Thứ 7, Ngày 10/05/2025 -
Về vị trí và chức năng: Phòng Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: công tác xây dựng và thi hành pháp luật: theo dõi tình hình thi hành pháp luật: kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật: phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; trợ giúp pháp lý; nuôi con nuôi; hộ tịch; chứng thực; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các công tác tư pháp khác theo quy định pháp luật.
Phòng Tư pháp có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc làm, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức của UBND cấp huyện theo thẩm quyền, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp.
Về nhiệm vụ và quyền hạn: Nhiệm vụ và quyền hạn của Phòng Tư pháp thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 07/2020/TT-BTP ngày 21/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện.
Về cơ cấu tổ chức: Phòng Tư pháp có Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và chuyên viên tham mưu, giúp việc. Số lượng Phó Trưởng phòng do UBND cấp huyện xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.
Về biên chế: Biên chế của Phòng Tư pháp là biên chế công chức nằm trong tổng số biên chế công chức của UBND cấp huyện được cấp có thẩm quyền giao hàng năm.
UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện hướng dẫn này. Ban hành Quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Phòng Tư pháp để đảm bảo hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phản ánh kịp thời về UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) để xem xét, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương./.
Vũ Huệ - Thanh Thủy
Tin tức liên quan