Thứ 3, Ngày 23/04/2024 -

Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị
Ngày đăng: 13/06/2022  14:27
Mặc định Cỡ chữ
Sáng 13/6, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 18/01/2002 của Bộ Chính trị khóa IX “về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010” và Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị khóa XI “về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020” trên địa bàn.
Quang cảnh Hội nghị

 

Các đồng chí Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; A Pớt - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Lê Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì Hội nghị.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị

 

Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và các huyện, thành phố…

 

Đồng chí Lê Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

báo cáo kết quả sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW

và 10 năm thực hiện Kết luận số 12-KL/TW trên địa bàn tỉnh

 

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW và 10 năm thực hiện Kết luận số 12-KL/TW, tỉnh Kon Tum đã và đang giữ vững ổn định chính trị, xã hội và đạt được nhiều kết quả trong việc phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân.

 

Kinh tế của tỉnh được duy trì ở mức tăng trưởng khá. Quy mô nền kinh tế của tỉnh năm 2021 đạt 16.051 tỷ đồng, tăng 17 lần so với năm 2002. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng; trong đó: Khu vực nông nghiệp đạt 3.426 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 20,19%) tăng gấp 7 lần về giá trị so với năm 2002; Khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 4.266 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 28,64%), tăng hơn 26 lần về giá trị so với năm 2002. Khu vực thương mại - dịch vụ đạt 8.359 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 42,62%), tăng hơn 29 lần về giá trị so với năm 2002. GRDP bình quân đầu người được cải thiện rõ rệt, từ 3,2 triệu đồng năm 2002 tăng lên 46,94 triệu đồng năm 2021.

 

Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả quan trọng, từ một tỉnh với tỷ lệ hộ đói, nghèo trên 25% năm 2002, đến năm 2005 toàn tỉnh không còn hộ đói và đến năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,32% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020). Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia năm 2002 từ 5,2% tăng lên 50,8% năm 2021, gấp 10 lần so với năm 2002.

 

Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư. Đến nay tỉnh Kon Tum đã phá được thế ngõ cụt bằng các tuyến giao thông kết nối với các tỉnh duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên. Diện mạo đô thị từng bước đổi mới, thị xã Kon Tum đã được tập trung phát triển và thành lập thành phố Kon Tum vào năm 2010 và hiện đã đạt tiêu chí đô thị loại II; chia tách, thành lập thêm được 3 huyện mới, nâng tổng số đơn vị hành chính từ 7 huyện, thị xã năm 2002 lên 10 huyện, thành phố vào năm 2021.

 

Ngành công nghiệp chuyển biến cả về quy mô và chất lượng. Thương mại và dịch vụ ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân. Sản xuất nông nghiệp từng bước đi vào chiều sâu. Hệ thống chính trị từng bước được củng cố, kiện toàn, chất lượng đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được giữ vững.

 

Hội nghị đã nghe và cho ý kiến đối với Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị "về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên" trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Các ý kiến tham gia cơ bản thống nhất với dự thảo Báo cáo, đồng thời, làm rõ thêm những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân trong triển khai thực hiện Nghị Quyết 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW; bổ sung những giải pháp, kiến nghị, đề xuất nhằm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum nói riêng và vùng Tây nguyên nói chung cho phù hợp với tình hình mới.

 

Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

 

Kết luận Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Trước mắt, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên; triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội.

 

Bí thư Tỉnh ủy lưu ý tập trung đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, chú trọng tính đồng bộ, kết nối quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị.

 

Cụ thể, tiếp tục phát triển toàn diện nông nghiệp đi vào chiều sâu, theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Tập trung phát triển các cây dược liệu có thế mạnh như: Sâm Ngọc Linh, Hồng Đẳng Sâm..., phấn đấu đưa tỉnh Kon Tum trở thành Trung tâm dược liệu trong điểm của cả nước vào năm 2025.

 

Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm công nghiệp tỉnh có tiềm năng và phù hợp với nhu cầu thị trường. Thu hút đầu các nhà máy chế biến lâm sản, dược liệu và các sản phẩm nông nghiệp, gắn với nâng cao giá trị các sản phẩm đặc hữu từ Sâm Ngọc Linh. Tiếp tục quy hoạch, thu hút đầu tư các dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án điện gió.

 

Phát triển mạnh thương mại-dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa và dịch vụ của Nhân dân. Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, di tích lịch sử để phát triển du lịch. Trong đó, tập trung xây dựng và phát triển Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen thành điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu riêng.

 

Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn lao động chất lượng cao. Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Quan tâm chăm lo an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân. Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3-4%/năm.

 

Tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trong đó, khôi phục và phát huy giá trị của nhà rông truyền thống, văn hóa cồng chiêng và các lễ hội, gắn với tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; chủ động đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình", "bạo loạn, lật đổ" của các thế lực thù địch, phản động. Triển khai có hiệu quả các hoạt động hội nhập quốc tế, trong đó củng cố, tăng cường quan hệ, hợp tác toàn diện với các tỉnh giáp biên của Lào và Campuchia; thiết lập quan hệ, hợp tác trên một số lĩnh vực với một số tỉnh Đông Bắc Thái Lan và mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương của Hàn Quốc, Nhật Bản trong các lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu, du lịch.

 

Tăng cường công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

 

Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở có năng lực công tác, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững".

 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ tin tưởng, với sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh Kon Tum sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều hơn nữa trong sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên và cả nước nói chung trong thời gian tới./.

 

Dương Nương