Thứ 5, Ngày 18/04/2024 -

Những kết quả nổi bật trong truyền thông về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm
Ngày đăng: 24/05/2022  15:03
Mặc định Cỡ chữ
Nhằm thúc đẩy chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ cơ sở, người dân và cộng đồng dân cư nông thôn, phát huy tinh thần chủ động, tự nguyện, tự giác, phát huy nội lực, sáng tạo, cùng hợp tác, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, công tác truyền thông đã được thực hiện một cách khá đa dạng và phong phú cả về nội dung lẫn hình thức.

Truyền thông đã góp phần phổ biến những chủ trương, chính sách mới về xây dựng nông thôn mới, hướng đến vấn về chất lượng và bền vững của nông thôn mới như phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển sản phẩm OCOP, phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết, du lịch nông thôn, cảnh quan môi trường, an ninh trật tự, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới cấp thôn/bản. Nhiều cách làm hay, sáng kiến trong xây dựng nông thôn mới đã được phổ biến và nhân rộng, điển hình là hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn, hình thành những con đường hoa, những câu lạc bộ, hội quán, tổ hợp tác trong phát triển sản xuất, gần 6.492 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên với sự tham gia của gần 3.473 chủ thể.

 

Nhiều hình thức thông tin truyền thông tuyên truyền Chương trình nông thôn mới

 

Hiện thực hóa quan điểm của Ban Chỉ đạo Trung ương “xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc”, các hoạt động truyền thông đã được quan tâm nhiều hơn, được xem là một giải pháp quan trọng, đi trước một bước nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, vận dụng truyền thông để giám sát, phản biện cho Chương trình. Đặc biệt, thông qua việc thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình hay, các cách làm hiệu quả mà nhiều điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới đã được nhiều địa phương học tập, nhân ra diện rộng.

 

Trong những năm qua, đã có nhiều đổi mới trong công tác thông tin truyền thông phục vụ Chương trình trên khắp cả nước. Đến năm 2020, VPĐP Trung ương đã thường xuyên hợp tác có chất lượng và hiệu quả hơn 30 các cơ quan truyền thông từ phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử đến các công ty truyền thông. Các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương đã mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về nông thôn mới. Nhiều chuyên mục đi sâu vào khai thác “tính mới” đã được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá là đặc sắc, thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân như: “Miền quê đáng sống”, “Nông thôn mới”, “Nông nghiệp sạch” (VTV1); “Câu chuyện nông thôn” (Truyền hình Quốc hội); “Nông thôn đổi mới” (Truyền hình Nhân dân); Ban Truyền hình tiếng Dân tộc của VTV; "Nông thôn mới", "Nông thôn chuyển động" và "Cuộc sống nhà nông" (kênh truyền hình VTC16) …

 

Tiếp tục đổi mới các hình thức và phương pháp tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới, VPĐP Trung ương đã tổ chức các đoàn công tác báo chí đi thực tế tại các địa phương với mục đích đưa phóng viên các báo, đài đi thâm nhập thực tế tại cơ sở, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân để có cách nhìn thiết thực và sinh động trong các bài viết mang hơi thở tích cực về cuộc sống nông thôn mới. Nhờ vậy, trong những năm qua, đã có hàng vạn tác phẩm báo chí viết về xây dựng nông thôn mới, trước hết, dành cho những người nông dân - chủ thể của chương trình. Các bài viết không chỉ đơn thuần tuyên truyền chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới đến với đông đảo quần chúng nhân dân mà còn phản ánh sự việc, sự kiện và đưa ra những giải pháp khắc, đồng thời, mang tính phản biện xã hội khi phản ánh diễn biến thực tiễn đời sống nông thôn qua các vấn đề “nóng” hiện, như: Quy hoạch; xây dựng hạ tầng kỹ thuật; vốn và quản lý vốn; chính sách hỗ trợ sản xuất, con giống; đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế nông thôn, cảnh quan và môi trường nông thôn, Chương trình OCOP, ...

 

Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng các phim phóng sự phản ánh kết quả 10 năm thực hiện Chương trình phát tại các Hội nghị tổng kết vùng, Hội nghị tổng kết toàn quốc đã được Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương, các Bộ ngành và các địa phương đánh giá cao cả về chất lượng cũng như hiệu quả truyền thông. Đồng thời, VPĐP Trung ương chủ động phát các trailer phóng sự và truyền hình trực tuyến các hội nghị, hội thảo toàn quốc, các sự kiện quan trọng của Chương trình trên Cổng thông tin điện tử của Chương trình (nongthonmoi.gov.vn) và fanpage Nông thôn mới trung ương … được cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới của cả nước và người dân đánh giá cao.

 

Trên cơ sở chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương và định hướng truyền thông của Bộ Nông nghiệp và PTNT, hàng năm, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch truyền thông về nông thôn mới nên công tác tuyên truyền ở nhiều địa phương đã được triển khai hiệu quả thông qua các sản phẩm truyền thông như báo chí, sách, cẩm nang, phim phóng sự, hội thi, hội diễn văn nghệ gắn với tìm hiểu cơ chế, chính sách, cách làm hay, những điển hình tiêu biểu cũng như phản ánh những bất cập, khó khăn trong xây dựng nông thôn mới.

 

Nhờ công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng, đa dạng nhiều hình thức nên đã có tác dụng nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chính vì vậy, khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành và nhân dân cả nước.

 

Các cơ quan, đơn vị đều phát động Phong trào thi đua phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với thi đua xây dựng nông thôn mới. Bộ Quốc phòng phát động phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Hội Cựu chiến binh Việt Nam chỉ đạo các cấp hội trong cả nước tham gia phong trào thi đua “Cựu chiến binh hiến kế, hiến công xây dựng nông thôn mới”. Hội Nông dân tổ chức các hội thi “Tiếng hát đồng quê”, “Nhà nông đua tài”… Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia xây dựng nông thôn mới với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” kết hợp với phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”…

 

Ở địa phương, 100% các tỉnh, thành phố đều phát động hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” với nhiều chủ đề rất cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ: Phong trào “Sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ ngõ về nhà” - Bắc Giang; phong trào “Nhà sạch, vườn đẹp, môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh” - Hòa Bình; phong trào “sạch đường, tốt ruộng” - Hà Giang; phong trào “sáng, xanh, sạch, đẹp” - Vĩnh Long; phong trào “4 có” đối với xã (có sản phẩm đặc trưng, có khu dân cư kiểu mẫu, có tuyến đường hoa, có cổng chào) và “3 có” đối với khu dân cư (có vườn xanh, có nhà sạch, có ngõ đẹp) - Quảng Ngãi; phong trào trồng cây xanh, trồng hoa, vẽ bích họa trên các tuyến đường ở Hà Nội, Nam Định, Đồng Nai, Ninh Bình, Nghệ An, Đồng Tháp…; phong trào “Làng quê không rác thải”, “Đường hoa thay cỏ dại” - Quảng Nam; phong trào “Ấp tự quản bảo vệ môi trường” - An Giang; phong trào “Việc làng - đất vàng cũng hiến”, “Hiến đất - mất một được hai” - Hà Tĩnh… Các tỉnh Hậu Giang, Tây Ninh, TP. Cần Thơ là những địa phương đi đầu trong thực hiện phong trào “Cánh đồng mẫu lớn có sự liên kết 4 nhà”.

 

Công tác truyền thông về xây dựng nông thôn mới đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ thu hút sự tham gia của mọi cấp, ngành, đoàn thể, địa phương góp phần chuyển đổi nhận thức mạnh mẽ cho cán bộ cơ sở, người dân ở nhiều địa phương về xây dựng nông thôn mới từ thụ động, phụ thuộc vào nhà nước sang chủ động, tích cực hơn. Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân kiến nghị triển khai Chương trình cả ở khu vực thị trấn, đô thị để phát huy tinh thần nông thôn mới, nhất là các nội dung về cảnh quan, môi trường. Trong 10 năm qua, người dân cả nước đã tự nguyện hiến trên 45 triệu m2 đất để xây dựng nông thôn mới. Đó chính là minh chứng sống động cho hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động luôn đi trước một bước trong quá trình triển khai một chương trình có tầm vóc quốc gia. Đến nay, công tác truyền thông đã góp phần thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới với những kết quả “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”.

 

Kết quả truyền thông Chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP

 

Công tác tuyên truyền về OCOP bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT chú trọng thực hiện, gắn kết và lồng ghép với hoạt động truyền thông trong xây dựng nông thôn mới. Các hoạt động được thực hiện thường xuyên trên các báo, đài, trang thông tin điện tử OCOP quốc gia (ocop.gov.vn) và các trang thông tin điện tử và mạng xã hội (facebook, zalo). Cùng với đó, các địa phương cũng đã tập trung tuyên truyền với hơn 13.000 tin bài, gần 900 phóng sự, chuyên đề về Chương trình OCOP và thông qua các pano, áp phích, tờ rơi… để nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về OCOP.

 

Nhiều báo, đài đã mở chuyên đề, chuyên mục riêng về OCOP... Đặc biệt, nhiều hoạt động tuyên truyền gắn với sản phẩm OCOP được triển khai mang lại hiệu quả và sức lan tỏa rộng như: Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với các chủ đề phát triển nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi...) theo hướng sản phẩm OCOP2. Các cuộc thi Tìm hiểu về Chương trình OCOP trên truyền hình và internet của tỉnh Hà Tĩnh; Cuộc thi sáng tác ảnh và câu chuyện sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh; Hội thi tìm hiểu về Chương trình OCOP của tỉnh Thái Nguyên;… hay thành lập Câu lạc bộ sản phẩm OCOP của tỉnh Vĩnh Long; Hội doanh nhân OCOP ở Bắc Kạn, Hội quán OCOP của Đồng Tháp…

 

Để Chương trình OCOP có tính lan tỏa ra rộng khắp từ Trung ương đến địa phương, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp triển khai Chương trình OCOP với 10 cơ quan, tổ chức Trung ương. Đặc biệt, phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS HCM, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức triển khai nhiều chương trình khởi nghiệp, như: Lễ phát động Khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên cùng Chương trình OCOP; Cuộc thi thanh niên khởi nghiệp sáng tạo về OCOP; Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp gắn với OCOP... Ở nhiều địa phương đã xuất hiện các mô hình khởi nghiệp sản phẩm OCOP hiệu quả của thanh niên và phụ nữ, tạo sức kết nối trong cộng đồng.

 

Bên cạnh đó, các hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại đã được chú trọng triển khai từ Trung ương đến địa phương. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức 01 Hội chợ quốc tế và 15 diễn đàn/hội chợ OCOP cấp vùng, cấp quốc gia để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP;... Bộ Công Thương đã đưa sản phẩm OCOP vào Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, phát triển mạng lưới Điểm bán hàng OCOP và tổ chức nhiều hội chợ kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP...

 

Các địa phương đã tổ chức 66 hội chợ về sản phẩm OCOP (cấp tỉnh, huyện) với trên 10.000 gian hàng; 142 trung tâm/điểm bán sản phẩm OCOP của 23 tỉnh được xây dựng và đưa vào hoạt động; 1.016 hợp đồng/bản ghi nhớ hợp tác giữa các chủ thể OCOP và đơn vị thương mại được ký kết, trong đó 354 chủ thể có sản phẩm được phân phối ổn định trong các hệ thống siêu thị, nhất là Central Retail, Saigon Coop, Mega Market... và một số siêu thị địa phương; Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được các địa phương triển khai hiệu quả như: Hội chợ OCOP thường niên của tỉnh Quảng Ninh; Chuỗi sự kiện kết nối sản phẩm các vùng miền của thành phố Hà Nội; Nhịp cầu xúc tiến thương mại và đầu tư gắn với OCOP của tỉnh Đồng Tháp;... góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường.

 

Với mục đích tăng cường quan hệ hợp tác gữa các nước đang triển khai chương trình OCOP trên thế giới nhằm quảng bá các sản phẩm OCOP tiêu biểu của Việt Nam tới bạn bè quốc tế cũng như giữa các địa phương trên cả nước, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các đơn vị liên quan thúc đẩy phát triển mạng lưới kết nối các quốc gia triển khai phong trào mỗi làng, mỗi xã một sản phẩm iOCOP; phối hợp với Bộ Ngoại giao thúc đẩy, đề xuất sáng kiến “Phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn theo mô hình mỗi xã, mỗi làng một sản phẩm trong khối ASEAN”. Sáng kiến đã được Hội nghị cấp cao ASEAN 2020 chấp thuận và đưa vào kế hoạch triển khai từ năm 2021.

 

Như vậy, hoạt động truyền thông dưới mọi hình thức đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, sự quan tâm, tích cực hưởng ứng của người dân và các tổ chức kinh tế đến Chương trình OCOP, đồng thời thúc đẩy sự quan tâm của người tiêu dùng đến các sản phẩm OCOP trên thị trường.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác truyền thông trong xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn, hạn chế như:

 

Công tác tập huấn về nghiệp vụ truyền thông chuyên đề về nông thôn mới và OCOP ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Đa số các địa phương còn lúng túng và tự phát trong xây dựng kế hoạch truyền thông hàng năm. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền xây dựng nông thôn mới chưa thực sự được chủ động đề xuất, thực hiện và đi trước một bước, phụ thuộc nhiều và nội dung và kinh phí ngân sách hàng năm được bố trí. Một số nơi còn mang tính hình thức đối phó, chưa có tính sáng tạo. Chưa có sự đa dạng trong công tác phối hợp với các cơ quan truyền thông. Chưa mạnh dạn trong quá trình xã hội hóa với các doanh nghiệp truyền thông độc lập để thực hiện các format chương trình mang tính mới lạ. Nhiều địa phương sử dụng hình thức tuyên truyền trên website của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới các cấp nhưng còn mang tính hình thức do hầu hết các website này mới chỉ ở mức đưa tin bài về hoạt động địa phương, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Việc tra cứu văn bản pháp quy từ các website này cũng như công tác lưu trữ dữ liệu báo cáo thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới hiện còn đang rất hạn chế. Thực trạng này dẫn đến việc tra cứu thông tin và hỗ trợ công tác quản lý chương trình đối mặt nhiều khó khăn. Chưa khai thác tối đa và hiệu quả các kênh truyền thông hiện đại, đặc biệt là khả năng truyền thông và lan tỏa của các mạng xã hội…

 

                                                                                    Trịnh Minh

                                                                      (Nguồn Bộ Nông nghiệp&PTNN)