Thứ hai, Ngày 28/04/2025 -

Phê duyệt Đề án đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 – 2025
Ngày đăng: 22/11/2021  09:08
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 19/11/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1074/QĐ-UBND phê duyệt Đề án đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 – 2025.

Đề án nhằm hướng đến việc xây dựng các di tích trở thành các điểm du lịch văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xuống cấp của hệ thống di tích và nguy cơ mất giá trị nguyên gốc của di sản văn hóa vật thể. Quan tâm đầu tư các di tích có giá trị tiềm năng, nhất là các di tích lịch sử, thắng cảnh gắn với du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan, nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần xây dựng phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

 

Mục tiêu được đề ra trong giai đoạn 2021-2025 sẽ lập dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi để phát huy giá trị di tích, thu hút khách tham quan, du lịch của tỉnh đạt 2,5 triệu lượt người vào năm 2025. Đầu tư tôn tạo các hạng mục công trình cho 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 04 di tích cấp quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh bằng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và huy động xã hội hóa.

 

Để Kế hoạch đạt được hiệu quả cần phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp tích cực của cơ quan quản lý nhà nước với các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp trong việc đầu tư tu bổ, chống xuống cấp di tích. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng Luật Di sản văn hóa, Nghị định, Thông tư và các văn bản liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích sử dụng những phương tiện, kỹ thuật truyền thống để thực hiện tu bổ, chống xuống cấp di tích nhằm giữ gìn tối đa những yếu tố nguyên gốc, bản sắc, đặc trưng riêng của từng di tích. Mục đích cao nhất của việc đầu tư tu bổ di tích là bảo vệ và nâng tầm các giá trị nổi bật của di tích.

 

Tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư bảo quản, tu bổ di tích. Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để bố trí nguồn vốn đầu tư các di tích, nhất là những di tích trọng điểm có giá trị đặc biệt cần có sự đầu tư lớn. Ngân sách tỉnh và huyện đảm bảo cân đối, phân bổ hằng năm theo tỷ lệ chi ngân sách hợp lý trong tổng chi ngân sách địa phương cho công tác đầu tư bảo quản, tu bổ di tích. Thực hiện tốt phương châm xã hội hóa để huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội và các tổ chức, cá nhân, góp phần vào việc đầu tư và bảo vệ di tích.

 

Kiện toàn bộ máy làm công tác quản lý di tích từ tỉnh đến cơ sở. Chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Thường xuyên mở các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở về lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Tăng cường kiểm tra, giám sát về công tác quản lý, đầu tư tu bổ di tích. Kịp thời động viên, khen thưởng các đơn vị, tập thể, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo quản, đầu tư tu bổ di tích.

 

Tuấn Tài – Huy Thông