Thứ hai, Ngày 28/04/2025 -
![]() |
Các hộ tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng được giao (Ảnh minh họa) |
Làm tốt công tác tuyên truyền
Triển khai phương án thuê rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng kết hợp với phát triển cây Sâm Ngọc Linh và phương án giao rừng, cho thuê rừng để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, kết hợp với kinh doanh cảnh quan du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định phê duyệt kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng rừng của UBND các huyện, thành phố.
Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai và các chính sách đầu tư phát triển lâm nghiệp đến các đối tượng liên quan nhằm nâng cao ý thức, thay đổi nếp nghĩ cách làm của người dân, đặc biệt là người đồng bào DTTS trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Tuyên truyền, công khai các phương án, kế hoạch giao rừng đã được phê duyệt để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn là đối tượng được giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất thuê đất lâm nghiệp biết, triển khai theo quy định; nội dung tuyên truyền đi sâu phổ biến chủ yếu về chủ trương, chính sách, quyền lợi, nghĩa vụ để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn nắm vững và thực hiện tốt chính sách về giao rừng, thuê rừng gắn với giao đất, thuê đất lâm nghiệp.
Đến nay, tổng diện tích giao đất, giao rừng trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện khoảng 8.561 ha cho 53 cộng đồng dân cư, gồm: Huyện Kon Plông khoảng 5.845 ha cho 26 cộng đồng; huyện Đăk Glei khoảng 119 ha cho 01 cộng đồng; huyện Đắk Hà khoảng 1.845 ha cho 17 cộng đồng; huyện Ngọc Hồi khoảng 350 ha cho 02 cộng đồng và thành phố kon Tum khoảng 400 ha cho 7 cộng đồng. Một số địa phương đang tiếp tục triển khai đo đạc, đánh giá trữ lượng, lập hồ sơ giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất cho hộ gia định, cá nhân và cộng đồng dân cư theo Kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Cùng với việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư, các địa phương cũng đã thực hiện việc cho thuê rừng theo phương án đã phê duyệt với tổng diện tích khoảng 7.408 ha (huyện Tu Mơ Rông cho thuê 7.310 ha rừng đối với 02 tổ chức cho thuê rừng và huyện Kon Plông cho thuê 98,23 ha đối với 06 tổ chức).
Hiệu quả kinh tế, lợi ích xã hội, môi trường
Thông qua hoạt động phát triển rừng cộng đồng vốn rừng hiện có sẽ được bảo vệ, tăng chất lượng rừng tự nhiên, giảm các tác động bất lợi đến rừng, góp phần nâng cao khả năng phòng hộ của rừng, bảo vệ cảnh quan môi trường cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của cộng đồng. Việc giao rừng kết hợp với giao đất đã nâng cao khả năng khai thác, sử dụng tối đa tiềm năng đất lâm nghiệp trong phát triển kinh tế, trồng rừng sản xuất, khai thác rừng trồng, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, việc giao đất, giao rừng đã thu hút được nguồn lao động tại địa phương vào việc sản xuất lâm nghiệp và nông lâm kết hợp từ việc trồng rừng, chăm sóc, tu bổ rừng tự nhiên, trồng cây dược liệu dưới tán rừng, khai thác rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ.... Giải quyết được việc làm cho các hộ gia đình trong thôn, ổn định sinh kế trong nhiều năm, ổn định dần cuộc sống và giữ gìn trật tự xã hội tại địa phương.
Đồng thời bảo vệ được diện tích rừng tự nhiên hiện có trong những năm đầu và tăng thêm diện tích rừng mới trồng trong những năm tiếp theo, tăng độ che phủ của rừng phát huy tính năng phòng hộ, hạn chế xói mòn, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Khi rừng được bảo vệ tốt góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và cân bằng hệ sinh thái của rừng.
Thái Ninh
Tin tức liên quan