rừng-Rẫy-Ruộng gắn với trồng cây dược liệu dưới tán rừng ở các thôn, làng đồng bào DTTS nơi có rừng, đặc biệt là đối với các cộng đồng thôn làng đã được giao đất giao rừng; qua đó tạo nên sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân; lan tỏa, phát triển mô hình một cách đầy đủ và toàn diện, góp phần vào việc tạo thu nhập ổn định cho người dân, vươn lên thoát nghèo bền vững, từ đó xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao.

 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi tọa đàm

 

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban tổ chức và các đại biểu tham dự tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận để đánh giá những kết quả đã thực hiện được trong thời gian qua; đề xuất các giải pháp, các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái Rừng - Rẫy - Ruộng đạt kết quả tốt, các hộ, các cộng đồng được giao đất giao rừng để quản lý bảo vệ đã gắn với việc trồng các loại cây được liệu dưới tán rừng, tạo thu nhập cho cuộc sống, tiến tới có sinh kế bền vững và góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao.

 

Đồng chí cũng đề nghị các sở, ngành tập trung đẩy mạnh tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân nhận thức đầy đủ về vai trò giá trị to lớn của rừng, kiến thức về quản lý tài nguyên thiên nhiên và tác hại do mất rừng và canh tác thiếu khoa học trên đất dốc; thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân để rừng thực sự có chủ. Tổ chức cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho người dân đủ điều kiện để sản xuất nông lâm nghiệp ổn định lâu dài; tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình trồng 01 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động; đồng thời có giải pháp chăm sóc, quản lý, bảo vệ diện tích rừng đã trồng, đảm bảo hình thành rừng.

 

Bên cạnh đó, địa phương cần triển khai chính sách hỗ trợ cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình canh tác nông lâm kết hợp, vườn rừng vườn nhà, phát triển dược liệu dưới tán rừng như Sâm Ngọc Linh, Sâm dây và các loại dược liệu có giá trị khác có hiệu quả và phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình triển khai các mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp sinh thái Rừng - Rẫy - Ruộng đảm bảo theo đúng quy định và điều kiện thực tế của địa phương.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo

 

Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị địa phương trên cơ sở tiềm năng của hệ sinh thái Rừng - Rẫy  - Ruộng, huyện Kon Plông cần xây dựng mô hình một cách có hiệu quả hơn; đồng thời nghiên cứu phân loại rừng và trồng các loại cây phù hợp phát triển dưới tán rừng nhằm mục đích giữ rừng góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân; bên cạnh đó phải có biện pháp cải thiện nguồn đất luôn màu mỡ không bị bạc màu; tích cực vận động bà con chuyển đổi mục trồng những loại cây khác phù hợp với vùng đất trên rừng để mang lại năng xuất đạt hiệu quả hơn; cần phát triển ruộng đồng và trồng các loại giống lúa theo nông nghiệp sạch nâng cao chất lượng hiệu quả canh tác.

 

Đồng chí yêu cầu địa phương cần phải có kế hoạch quy hoạch cụ thể và quản lý một cách chặt chẽ, nếu gìn giữ và phát huy được mô hình Rừng- Rẫy- Ruộng, này thì sẽ bảo vệ được nguồn thiên nhiên quý giá góp phần tạo sinh kế tốt cho người dân; đồng thời đem lại du lịch sinh thái có giá trị cho huyện Kon Plông./.

 

 Minh Huệ