Thứ sáu, Ngày 27/12/2024 -
1. Sở Tài nguyên và Môi trường nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Tập trung rà soát, tham mưu trình cấp thẩm quyền ban hành các chính sách, các quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đảm bảo hoàn thiện, thống nhất và đồng bộ để chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Tăng cường công tác tuyên tuyền phổ biến đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn những quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kết hợp với kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường đối với toàn thể Nhân dân.
Rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các giải pháp đã đề ra qua các năm, xử lý triệt để những tồn tại, hạn chế, không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường kéo dài.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động đối với các dự án đầu tư, các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh có khả năng gây ô nhiễm cao, các cơ sở có quy mô xả thải lớn; triển khai xây dựng Đề án mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh.
Nghiên cứu đề xuất giải pháp đồng bộ trong công tác xử lý chất thải, nhất là khâu xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Tham mưu hướng dẫn công tác phân loại rác thải tại nguồn; chất thải nguy hại phải được thu gom, xử lý riêng theo đúng quy định; khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để xử lý chất thải thành nguyên liệu, nhiên liệu, các sản phẩm thân thiện môi trường, xử lý chất thải kết hợp với thu hồi năng lượng... hạn chế tối đa việc chôn lấp trực tiếp chất thải.
2. Sở Tài chính chủ trì tham mưu UBND tỉnh trong việc bố trí kinh phí chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường theo quy định; tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường một cách hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo chi đúng mục tiêu.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh huy động các nguồn lực từ Trung ương, nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện có hiệu quả công tác môi trường trên địa bàn tỉnh. Tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế để học hỏi, tận dụng các kinh nghiệm, sự trợ giúp của bạn bè quốc tế trong sự nghiệp bảo vệ môi trường của tỉnh.
4. Sở Khoa học và Công nghệ theo chức năng nhiệm vụ của ngành phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ có sự đầu tư của các tổ chức trong nước và quốc tế về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học...; tiếp tục tham mưu đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, chú trọng ứng dụng và chuyển giao các giải pháp công nghệ trong xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái và sự cố môi trường; ứng dụng và phát triển công nghệ sạch thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
5. UBND các huyện, thành phố tiếp tục phổ biến, tuyên truyền kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; Chú trọng trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện phân loại rác tại nguồn, tích cực thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch số 1448/KH-UBND ngày 07/05/2021 của UBND tỉnh về triển khai lộ trình và giải pháp xử lý rác thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, các khu chăn nuôi tập trung, các hộ chăn nuôi trong các khu dân cư trên địa bàn quản lý; tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào chống rác thải nhựa./.
Lê Hằng - Văn Hạ
Tin tức liên quan