Thứ sáu, Ngày 02/05/2025 -
Kon Tum là tỉnh địa đầu phía bắc Tây Nguyên, có ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, nối liền tuyến hành lang Bắc - Nam và tuyến hành lang giữa Đông và Tây Trường Sơn. Với vị trí địa chính trị quan trọng này, đế quốc Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn đã tập trung mọi lực lượng để xây dựng vùng Bắc Kon Tum trở thành một khu vực phòng thủ kiên cố nhất ở phía Bắc Tây Nguyên mà trung tâm là cụm phòng ngự Đăk Tô - Tân Cảnh.
Mỹ - Ngụy đã cho xây dựng tại Đăk Tô - Tân Cảnh một hệ thống phòng ngự kiên cố, trở thành cụm cứ điểm liên hoàn khép kín trong thế phòng thủ và tấn công của địch ở Bắc Tây Nguyên với lực lượng đông đảo, bố phòng dày đặc và vũ khí tối tân. Vì vậy, Đăk Tô - Tân Cảnh trở thành địa bàn diễn ra nhiều trận chiến quyết liệt.
![]() |
Chiến sĩ vận tải gùi gạo ra phía trước (Ảnh: Lịch sử Sư đoàn 10) |
![]() |
Đội hình xe tăng ta tiến công vào Đắc Tô - Tân Cảnh năm 1972 (Ảnh tư liệu) |
Thực hiện chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, Khu ủy V và Tỉnh ủy Kon Tum đã quyết định mở chiến dịch Xuân - Hè 1972 nhằm “Tiêu diệt địch, giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh, có điều kiện thì giải phóng thị xã Kon Tum. Hướng phát triển có thể là hướng Plei Ku; có điều kiện thì mở rộng vùng giải phóng phía tây Plei Ku, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, hình thành căn cứ địa hoàn chỉnh nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ”.
![]() |
Dùng pháo địch đánh địch ở Đăk Tô - Tân Cảnh, tháng 4/1972 (Ảnh: Lịch sử Sư đoàn 10) |
Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh được xem là trận đánh tiêu biểu trong “chiến thuật đánh nhanh, diệt gọn”; chỉ trong một thời gian rất ngắn, quân ta đã tiêu diệt một lực lượng lớn sinh lực và phá vỡ toàn bộ trung tâm phòng ngự mạnh của địch; giải phóng một vùng rộng lớn, làm đảo lộn thế bố trí phòng ngự của địch và làm thay đổi cục diện trên chiến trường Tây Nguyên.
Với chiến dịch Xuân Hè năm 1972 ở Bắc Tây Nguyên, ta đã giải phóng trên bốn vạn dân ở các huyện 67, H30, H80, H40, H16… và mở rộng vùng giải phóng, tạo thành một căn cứ địa liên hoàn của ba nước Đông Dương từ Hạ Lào - Đông bắc Campuchia nối liền với Kon Tum và căn cứ Khu ủy V. Từ đó, Bộ đội Trường Sơn (đường 559) đã chuyển hướng vận tải từ Tây Trường Sơn sang Đông Trường Sơn, rút ngắn được nhiều cung đường vận chuyển nhân tài, vật lực, hàng hoá, vũ khí, đạn dược vào chiến trường miền Nam cả ngày lẫn đêm, đáp ứng kịp thời cho nhiều chiến dịch sau này.
![]() |
Trung đoàn 66 làm chủ căn cứ 42, ngày 24/4/1972 (Ảnh TL Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên) |
Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh năm 1972 là một thắng lợi mang tầm chiến lược và cả chiến thuật của quân và dân ta; lần đầu tiên trên chiến trường Tây Nguyên, bộ đội ta đã đánh thắng lớn với cách hiệp đồng binh chủng hiệu quả, tiêu diệt hầu hết một căn cứ trên tuyến phòng thủ kiên cố của địch; góp phần làm suy yếu và thất bại “Chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ - Ngụy.
![]() |
![]() |
Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum bỏ phiếu bầu chính quyền cách mạng sau ngày giải phóng |
Sau giải phóng, Kon Tum gặp không ít khó khăn. Bên cạnh việc cứu đói, ổn định đời sống Nhân dân, tỉnh đã đặc biệt chú trọng công tác định canh, định cư khai hoang, đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt là khai hoang mở rộng diện tích lúa nước hai vụ; hoạt động thương nghiệp, giao thông vận tải, bước đầu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đi lại của Nhân dân; hệ thống giáo dục của tỉnh cũng dần dần được phục hồi và ổn định; các cơ sở y tế được khôi phục để chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.
Cuối năm 1975, Kon Tum và Gia Lai sáp nhập lại thành tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Đảng bộ và Nhân dân tỉnh tiếp tục khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa đấu tranh chống âm mưu, lấn chiếm biên giới của tập đoàn phản động Pôn Pốt, tấn công truy quét tàn quân FULRO và các thế lực phản động khác. Với tinh thần, nghị lực đã được tôi luyện từ chính cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân trong tỉnh đạt được những thành tích quan trọng trên các lĩnh vực.
![]() |
Khánh thành cầu Đăk Bla (1991), Công trình trọng điểm đầu tiên được xây dựng sau ngày thành lập lại tỉnh |
Khi mới thành lập lại tỉnh (năm 1991), đời sống Nhân dân còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, phát huy truyền thống cách mạng, ý chí tự lực tự cường, cần cù sáng tạo, khát vọng đổi mới, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tranh thủ sự hỗ trợ đầu tư của Trung ương, quyết tâm củng cố, xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển cùng cả nước.
![]() |
![]() |
Một góc thành phố Kon Tum hôm nay |
Qua 30 năm, kể từ ngày thành lập lại tỉnh Kon Tum và sau 50 năm, kể từ ngày giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh, phát huy tinh thần chiến thắng và truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, từ một địa phương lạc hậu, tỷ lệ nghèo đói luôn ở mức cao, đến nay, tỉnh Kon Tum đã từng bước vươn lên, đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Thành tựu nổi bật nhất về kinh tế của tỉnh là duy trì được tốc độ tăng trưởng liên tục qua các năm trên 9%/năm, đây là mức tăng trưởng cao so với khu vực Tây Nguyên và cả nước. Quy mô nền kinh tế của tỉnh năm 2021 tăng gấp 124 lần so với năm 1992. Thu nhập bình quân đầu người được cải thiện rõ rệt, tăng 21 lần, từ khoảng 89 USD năm 1992 lên trên 2.050 USD năm 2021. Thu ngân sách nhà nước tăng cao qua các năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng. Ngành công nghiệp chuyển biến cả về quy mô và chất lượng. Du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo chiều sâu. Một số loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh phát triển ổn định, trở thành mặt hàng nông sản quan trọng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác tiếp tục được mở rộng, tạo ra được các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến. Đặc biệt, Sâm Ngọc Linh được mệnh danh là thần dược cho sức khỏe, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là “Quốc bảo” của Việt Nam.
Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, diện mạo đô thị từng bước đổi mới. Chương trình xây dựng NTM đạt nhiều kết quả có ý nghĩa, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần cải thiện đời sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, điểm sáng nổi bật là một số nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn đã lựa chọn Kon Tum là địa điểm đầu tư lý tưởng và triển khai nhiều dự án có quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... được quan tâm thực hiện. Từ một tỉnh với tỷ lệ hộ đói, nghèo trên 65%, đến năm 2005 toàn tỉnh không còn hộ đói và đến năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,32%. Giáo dục, y tế có nhiều thành tựu mới. Cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được thực hiện mạnh mẽ; việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nên hành chính được triển khai rộng rãi. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Những thành tựu đó là cơ sở, nền tảng, sức mạnh và động lực thúc đẩy tỉnh Kon Tum bứt phá, vươn lên tiếp cận và hòa mình vào sự phát triển chung của cả nước.
Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972 - 24/4/2022), chúng ta tự hào về những chiến công oanh liệt, truyền thống yêu nước, đoàn kết, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc ta và của Đảng bộ, quân và Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum. Đồng thời, phát huy truyền thống vẻ vang đó, nỗ lực phấn đấu xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh, bền vững để quê hương ngày càng giàu mạnh.
Thái Ninh
Tin tức liên quan