Thứ 5, Ngày 26/12/2024 -
Ảnh minh họa |
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định quan điểm chuyển đổi số là yêu cầu khách quan của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; là giải pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển KTXH của tỉnh. Trong quá trình chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm; phát huy vai trò của doanh nghiệp; các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ bản chất, tầm quan trọng của chuyển đổi số, có cách tiếp cận linh hoạt, tạo mọi điều kiện cho đổi mới, sáng tạo trên nền tảng số.
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện ở cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, các doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, chủ động phòng ngừa, hạn chế các tác động tiêu cực trong quá trình chuyển đổi số.
Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đó là: Cơ bản hình thành được nền tảng chính quyền số để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Tập trung ưu tiên đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số ở một số lĩnh vực thiết yếu, tạo động lực thúc đẩy phát triển KTXH của tỉnh như: Y tế, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, văn hóa, thể thao và du lịch, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, tài nguyên và môi trường, công nghiệp, năng lượng...
7 nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh
(1) Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách; gắn nhiệm vụ chuyển đổi số trong kế hoạch phát triển KTXH và nhiệm vụ chính trị hằng năm của đơn vị, địa phương. Chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt thường xuyên chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến cán bộ, đảng viên, người dân và doanh nghiệp để nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong tình hình mới.
Phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc giám sát, phản biện xã hội đối với công tác chuyển đổi số của địa phương. Tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, Nhân dân tham gia quá trình chuyển đổi số, tích cực ứng dụng thành quả của cuộc Cách mạng lần thứ tư phục vụ đời sống, sản xuất, kinh doanh, gắn với nâng cao ý thức và kỹ năng tự bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số.
(2) Nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số.
Tổ chức triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chương trình chuyển đổi số quốc gia và các cơ chế, chính sách của Trung ương về chiến lược phát triển chính phủ số, chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.
Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet của tỉnh sang giao thức Internet thế hệ mới (IPv6). Mở rộng mạng truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan Đảng, chính quyền. Xây dựng nền tảng chia sẻ, kết nối dữ liệu LGSP của tỉnh theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo kết nối các hệ thống thông tin phục vụ quá trình chuyển đổi số.
Xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên toàn tỉnh. Tập trung nâng cấp mạng di động 4G; tích cực triển khai hạ tầng mạng di động 5G; phấn đấu đến năm 2025 phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh để phục vụ quá trình chuyển đổi số. Rà soát, tăng cường đầu tư hạ tầng viễn thông tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; phấn đấu 100% thôn (làng), điểm dân cư trên địa bàn tỉnh được phủ sóng và sử dụng ổn định mạng di động.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia trên địa bàn tỉnh, các loại cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Từng bước hình thành các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu mở cấp tỉnh. Xây dựng Trung tâm dữ liệu cấp tỉnh đảm bảo các yêu cầu cung cấp, chia sẻ, kết nối dữ liệu theo đúng quy định của Chính phủ.
Xây dựng Trung tâm điều hành an ninh mạng của tỉnh (SOC); đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật để chủ động phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, tác động tiêu cực của quá trình chuyển đổi số. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy sự phát triển KTXH trên môi trường số. Tăng cường xây dựng đội ngũ chuyên gia để kịp thời theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn, phối hợp xử lý, khắc phục các sự cố về an toàn, an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Lựa chọn một số lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số để cung cấp trải nghiệm mới, mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.Triển khai xây dựng đề án, kế hoạch tập trung ưu tiên chuyển đổi số cho một số lĩnh vực: Y tế, giáo dục và đào tạo, văn hoá, thể thao và du lịch, giao thông vận tải, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, tài chính - ngân hàng, năng lượng, công nghiệp và các lĩnh vực khác khi có điều kiện.
(3) Xây dựng chính quyền số, hình thành các đô thị thông minh
Đẩy mạnh triển khai các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển chính quyền số. Thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội.
Nâng cấp, hoàn thiện trung tâm dữ liệu, mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống phần mềm dùng chung, kho dữ liệu dùng chung. Khẩn trương số hóa dữ liệu phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước bảo đảm tập trung, thông suốt, đáp ứng yêu cầu điều hành của chính quyền trên môi trường số.
Rà soát, cắt giảm chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC trực tuyến. Xây dựng, tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp truy cập, khai thác, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số.
Xây dựng lộ trình và tăng cường nguồn lực đầu tư để hình thành các đô thị theo hướng thông minh trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, tập trung đầu tư thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông theo hướng đô thị thông minh; khuyến khích, hỗ trợ các huyện còn lại có đủ tiềm lực xây dựng đô thị thông minh hoặc xây dựng ít nhất một loại dịch vụ đô thị thông minh.
(4) Phát triển kinh tế số
Nghiên cứu xây dựng chính sách phù hợp với điều kiện của tỉnh để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng chuyển sang hoạt động trong môi trường số. Tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, có ứng dụng công nghệ số; hình thành cộng đồng doanh nghiệp số. Tích cực thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các doanh nghiệp và các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh triển khai nền tảng thanh toán trực tuyến, di động phục vụ người tiêu dùng. Xây dựng thị trường thương mại điện tử có tính tương tác cao, lành mạnh, cạnh tranh và phát triển bền vững; trong đó, phấn đấu sớm xây dựng 01 sàn thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
(5) Phát triển xã hội số
Thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án chuyển đổi số trong toàn xã hội. Thúc đẩy chuyển đổi số xã hội, tập trung vào chuyển đổi kỹ năng, cung cấp các dịch vụ giáo dục đại trà trực tuyến mở để phục vụ xã hội học tập. Hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp để đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số cho người dân.
Khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng số trong công tác quản lý xã hội tại địa phương. Mỗi huyện, thành phố lựa chọn, thí điểm phát triển xã hội số tại một đơn vị cấp xã, trên cơ sở đó, đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng trên địa bàn.
(6) Hợp tác, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số
Tăng cường hợp tác ứng dụng công nghệ số, nhất là công nghệ chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), thực tế ảo/thực tế tăng cường... trong điều hành, quản lý nhà nước và phát triển KTXH của tỉnh.
Khuyến khích các doanh nghiệp của tỉnh hợp tác với các đơn vị có thế mạnh về chuyển đổi số để tạo lập các mô hình kinh doanh, sản xuất, sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng số. Triển khai ứng dụng có hiệu quả các đề tài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới, nhất là các thành quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kết nối chuỗi tri thức từ nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ đến thương mại hóa, cung ứng ra thị trường tiêu thụ.
(7) Đảm bảo nguồn lực cho chuyển đổi số
Huy động, lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, đề án có liên quan, nguồn đầu tư của doanh nghiệp, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn. Trong đó, vận động, huy động hiệu quả hơn nữa nguồn lực xã hội hóa, nhất là từ khu vực kinh tế tư nhân thông qua các chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chuyển đổi số.
Mỗi năm ưu tiên bố trí tối thiểu 01% tổng chi thường xuyên của từng cấp ngân sách (tỉnh, huyện, xã) để triển khai thực hiện các hoạt động, chương trình, đề án phục vụ chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh (trong đó đảm bảo 10% chi phí đầu tư cho an toàn, an ninh mạng) của cấp mình.
Rà soát, củng cố, kiện toàn, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành thông tin và truyền thông các cấp để đáp ứng được yêu cầu tham mưu và triển khai thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Trong đó, chủ động liên kết với các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu, các đối tác trong và ngoài nước, đẩy mạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số theo từng lĩnh vực cụ thể.
Nghị quyết này được phổ biến đến chi bộ.
Cổng TTĐT tỉnh
Tin tức liên quan