Thứ 5, Ngày 25/04/2024 -

Đánh giá công tác trồng rừng, dược liệu, sâm Ngọc Linh quý I và giải pháp thực hiện đến cuối năm 2022
Ngày đăng: 01/04/2022  07:21
Mặc định Cỡ chữ
Chiều 31/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các huyện, thành phố và các chủ rừng để đánh giá công tác trồng rừng, trồng dược liệu, sâm Ngọc Linh trong quý I và các giải pháp thực hiện đến cuối năm 2022.
Quang cảnh buổi làm việc

 

Theo kế hoạch, toàn tỉnh sẽ trồng mới 4.500 ha rừng trong năm 2022. Ngay sau khi UBND tỉnh giao chỉ tiêu, các địa phương, đơn vị chủ rừng đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, giao chỉ tiêu trồng rừng cụ thể đến từng xã, đơn vị chủ rừng.

 

Đến nay, hầu hết các địa phương, đơn vị đều đang tổ chức thống kê, rà soát đảm bảo quỹ đất trồng rừng năm 2022. Các Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn các huyện, thành phố đang sản xuất, gieo ươm giống cây trồng lâm nghiệp như Thông, Bạch đàn, Keo lai, Sơn tra, Mắc ca, Sao đen...để phục vụ cho thời vụ trồng rừng sắp tới, dự kiến đáp ứng khoảng 80% số lượng cây giống trồng rừng năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Nhu cầu cây giống còn lại các địa phương, đơn vị liên hệ và mua từ các tổ chức, cá nhân khác theo quy định.

 

Đối với công tác phát triển dược liệu và sâm Ngọc Linh, năm 2022 tỉnh có kế hoạch trồng mới 2.000 ha dược liệu và 500 ha Sâm Ngọc Linh. Đến nay, các địa phương, đơn vị đã đăng ký diện tích trồng dược liệu, Sâm Ngọc Linh được 2.484.5 ha, đạt 99,4% kế hoạch.

 

Tại buổi làm việc, các địa phương, đơn vị đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thực hiện hiệu quả công tác trồng rừng, dược liệu và Sâm Ngọc Linh trong năm 2022: Một số diện tích đất trống có sự sai khác với kết quả kiểm kê rừng năm 2014; diện tích đất đăng ký trồng rừng của người dân manh mún, nhỏ lẻ; vốn Ngân sách Trung ương không hỗ trợ, vốn ngân sách địa phương còn hạn chế trong việc hỗ trợ; công tác xử lý các vấn đề về dược liệu còn lúng túng, chậm và kém hiệu quả; việc cung ứng nguồn giống Sâm Ngọc Linh đảm bảo chất lượng và phát triển Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng đặc dụng gặp nhiều khó khăn...

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận buổi làm việc

 

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp đề nghị: Để chủ động triển khai hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trong công tác trồng rừng, trồng dược liệu, sâm Ngọc Linh theo kế hoạch đề ra, các cấp, các ngành cần tiếp tục khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra.

 

Đồng chí đề nghị, đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trồng rừng, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương phát triển lâm nghiệp bền vững, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng. Rà soát quỹ đất, lựa chọn các loại cây giống có năng suất cao phù hợp cho phát triển và từng điều kiện lập địa nơi trồng; tập trung các nguồn lực cần thiết để thực hiện tốt kế hoạch trồng rừng 2022 theo đúng tiến độ, mùa vụ, có hiệu quả.

 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng và chăm sóc rừng, đảm bảo tổ chức, cá nhân, người dân phải nắm rõ quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng, xử lý sâu bệnh hại để hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân.

 

Các đơn vị chủ rừng (các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn tỉnh) rà soát lại kế hoạch trồng rừng và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để trồng rừng và trồng cây phân tán đúng thời vụ để triển khai thực hiện chỉ tiêu trồng rừng do UBND tỉnh giao, đảm bảo diện tích trồng rừng đủ tiêu chí thành rừng theo quy định.

 

Đối với mục tiêu trồng mới 500 ha Sâm Ngọc Linh, đề nghị UBND huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về hiệu quả kinh tế của người dân khi đầu tư phát triển Sâm Ngọc Linh; thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách về đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh gắn với chế biến.

 

Đối với mục tiêu trồng mới 2.000 ha dược liệu khác, vận động, phổ biến, tuyên truyền đến người dân nâng cao nhận thức về hiệu quả kinh tế khi đầu tư phát triển dược liệu, đặc biệt các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Đảng sâm, Lan Kim Tuyến, Đương quy, Ngũ vị tử, Nấm dược liệu...tiếp tục duy trì vùng sản xuất dược liệu hiện có; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất trồng cây trồng kém hiệu quả sang trồng dược liệu; đầu tư mở rộng thêm diện tích dược liệu trong năm 2022.

 

Các đơn vị, địa phương được giao kế hoạch để chuẩn bị tốt các điều kiện ban đầu (giống, đất, tài chính, lao động ...) sẵn sàng xuống giống khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch phát triển dược liệu năm 2022.

 

Tiếp tục kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu của người dân thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác; có cơ chế để các doanh nghiệp đầu tư dược liệu tiếp cận vốn vay ưu đãi từ ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh Kon Tum.

 

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã, Tổ hợp tác xã, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa các Tổ hợp tác, Hợp tác xã và các thành phần kinh tế khác, liên kết chặt chẽ giữa phát triển sản xuất gắn với thị trường, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu.

 

Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ việc đầu tư, phát triển và lưu thông dược liệu trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, trồng và phát triển các dược liệu kém chất lượng, nhất là các doanh nghiệp có hoạt động liên kết với người dân để trồng sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và báo cáo các cơ quan chức năng cấp trên biết, theo dõi và chỉ đạo kịp thời...

Dương Nương