Thứ sáu, Ngày 27/12/2024 -

Kế hoạch phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue năm 2022
Ngày đăng: 24/02/2022  09:47
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 22/2, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 489/KH-UBND về việc phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue năm 2022.

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là: Tổ chức hiệu quả Chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt lăng quăng/bọ gậy phòng, chống dịch bệnh và diệt lăng quăng/bọ gậy tại các ổ dịch SXHD; Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng, chống bệnh SXHD; Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch, giảm số mắc và tử vong do bệnh SXHD; Bảo đảm công tác phân tuyến điều trị giảm quá tải bệnh viện tuyến tỉnh; thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh SXHD, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng, tử vong; Bảo đảm hiệu quả hoạt động phối hợp liên ngành triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống dịch tại các địa phương; Đảm bảo kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất, nguồn lực, sẵn sàng đáp ứng kịp thời với các tình huống về dịch bệnh.

 

Các chỉ tiêu chuyên môn: 100% cấp huyện, cấp xã, Tổ công tác cộng đồng phòng, chống dịch bệnh tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt lăng quăng/bọ gậy phòng, chống dịch bệnh và các nội dung “Cam kết vệ sinh môi trường - diệt lăng quăng/bọ gậy phòng, chống dịch bệnh SXHD”; Trên 90% các hộ gia đình cam kết và thực hiện hiệu quả công tác vệ sinh môi trường - diệt lăng quăng/bọ gậy phòng, chống dịch bệnh SXHD. Trên 80% số người dân trong vùng dịch hiểu được mức nguy hiểm của bệnh SXHD và biết cách phòng, chống dịch bệnh; 100% ổ dịch SXHD được xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế; Tỷ lệ mắc SXHD/100.000 dân trên địa bàn tỉnh < 120/100.000 dân; Khống chế tỷ lệ chết/mắc do SXHD trên địa bàn tỉnh < 0,09%; Số bệnh nhân nghi SXHD được chẩn đoán bằng xét nghiệm huyết thanh ≥7%, được phân lập vi rút ≥ 3%; Số xã trên địa bàn tỉnh thực hiện giám sát dịch tễ chủ động ≥ 9,8%, phun hóa chất diệt muỗi chủ động ≥ 9,8%.

 

Kế hoạch đề ra 4 hoạt động chính gồm: Tình huống 1: Chưa ghi nhận ca bệnh SXHD; Tình huống 2: Dịch bệnh SXHD xuất hiện, lây lan diện hẹp trong cộng đồng (dưới 800 ca trước tháng 10 hàng năm); Tình huống 3: Dịch bệnh SXHD bùng phát trong cộng đồng (từ 800 ca bệnh trở lên trước tháng 10 hàng năm) và các hoạt động phòng, chống dịch bệnh SXHD.

 

Các giải pháp chính để thực hiện Kế hoạch: (1) Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện, cấp xã để thống nhất chỉ đạo, điều hành, tập trung các nguồn lực, chủ động phòng, chống dịch bệnh SXHD trên địa bàn huyện, xã; (2) Xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh SXHD với phương châm 04 tại chỗ để chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng về kinh phí, nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị… ứng phó kịp thời với các tình huống dịch bệnh SXHD xảy ra; (3) Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh SXHD; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm; phòng, chống dịch theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 và Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ; (4) Triển khai nghiêm túc, chặt chẽ các biện pháp chuyên môn - kỹ thuật trong phòng, chống dịch SXHD; (5) Phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành, tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương vận động và cùng với người dân tham gia phòng, chống dịch bệnh SXHD trên các địa bàn; (6) Thường xuyên tổ chức công tác kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch bệnh SXHD định kỳ và đột xuất tại các địa phương; (7) Thực hiện chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế.

 

                                                                           Minh Huệ - Phan Phượng