Thứ 5, Ngày 26/12/2024 -
Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, điểm cầu tỉnh kon Tum - Ảnh kontumtv.vn |
Cổng Thông tin điện tử tỉnh Kon Tum xin giới thiệu nội dung của Hướng dẫn số 26-HD/BTGTU, như sau:
1. Về vai trò, trách nhiệm của tập thể và cá nhân
- Bí thư cấp ủy, tổ chức đảng; người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên về công tác tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng; trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện.
- Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng phải được thông qua tập thể cấp ủy (ban thường vụ hoặc bạn chấp hành), tổ chức đảng (đối với tổ chức đảng không có cấp ủy) hoặc tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị theo quy định.
- Thường trực cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải chủ trì, phát biểu khai mạc, bế mạc và trực tiếp quán triệt một số nội dung quan trọng tại các hội nghị nghiên cứu, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
2. Thực hiện tốt việc phân loại đối tượng, phân tầng nội dung đối với các lớp học tập nghị quyết, chỉ thị:
- Về đối tượng:
+ Đối với hội nghị trực tiếp: thực hiện theo phân cấp quản lý cán bộ và có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện hội trường.
+ Đối với hội nghị trực tuyến: (1) đối với điểm cầu cấp huyện: chủ yếu là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện quản lý; trưởng, phó các phòng, ban cấp huyện; Bí thư, Phó Bí thư các TCCSĐ; cán bộ, chuyên viên các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp huyện; (2) đối với điểm cầu cấp xã: chủ yếu là các đồng chí đảng ủy viên, cán bộ, công chức cấp xã; tùy nội dung có thể mở rộng đến bí thư, phó bí thư các chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở.
+ Các đối tượng còn lại là cán bộ, đảng viên khối các cơ quan, đơn vị cấp huyện thì do ban tuyên giáo cấp huyện tổ chức hội nghị tập trung để học tập quán triệt. Đối với đảng viên ở các xã, phường, thị trấn thì do Đảng ủy tổ chức hội nghị; tùy vào nội dung của nghị quyết, chỉ thị, có thể mời báo cáo viên cấp huyện về truyền đạt. Đối với quần chúng nhân dân, đoàn viên, hội viên, Đảng ủy xã, phường, thị trấn chỉ đạo, quản lý việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông qua các cuộc họp của đoàn thể, khu dân cư, qua phương tiện thông tin đại chúng, qua tuyên truyền viên, mạng xã hội...
* Các đối tượng đã tham gia các lớp do ngành dọc tổ chức thì không phải tham gia học tập nội dung đó ở các lớp do địa phương tổ chức và ngược lại?, trừ trường hợp có quy định riêng.
* Khi có tình huống đột xuất như thiên tai, dịch bệnh thì thực hiện theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Về nội dung:
+ Đối với Hội nghị cán bộ chủ chốt: cần đi sâu vào những nội dung trọng tâm, cơ bản và mới, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nghị quyết, chỉ thị, liên hệ thực tiễn và định hướng vận dụng những nội dung của nghị quyết, chỉ thị vào lĩnh vực công tác; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (nếu có).
+ Đối với lớp cán bộ, đảng viên ở cơ sở: chỉ giới thiệu những nội dung “cốt lõi”, ngắn ngọn, dễ hiểu, dễ nhớ, gắn với tình hình thực tiễn của từng lĩnh vực, của ngành, của địa phương... nhằm tạo sự thống nhất, thông suốt về nhận thức, tư tưởng và vận dụng hiệu quả vào thực tế công tác.
+ Đối với đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân: cần biên soạn tài liệu theo dạng hỏi-đáp, các tờ rơi, tờ gấp, infographic, clip video ngắn để phổ biến, tuyên truyền (nghị quyết, chỉ thị ở cấp nào thì Ban Tuyên giáo cấp ủy cung cấp phối hợp với cơ quan chủ trì tham mưu để biên soạn tài liệu).
- Về quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị có nội dung "Mật", "Tối Mật": đối tượng và tài liệu học tập, nghiên cứu thực hiện theo phạm vi điều chỉnh của nghị quyết, chỉ thị và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy; việc truyền đạt do Thường trực cấp ủy trực tiếp thực hiện hoặc phân công báo cáo viên.
3. Đổi mới công tác quản lý các lớp học tập nghị quyết, chỉ thị:
- Ban tuyên giáo cấp ủy chủ trì tham mưu tổ chức học tập nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng thành 01 đợt. Trong mỗi đợt học tập, phải bố trí một lượng thời gian thích hợp để thảo luận, làm rõ một số nội dung của nghị quyết, chỉ thị.
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và cấp huyện tham mưu thành lập một số tổ công tác của cấp ủy, mỗi tổ từ 2-3 người (là cán bộ của ban tuyên giáo và một số cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy) để xuống dự, theo dõi, giám sát, đánh giá việc tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị ở cấp uỷ cấp dưới, trường hợp cần thiết có thể tiến hành khảo sát nhận thức của cán bộ, đảng viên về nghị quyết, chỉ thị của Đảng tại hội nghị.
- Ban Tổ chức lớp học tập nghị quyết, chỉ thị tiến hành lập danh sách và quản lý, theo dõi danh sách cán bộ, đảng viên tham gia theo quy định (trừ các đồng chí đảng viên được miễn sinh hoạt, các đồng chí vắng có lý do); thông báo và giám sát các đồng chí vắng tham gia các lớp học tập sau.
- Thực hiện việc điểm danh kết hợp với đánh giá nhận thức (bằng bảng hỏi); điểm danh bằng phiếu theo dõi từng buổi học; bằng việc theo dõi sơ đồ hội nghị; bằng hình thức người học ghi kiến nghị, đề xuất, góp ý... Cán bộ, đảng viên vắng mặt trên 40% thời gian của lớp học thì phải tham gia học lại.
- Việc biểu dương những cán bộ, đảng viên có tinh thần, thái độ học tập nghiêm túc, phê bình, nhắc nhở đối các trường hợp thiếu nghiêm túc, vi phạm nội quy, quy định của lớp học được thực hiện ngay trong thời gian hội nghị và khi tổng kết. Tùy mức độ, có thể đề xuất tổ chức kiểm điểm, xử lý những trường hợp không tham gia học nghị quyết mà không có lý do hoặc lý do không chính đáng.
- Cán bộ, đảng viên bị phê bình, nhắc nhở, kiểm điểm vì các lý do nêu trên thì không được xếp loại đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Chi bộ có từ 10% đảng viên bị phê bình, nhắc nhở thì không xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
4. Về khảo sát, đánh giá nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên đối với các nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
- Tại các hội nghị quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng, ban tuyên giáo cấp ủy tham mưu phiếu khảo sát nhận thức của cán bộ, đảng viên tham gia hội nghị về các nội dung liên quan đến nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
- Tại các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ, chi ủy, bí thư chi bộ (nơi không có chi tủy) tổ chức kiểm tra nhận thức của đảng viên đối với các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đã ban hành trước đó bằng phiếu trắc nghiệm hoặc hỏi-đáp trực tiếp.
5. Về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên:
Hằng năm, cấp ủy các cấp rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đảm bảo về số lượng và chất lượng (không nhất thiết lĩnh vực, địa phương nào cũng cơ cấu báo cáo viên); lựa chọn và xây dựng một số báo cáo viên chuyên sâu, có kỹ năng, phương pháp truyền đạt tốt và có kiến thức rộng, báo cáo được nhiều lĩnh vực; quan tâm công tác bồi dưỡng, tập huấn đối với đội ngũ này.
Riêng đối với các xã, phường, thị trấn: phân công đồng chí Bí thư Đảng ủy (hoặc Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy) phụ trách công tác tuyên giáo. Nơi nào thấy phù hợp thì Đảng ủy ra quyết định thành lập Tổ công tác Tuyên giáo với các thành viên kiêm nhiệm gồm: Bí thư (hoặc Phó Bí thư Thường trực) Đảng ủy phụ trách; Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn hóa-xã hội; Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Bí thư Đoàn thanh niên; trưởng một số tổ chức chính trị-xã hội và cán bộ Văn phòng - Tuyên giáo. Nhiệm vụ thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Việc thành lập đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở do Đảng ủy cơ sở quyết định; cơ cấu, số lượng tuyên truyền viên đảm bảo hợp lý, là những đồng chí thật sự tiêu biểu, có năng lực, trình độ và tâm huyết, đang công tác ở khối mặt trận-đoàn thể, y tế, trường học, quân đội, công an, bộ đội biên phòng đứng chân trên địa bàn, chi ủy chi bộ các khu dân cư; định kỳ hằng năm, tiến hành rà soát, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Các báo cáo viên, tuyên truyền viên khi được phân công, giao nhiệm vụ phải chú trọng xây dựng Đề cương báo cáo nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đảm bảo ngắn gọn, súc tích, có trọng tâm, trọng điểm, có liên hệ với tình hình thực tiễn, có dẫn chứng số liệu, hình ảnh minh họa và bám sát với đối tượng tham gia học tập, nghiên cứu. Khuyến khích việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật trình chiếu powerpoint...
6. Về đẩy mạnh công tác tuyên truyền:
Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng sau khi được phát hành phải kịp thời đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng trong vòng 01-02 ngày (trừ các nghị quyết, chỉ thị có độ Mật) và phải được tổ chức quán triệt trong thời gian sớm nhất, trường hợp chưa tổ chức quán triệt được thì thông tin đến các địa phương, đơn vị biết để có sự chủ động, sắp xếp phù hợp, tránh trùng lặp, chồng chéo.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng các hình ảnh trực quan, bằng infographic, bằng tờ rơi, tờ gấp, tăng cường sáng tác các câu “văn vần” về quan điểm, phương châm, cách thức thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng để phục vụ cho công tác tuyên truyền.
Quan tâm tổ chức các hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi; các hội thi tìm hiểu về nghị quyết, chỉ thị của Đảng... bằng các hình thức phù hợp.
7. Đổi mới công tác xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng:
Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cần được hoàn thành, ban hành sớm, để có thể phổ biến, quán triệt cùng với việc học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện phải bám sát những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo nêu trong từng nghị quyết, chỉ thị gắn với chức năng, nhiệm vụ; phù hợp với đặc điểm, tình hình, điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đơn vị (chỉ những địa phương, đơn vị liên quan đến nội dung nghị quyết, chỉ thị mới phải xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện) và phải được tổ chức lấy ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan, ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội (nếu có quy định). Nội dung phải sát thực tế, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, dễ đánh giá.
Nội dung chương trình hành động, kế hoạch thực hiện phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt và thường xuyên, lâu dài, trong đó có các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, có tính khả thi cao. Mỗi nội dung, công việc trong chương trình, kế hoạch phải phân công một đơn vị chủ trì tham mưu thực hiện và các đơn vị phối hợp, xác định rõ nguồn lực bảo đảm (nếu có), thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành; quy định trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan; chế độ kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết gắn với biểu dương, khen thưởng, kỷ luật (nếu có).
Đối với cấp cơ sở, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cần ngắn gọn, đưa ra các đầu công việc, giao cho tổ chức cá nhân phụ trách, xác định thời gian hoàn thành (làm gì, ai làm, khi nào xong).
8. Tổ chức thực hiện: Các ban cán sự đảng, đảng đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy:
- Tổ chức phổ biến, quán triệt và chỉ đạo các địa phương, đơn vị cấp dưới quán triệt, tuyên truyền nội dung Chỉ thị số 08-CT/TU và Hướng dẫn này; hoàn thành trước ngày 15-12-2021. Nội dung phổ biến, quán triệt cần làm rõ những nội dung trọng tâm, điểm mới về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong nghiên cứu, triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị; điểm mới về hình thức tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền; việc lựa chọn báo cáo viên; tinh thần, trách nhiệm của người học; mới trong xây dựng chương trình, kế hoạch hành động nghị quyết, chỉ thị của Đảng...
- Không phải xây dựng chương trình, kế hoạch chuyên đề để thực hiện Chỉ thị 08-CT/TU nhưng khi xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng thì phải cụ thể hóa nội dung, tinh thần của Chỉ thị này vào nội dung để việc tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất, nhất là trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, về chế độ kiểm tra, giám sát...
- Đồng thời, tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có chất lượng Quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "về tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của Tỉnh ủy”.
Văn Minh
Tin tức liên quan