Thứ 5, Ngày 28/03/2024 -

Phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường
Ngày đăng: 28/06/2022  10:17
Mặc định Cỡ chữ
Sở Tài nguyên và Môi trường vừa có Công văn số 1727/STNMT-MT ngày 28/6/2022 đề nghị UBND các huyện, thành phố; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trên địa bàn tỉnh thực hiện các nội dung liên quan đến công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
Ảnh minh họa

 

Theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo khoản 2 Điều 108 Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ; thực hiện công khai kế hoạch ứng phó sự cố môi trường của cơ sở; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố môi trường theo kế hoạch đã phê duyệt, đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 124 Luật Bảo vệ môi trường; khoản 1 Điều 109 và khoản 3 Điều 110 Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

 

Đối với các cơ sở/doanh nghiệp trên địa bàn có các hồ chứa chất thải, nước thải hoặc các bãi lưu giữ chôn lấp chất thải rắn hoặc các khu vực chứa hóa chất... phải chủ động rà soát hệ thống thoát nước mưa bề mặt, đê bao quanh các khu vực trên tại các cơ sở để tiến hành cải tạo, gia cố, đặc biệt là các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo chắc chắn, không bị sạt lở do mưa bão, lốc, sét và gió giật mạnh gây ra; nghiêm túc vận hành các công trình xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn xả thải; xây dựng phương án, sẵn sàng bố trí các nguồn lực ứng phó sự cố chất thải, ô nhiễm môi trường do rò rỉ, tràn đổ, phát tán chất thải có thể xảy ra khi trời mưa.

 

Giao UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến cộng đồng dân cư Điều 159 Luật Bảo vệ môi trường 2020 về quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư, nhất là trong hoạt động giám sát và phát hiện sự cố.

 

Tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định số 174/QĐ-BTNMT ngày 24/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường, kịp thời xử lý, giải quyết các sự cố môi trường xảy ra trên địa bàn.

 

Bố trí cán bộ thường xuyên theo dõi, cập nhật biến động thời tiết bất lợi để chủ động hơn trong công tác chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố tại các cơ sở. Trong trường hợp có xảy ra sự cố môi trường ở cơ sở kịp thời hướng dẫn cơ sở ứng phó sự cố, đảm bảo hạn chế tối đa các ảnh hưởng đến môi trường.

 

Ban hành kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp huyện tại khoản 3 Điều 108 Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ; tổ chức thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 127 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

 

Rà soát, dự báo thống kê các khu vực trên địa bàn mình quản lý có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường, nhất là tại các lưu vực sông, hồ, các khu vực nuôi trồng thủy sản đã từng xảy ra sự cố môi trường (như cá chết, chất thải từ thượng lưu tràn xuống sông...) vào mùa mưa bão các năm trước đây; trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp quản lý nhằm không để sự cố lặp lại trong mùa mưa năm nay.

 

         

                                                                      Lê Hằng