Thứ 7, Ngày 26/04/2025 -
![]() |
Hình ảnh minh họa |
Trong những năm qua, hoạt động đo lường trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật về đo lường đáp ứng cơ bản yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu về đo lường của doanh nghiệp, người dân; chuẩn đo lường của từng lĩnh vực đo đã được xác lập. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 250 chuẩn công tác được trang bị, sử dụng tại các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường. Tại nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đã có các chuẩn đo lường đáp ứng yêu cầu kiểm tra, hiệu chuẩn, duy trì độ chính xác các phương tiện đo sử dụng tại cơ sở. Các chuẩn đo lường của tỉnh, của cơ sở được liên kết với chuẩn quốc gia thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn của các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường. Các cơ quan quản lý nhà nước về đo lường; tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường trên địa bàn tỉnh đã được xác lập và phát triển. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 02 tổ chức được cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ, được chỉ định thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định với chuẩn đo lường, trang thiết bị và phương tiện kiểm định khá đầy đủ với 20 kiểm định viên được đào tạo cơ bản cả về lý thuyết và thực hành kiểm định đối với từng chủng loại phương tiện đo cụ thể.
Ngoài ra, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn đã và đang từng bước được đẩy mạnh xã hội hóa, các Tổ chức Đo lường cơ bản đáp ứng được nhu cầu về đảm bảo đo lường trong thương mại, giao nhận hàng hóa, trong quản lý thị trường và xuất nhập khẩu. Nhiều chương trình đảm bảo đo lường đã mang lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần duy trì, nâng cao năng suất, chất lượng; Hoạt động thử nghiệm, phê duyệt mẫu phương tiện đã được tổ chức thực hiện bài bản phù hợp với thông lệ quốc tế.
Các hoạt động quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng và đánh giá sự phù hợp đã được đẩy mạnh và đáp ứng đúng với chuẩn mực và thông lệ quốc tế; Các tổ chức đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn mực quốc tế là nền tảng cho hoạt động kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong nước; thúc đẩy sự thừa nhận lẫn nhau giữa các nước trong khu vực, quốc tế, giúp xoá bỏ rào cản kỹ thuật trong thương mại, doanh nghiệp giảm được chi phí, thời gian xuất nhập khẩu nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.
Hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001, ISO 22000, HACCP… đã được chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia, được phổ biến áp dụng thành công ở nhiều doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng làm cơ sở cho sự hội nhập, thừa nhận và công nhận lẫn nhau theo tập quán và thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đo lường cũng còn bộc lộ những bất cập, hạn chế như: Hạ tầng đo lường của tỉnh còn yếu chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu về đo lường của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trang thiết bị còn mang tính chắp vá, khả năng đồng bộ giữa độ chính xác, phạm vi đo và thiết bị sao truyền chưa đủ khả năng kiểm định, hiệu chuẩn được các chuẩn có độ chính xác cao trong một số ngành, lĩnh vực như công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, trang thiết bị y tế, quan trắc bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hệ thống các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường hiện nay mới chỉ đáp ứng từ 50% đến 55% yêu cầu kiểm định và từ 10% đến 20% nhu cầu kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường được sử dụng trong điều chỉnh quy trình công nghệ, kiểm soát chất lượng trong sản xuất của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp chưa chủ động xây dựng và triển khai thực hiện hệ thống các hoạt động tự bảo đảm đo lường (chương trình bảo đảm đo lường) cho chính hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, như: Chưa xây dựng, phê duyệt quy chế bảo đảm đo lường trong sản xuất, kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp (khảo sát, đánh giá hiện trạng về thiết bị, con người, phương pháp làm việc; đánh giá khả năng đo lường của hệ thống; phân tích nhu cầu và khả năng; đánh giá nguyên nhân, hạn chế và mối liên hệ; đề xuất giải pháp khắc phục hạn chế; lựa chọn phương án tối ưu để thực hiện; tổ chức thực hiện, duy trì và cải tiến; các yếu tố khác); chưa xác định kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm đo lường; chưa có các giải pháp bảo đảm việc triển khai thực hiện bảo đảm đo lường (tài chính, nguồn nhân lực, thông tin tuyên truyền,..; chưa chủ động đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ triển khai thực hiện bảo đảm đo lường.
Những hạn chế trên, dẫn đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa sản xuất ra chưa cao, thiếu khả năng cạnh tranh, không tham gia được chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa cho thị trường, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực có yêu cầu độ chính xác cao như sản xuất,...
Để tăng cường hoạt động đo lường trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Trong thời gian tới cần tập trung triển khai các giải pháp sau:
Một là, áp dụng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp.
Xây dựng kế hoạch định kỳ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách và Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Trong đó tập trung vào các ngành lĩnh vực như: dịch vụ logistics, công nghệ điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số, nông nghiệp công nghệ cao v.v..;
Tiếp tục thúc đẩy xã hội hóa hoạt động đo lường; khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ đo lường; áp dụng các cơ chế, chính sách thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu;
Thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực, hoạt động của tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.
Hai là, tăng cường phát triển hạ tầng đo lường của tỉnh.
Xây dựng, phát triển hạ tầng đo lường của tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại; duy trì hệ thống chuẩn đo lường, đảm bảo độ chính xác và tính liên kết với chuẩn đo lường quốc gia;
Phát triển các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường đáp ứng các yêu cầu của bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để phục vụ nhu cầu về đo lường của doanh nghiệp;
Bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường cho các cán bộ tham gia hoạt động đo lường của các cơ quan chuyên ngành và doanh nghiệp;
Tăng cường hỗ trợ công tác nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng về khoa học công nghệ đo lường.
Ba là, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đo lường.
Đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra Nhà nước về đo lường;
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan và doanh nghiệp về công tác quản lý hoạt động đo lường;
Bốn là, triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường, xây dựng phương pháp đo;
Tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm trên địa bàn tỉnh đáp ứng Bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường;
Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ đo lường tiên tiến trong quá trình sản xuất theo quy định pháp luật hiện hành.
Năm là, đẩy mạnh công tác truyền thông về hoạt động đo lường.
Tổ chức hội nghị, hội thảo về đo lường; triển khai các hoạt động kỷ niệm ngày đo lường Việt Nam; tổ chức thi đua, khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện tốt hoạt động đo lường;
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về hoạt động đo lường.
Tin rằng, với sự quan tâm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự nổ lực cố gắng của Ngành khoa học & Công nghệ, nhất là các đơn vị hữu quan, hoạt động động đo lường sẽ đáp ứng được nhiệm vụ trong tình hình mới; đảm bảo cung cấp thông tin và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, tạo ra sự minh bạch trong sản xuất, chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hỗ trợ sản xuất đối với doanh nghiệp góp phần nâng cao uy tín và sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.
KS. Lê Hữu Dũng (Phòng TĐC - Sở KH&CN)
Tin tức liên quan