Thứ sáu, Ngày 22/11/2024 -
Hiện trường mặt nước tại cầu Đông Hưng (thôn Kiến Hưng, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy) |
Trước các thông tin phản ánh của báo chí, Tỉnh ủy, UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo các cơ quan, địa phương liên quan kiểm tra, xác minh thông tin, làm rõ nguyên nhân và có các giải pháp khắc phục...
Theo kết quả kiểm tra thực tế, tại lưu vực suối Đăk Sia (nguồn tiếp nhận nước thải của các Nhà máy trên địa bàn huyện Sa Thầy) không phát hiện nước suối có màu khác thường.
Tại khu vực xung quanh cầu Đông Hưng, thời điểm kiểm tra, nước có màu xanh lục, đặc biệt tại các khu vực gần bờ có nổi váng thành từng mảng nhỏ, có màu xanh đậm, mùi hơi tanh của rêu; hiện có khoảng 06 lồng nuôi cá của người dân dọc khu vực này (các lồng nuôi cá bình thường, không có hiện tượng cá chết); có hoạt động khai thác thủy sản trên lòng hồ; khu vực bán ngập thuộc lòng hồ hiện tại còn sót lại lượng lớn cành cây mỳ chưa phân hủy hết; khu vực xung quanh hồ không có các nguồn nước thải công nghiệp đổ vào.
Cơ quan chức năng lấy mẫu nước |
Để làm rõ nguyên nhân tình trạng trên, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện lấy mẫu nước thải tại vị trí xả thải trước khi đổ ra suối Đăk Sia của Nhà máy chế biến mủ cao su APT và Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Vina; lấy mẫu nước mặt tại mương thủy lợi dẫn nước tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản (khu vực thôn 3, thị trấn Sa Thầy), mẫu nước hồ Ya Ly tại khu vực nước có màu xanh đậm, dưới chân cầu Đông Hưng và cách cầu khoảng 1.000 m về phía hạ lưu.
Qua kết quả phân tích mẫu nước, cơ quan chức năng nhận định, kết quả kiểm soát chất lượng nước thải của Nhà máy chế biến mủ cao su APT và Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Vina đều đạt quy chuẩn cho phép; đối với mẫu nước mặt tại mương thủy lợi dẫn nước tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản tại thôn 3, thị trấn Sa Thầy (dẫn nước từ nguồn nước suối Đăk Sia), cơ bản đảm bảo chất lượng dùng cho mục đích tưới tiêu thủy lợi, có 02 chỉ tiêu vượt quy chuẩn nhưng không đáng kể (từ 1,03 đến 1,4 lần)....
Qua kết quả phân tích mẫu nước cho thấy nước hồ Ya Ly tại một số khu vực có màu xanh đậm, nổi váng (đặc biệt tại vị trí dưới chân cầu Đông Hưng) là do dư thừa các chất dinh dưỡng trong nước.
Trước đó, nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường, hạn chế việc phát thải các chất hữu cơ vào lòng hồ Ya Ly làm ảnh hưởng đến môi trường, UBND tỉnh Kon Tum đã giao các cơ quan liên quan và huyện Sa Thầy tăng cường giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các Nhà máy sản xuất trên địa bàn; chỉ đạo chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi các hiện tượng bất thường (nếu có) tại khu vực lòng hồ Ya Ly; kịp thời kiến nghị với cơ quan chức năng để phối hợp xử lý. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện thu dọn triệt để các phế phẩm từ quá trình canh tác trong vùng bán ngập, đặc biệt là cây mỳ sau khi thu hoạch xong; thực hiện thu hoạch theo đúng thời vụ, phù hợp với thời điểm nước hồ dâng lên nhằm hạn chế việc phát thải các chất hữu cơ (cành, lá, củ mỳ) vào lòng hồ làm ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng nước hồ...
Cổng TTĐT tỉnh
Tin tức liên quan