Thứ 3, Ngày 23/04/2024 -

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và TKCN năm 2022
Ngày đăng: 25/04/2022  15:56
Mặc định Cỡ chữ
Sáng ngày 25/4, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và TKCN năm 2022 bằng hình thức trực tuyến. Đồng chí Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch UBQG ứng phó sự cố thiên tai và TKCN chủ trì Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

 

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan và các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh.

 

Năm 2021, thiên tai diễn biến hết sức phức tạp đã xảy ra 18/22 loại hình thiên tai, trong đó có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 326 trận dông, lốc, mưa lớn; 170 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 139 trận động đất; 403 điểm sạt lở nguy hiểm.

 

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 cũng như thiếu thốn về nguồn lực, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ ngành đã khắc phục khó khăn, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên thiệt hại do thiên tai năm 2021 giảm nhiều so với năm 2020; trong đó thiên tai làm 108 người chết và mất tích (giảm 70% so với năm 2020), thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng (giảm 87% so với năm 2020).

 

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 12-14 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực biển Đông. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan. Sự dị thường của thời tiết đã được thể hiện ngay trong đợt mưa lũ lớn trái quy luật ngay giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn làm thiệt hại ước tính lên tới 2.400 tỷ đồng.

 

Cần chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai; tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó thiên tai từ Trung ương đến cơ sở; nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới.

 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tham luận tại Hội nghị

 

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin từ ngày 15 đến 18/4/2022 đã xảy ra 22 trận động đất, độ lớn M = 2.5 đến 4.5; trận mạnh nhất vào lúc 12 giờ 54 phút 22 giây ngày 18/4, có độ lớn 4,5 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 14,713 độ vĩ Bắc, 108,468 độ kinh Đông, thuộc khu vực huyện Kon Plông; độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km. Đây là trận động đất lớn nhất trong chuỗi quan trắc từ 120 năm trở lại đây.

 

Trước tình hình diễn biến của động đất, UBND tỉnh đã chỉ đạo khẩn trương tiến hành rà soát toàn bộ cơ sở hạ tầng trong khu vực có ảnh hưởng do rung động để xây dựng phương án ứng phó, đồng thời cung cấp thêm cho các Bộ ngành liên quan để đánh giá; các Nhà máy thủy điện, các hồ đập thủy lợi, thủy điện trên điạ bàn rà soát, bổ sung sự cố động đất vào trong phương án ứng phó với thiên tai; Tuyên truyền vận động nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng động đất để ổn định tư tưởng tránh hoang mang.

 

Đề nghị Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Viện Vật lý Địa cầu, các cơ quan ban, ngành Trung ương xem xét, tổ chức khảo sát thực tế; nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tại các khu vực đã xảy ra động đất để có những nhận định, sớm đưa ra những giải pháp và khuyến cáo chính xác cho người dân biết, ổn định tâm lý, tránh hoang mang, nhất là đối với các hộ người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

 

Kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Thủ tưởng Chính phủ biểu dương những kết quả đạt được của các Bộ, ngành nhất là sự phối hợp của các địa phương. Năm 2021 tình hình thiên tai rất phức tạp gây tiệt hại lớn về người và tài sản, bên cạnh đó do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên công tác phòng chống thiên tai gặp nhiều khó khăn nhất là công tác cứu hộ cứu nạn vì vừa phòng chống thiên tai vừa phòng chống dịch.

 

Có được những thành quả đó nhờ vào sự lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ các Bộ ngành đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của địa phương trên tinh thần tự giác của tầng lớp nhân dân trong PCTT.

 

Bên cạnh đó còn tồn tại hạn chế như: công tác dự báo thiên tai chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng bản tin dự bảo chưa đảm bảo; cơ sở vật chất kỹ thuật vẫn còn hạn chế thiếu về số lượng chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng; công tác khắc phục hậu quả thiên tai chưa đáp ứng với yêu cầu với thực tế; vận hành hồ chứa còn nhiều bất cập, sự phối hợp trong công tác xả lũ chưa tốt...

 

Thời gian tới, đồng chí đề nghị Bộ ngành địa phương đổi mới nâng cao năng lực công tác theo dõi giám sát dự báo cảnh báo thiên tai, trong đó đầu tư nguồn lực nhân lực; triển khai công tác kiểm tra phòng chống thiên tai trên phạm vi toàn quốc.

 

Chủ động trong công tác PCTT, nhất là trong điều kiện thiên tai bất thường như hiện nay; củng cố lực lượng xung kích tại cơ cở thực hiện phương châm 4 tại chỗ; đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng; đầu tư cho công tác PCTT&TKCN; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế và chuyển đổi số trong PCTT.

 

Nhân dịp này, Thủ tưởng Chính phủ tặng Bằng khen cho 05 tập thể, 05 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống thiên tai./.

 

                                                                                                    Lê Hằng