Thứ 3, Ngày 06/05/2025 -
Trong năm 2021, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của DN trên nhiều tỉnh, TP của nước ta. Với sự chuẩn bị kĩ lưỡng, cũng như có những giải pháp đồng bộ, có hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tỉnh Kon Tum đã kiểm soát tốt, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong năm 2021, điều này giúp hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến cộng đồng DN tỉnh.
Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn được dự báo diễn biến phức tạp trong thời gian tới, việc ngăn chặn hoàn toàn dịch bệnh trong thời gian tới là rất khó khăn, các tỉnh, TP cần phải thích nghi, sống chung “an toàn” với dịch bệnh. Do đó tỉnh nên có những giải pháp để giúp cho DN hoạt động an toàn trong mùa dịch. Nhóm nghiên có một số đề xuất để tỉnh tham khảo để có các định hướng, giải pháp phù hợp hỗ trợ DN hoạt động “an toàn” trước dịch bệnh COVID-19.
Nhóm giải pháp giúp DN sống chung “an toàn” với dịch COVID-19
Xây dựng kịch bản chi tiết, cụ thể theo sát với thực tế từng địa bàn giúp DN thích ứng và ứng phó với dịch bệnh COVID-19: Tỉnh nên có kịch bản chi tiết, tương ứng với từng địa bàn nhằm thích ứng, ứng phó với dịch bệnh dựa trên Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021.
Thực hiện nhanh chóng và hiệu quả chiến lược tiêm phủ vaccine COVID-19: Tiếp tục vận dụng mọi nguồn lực để tiến hành chiến lược tiêm phủ vaccine COVID-19 cho người dân trên toàn tỉnh từ 18 tuổi đến 65 tuổi nhằm đạt được mục tiêu ít nhất trên 70% người dân từ 18 đến 65 tuổi được tiêm mũi hai.
Có cơ chế khuyến khích DN thực hiện các mô hình mới sản xuất “an toàn” thời dịch bệnh: Khuyến khích các DN nghiên cứu, đề xuất các mô hình mới, hiệu quả phù hợp với xu hướng mở cửa, khôi phục lại nền kinh tế, bởi vì chỉ có DN mới hiểu rõ nhất những gì cần thiết và hiệu quả cho sự phát triển của DN.
Nhóm giải pháp hỗ trợ DN
Các giải pháp hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền: Nhanh chóng thực hiện các giải pháp hỗ trợ của Trung ương cắt giảm chi phí, cơ cấu thời hạn trả nợ. Bên cạnh đó xem xét ban hành miễn, giảm các khoản thuế, phí thuộc thẩm quyền của địa phương.
Giải pháp hỗ trợ về lao động: Nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tạo điều kiện về thủ tục cho các lao động, chuyên gia nước ngoài quan trọng vào tỉnh làm việc.
Tập trung phát triển các lĩnh vực thế mạnh, tiềm năng của tỉnh trong tình hình mới: Đẩy mạnh các hoạt động cụ thể thúc đẩy du lịch nội địa khi tỉnh đã kiểm soát tốt dịch bệnh, ngoài ra tiếp tục phát triển lĩnh vực nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Tích cực hỗ trợ DN chuyển đổi số: Các cơ quan tại tỉnh cần có kế hoạch, hành động cụ thể để thực hiện tốt nhất mục tiêu hỗ trợ DN chuyển đổi số dựa trên Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các kế hoạch về chuyển đổi số do UBND tỉnh ban hành.
Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công: Đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công của các dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt. Triển khai nhanh các dự án đầu tư công sẽ hỗ trợ, kích thích DN nhanh chóng trở lại tình trạng hoạt động bình thường.
Nhóm các giải pháp, kiến nghị nhằm cải thiện môi trường kinh doanh
Nâng cao hiệu quả trong công tác cán bộ: Đổi mới tư duy, nhận thức của cán bộ, công chức về vai trò của kinh tế tư nhân, của DN dân doanh. Thay đổi cách thức đánh giá cán bộ, chú trọng những cán bộ, lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Tập trung cải cách một số lĩnh vực TTHC còn nhiều phiền hà: Để tiếp tục thúc đẩy tạo MTKD thuận lợi, giảm thiểu chi phí cho DN, đồng thời có thể ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho DN trong giải quyết công việc, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tập trung vào một số lĩnh vực TTHC còn nhiều phiền hà.
Phát huy hiệu quả của các Trung tâm hành chính công và đẩy nhanh hơn việc áp dụng giải quyết TTHC qua mạng: Các sở, ban, ngành và cấp huyện cần nâng cao hiệu quả các trung tâm hành chính công, bộ phận một cửa, cần tăng số dịch vụ công mức độ 4. Việc cung cấp dịch vụ công mức độ 4 sẽ giúp giảm thiểu thời gian và chi phí cho DN trong quá trình thực hiện TTHC.
Tiếp tục giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra DN: Triệt để giao nhiệm vụ cho cơ quan thanh tra tỉnh trong việc làm đầu mối kiểm soát các hoạt động thanh kiểm tra DN trên địa bàn. Thực hiện công tác thanh, kiểm tra dựa trên cơ sở quản lý rủi ro.
Tăng cường và đẩy mạnh hiệu quả của công tác tiếp thu và xử lý các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của DN.
Nâng cao chất lượng thực thi: Cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc việc hướng dẫn, giải quyết TTHC cho DN. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, tập trung vào những cơ quan, đơn vị nhiều phản ánh.
Tăng cường công khai thông tin trên website các đơn vị: Các sở, ban, ngành, cấp huyện và cả UBND tỉnh cần tiếp tục tăng cường công khai minh bạch thông tin trên website của mình, đặc biệt là việc đăng tải đầy đủ các thông tin có giá trị cho hoạt động kinh doanh của DN.
Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin tại các đơn vị.
Trịnh Minh
Tin tức liên quan