Thứ sáu, Ngày 27/12/2024 -

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Đảng ủy xã Đăk Nên
Ngày đăng: 19/04/2022  14:13
Mặc định Cỡ chữ
Sáng 19/4, đồng chí A Pớt - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đoàn công tác của tỉnh đã có buổi làm việc với Đảng ủy xã Đăk Nên, huyện Kon Plông về tình hình phát triển KT-XH năm 2021 và quý I năm 2022.
Quang cảnh buổi làm việc

 

Tham gia cùng đoàn có lãnh đạo Sở KH&ĐT, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy và Huyện ủy, UBND huyện Kon Plông cùng các phòng, ban liên quan của huyện.

 

Xã Đăk Nên cách trung tâm huyện Kon Plông khoảng 65 km, có một phần diện tích giáp với huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi và huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

 

Tổng diện tích đất tự nhiên 11.823,6 ha. Toàn xã có 8 thôn, 614 hộ với 2.496 khẩu (chủ yếu là dân tộc Ca dong với 601 hộ, 2.451 khẩu, chiếm 98,19%). Toàn xã còn 402 hộ nghèo (chiếm 65,47%), 88 hộ cận nghèo 88 hộ (chiếm 14,33%). Thu nhập trung bình đầu 27,22 đồng/người/năm. Xã đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới; 73% đường liên xã, liên thôn được bê tông hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Trên địa bàn xã có 03 trường học với 37 lớp học, 586 học sinh.

 

Toàn xã có 737ha đất nông nghiệp (lúa 371ha, ngô 192ha, sắn 137ha, sả 12ha, còn lại là cây hàng năm khác); gần 129ha cây lâu năm, chủ yếu là cây cau; 622ha cây lâm nghiệp (bời lời 95ha, keo 526ha, tre lấy măng...). Tổng đàn gia súc trên 1.000 con...

 

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi chậm; công tác đền bù di dân tái định canh, tái định cư thuộc dự án thủy điện Đăk Đrinh chưa được giải quyết dứt điểm; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao...

 

Tại buổi làm việc, Đảng ủy xã Đăk Nên đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết dứt điểm công tác đền bù tái định canh, tái định cư cho nhân dân trên địa bàn xã bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Đăk Đrinh; chỉ đạo các đơn vị liên quan làm việc với Công ty thủy điện Đăk Đrinh sớm khắc phục, sữa chữa tuyến đường tránh ngập lòng hồ thủy điện khoảng 8 km vì hư hỏng nặng.

 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc

 

Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các sở, ngành; huyện Kon Plông và xã Đăk Nên; thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đoàn công tác, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương Đảng ủy, chính quyền và Nhân dân xã Đăk Nên đã đoàn kết, nỗ lực triển khai quyết liệt kết luận của Bí thư Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Đảng ủy xã vào tháng 9 năm 2020 đạt được một số kết quả tích cực trên các lĩnh vực, nhất là trong năm 2021 và từ đầu năm 2022 tới nay.

 

Đồng chí đề nghị Huyện ủy, UBND huyện Kon Plông tiếp tục chỉ đạo Đảng ủy xã Đăk Nên thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy tại Thông báo số 605-TB/VPTU ngày 03/9/2020.  

 

Trong đó, chú trọng tới thành lập HTX vì hiện xã mới có 1 HTX dịch vụ nông - lâm nghiệp với 7 thành viên; vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia xã viên, nâng cấp HTX hiện có, nghiên cứu liên kết THT trồng cau, sau phát triển lên thành HTX; nghiên cứu nhân rộng diện tích trồng sả Java, tạo hướng đi mới cho người dân để tăng thêm thu nhập; phát triển mô hình chăn nuôi heo rừng, heo sọc dưa... phù hợp với trình độ chăn nuôi của bà con.

 

Đồng chí đề nghị Đảng ủy xã Đăk Nên tiếp tục rà soát, đánh giá tiềm năng, lợi thế của xã, đoàn kết, chủ động, dám nghĩ, dám làm, quyết liệt trong hành động để tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó chú ý tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách xã hội và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển kinh tế.

 

Chủ động phối hợp với các ngành chức năng của huyện hướng dẫn áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm nông nghiệp; xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất chăn nuôi có hiệu quả trên địa bàn, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; phát triển, mở rộng quy mô đàn gia súc, gia cầm.

 

Tập trung khai thác lợi thế lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; trong đó, nghiên cứu phát triển các mô hình nuôi cá lồng, bè trên lòng hồ thủy điện phù hợp với điều kiện của địa phương. Đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng cho người dân, gắn với hỗ trợ trồng rừng, phát triển kinh tế rừng đảm bảo sinh kế và giúp nhân dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ kinh tế lâm nghiệp.

 

Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và xã hội hóa đầu tư trên địa bàn, nhất là nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, đảm bảo phát huy hiệu quả gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2025 xã đạt nông thôn mới.

 

Tiếp tục giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu tố trên địa bàn; nhất là chú trọng giáo dục truyền thống, lịch sử của dân tộc, địa phương; khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội.

 

Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, nhất là chi bộ thôn (làng); trong đó đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên thôn (làng) và thực hiện Bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng.

 

Đồng chí giao Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở xã Đăk Nên và các xã trong huyện.

 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tặng quà Đảng ủy xã Đăk Nên

sau buổi làm việc

 

Dương Nương