Thứ sáu, Ngày 27/12/2024 -

Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển văn hóa và Chiến lược văn hóa đối ngoại đến năm 2030
Ngày đăng: 18/01/2022  07:19
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 17/01/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 157 /KH-UBND triển khai Chiến lược phát triển văn hóa và Chiến lược văn hóa đối ngoại đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là tiếp tục quan tâm đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của 3 loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh, gồm: Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật, Bảo tàng, Thư viện; phấn đấu 100% Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện, thành phố và Trung tâm Văn hoá - Thể thao xã đạt chuẩn, được đầu tư trang thiết bị hoạt động cơ bản, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí của mọi tầng lớp nhân dân; 98% thôn, tổ dân phố có Nhà Văn hóa - Khu thể thao cấp thôn; 100% làng đồng bào dân tộc thiểu số có nhà rông truyền thống hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng.

 

Quy hoạch tổng thể và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh và 100% di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh được tu bổ, tôn tạo.

 

Bảo đảm ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương.

 

Phấn đấu đến năm 2030 có 93% hộ gia đình được công nhận "Gia đình văn hóa"; 95% "khu dân cư văn hóa"; 95% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 50% xã đạt chuẩn "Văn hóa nông thôn mới"; 40% phường, thị trấn đạt chuẩn "Văn minh đô thị". Kế thừa và phát huy tinh hoa của văn hóa gia đình truyền thống để xây dựng văn hóa gia đình hiện đại, văn minh.

 

Tăng cường triển khai, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thúc đẩy phát triển văn hóa số, xây dựng, phát triển số hóa cơ sở dữ liệu (CSDL), nhất là các đơn vị quản lý nhà nước về văn hóa - nghệ thuật, thực hành, trình diễn văn hóa nghệ thuật, thư viện. Chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh triển khai hoạt động văn hóa đối ngoại.

 

Tăng cường công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa; triển khai các hoạt động hợp tác về văn hóa với các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài. Xây dựng hồ sơ khoa học công nhận 02 - 03 di sản văn hóa phi vật thể vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch.

 

Tăng cường hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa; triển khai các hoạt động văn hóa đối ngoại cấp tỉnh tại các tỉnh của nước giáp biên, các nước đã ký kết chương trình phối hợp thông qua các chương trình giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch ...; qua đó quảng bá hình ảnh quê hương Kon Tum ra nước ngoài. Phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% trong tổng chi ngân sách hàng năm của địa phương.

 

Để Kế hoạch đạt được mục tiêu đề ra, các nhiệm vụ và giải pháp được triển khai gồm: Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; Hoàn thiện cơ chế, chính sách về văn hóa; Xây dựng con người phát triển toàn diện; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc; Phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa; Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa; Tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; Phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển trong lĩnh vực văn hóa.

 

Tuấn Tài – Huy Thông