Thứ 5, Ngày 05/12/2024 -
Các sở, ban ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố: Đẩy mạnh triển khai nhanh, đồng bộ, quyết liệt hơn nữa Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH với các giải pháp đã đề ra tại Kế hoạch số 462/KH-UBND ngày 18/02/2022 của UBND tỉnh nhằm phát huy tối đa hiệu quả các gói kích thích kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GRDP. Rà soát những điểm nghẽn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của các công trình, dự án. Tăng cường sự vào cuộc chủ động, mạnh mẽ, có các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch cho thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kon Tum: Tiếp tục theo dõi sát các chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước Trung ương về diễn biến thị trường tiền tệ, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để kịp thời thực hiện; khuyến khích các tổ chức tín dụng trên địa bàn nỗ lực giảm chi phí để ổn định mặt lãi suất cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ.
Điều hành tín dụng an toàn, hiệu quả, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế tín dụng đen; đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tạo điều kiện cho kinh tế của tỉnh nhanh chóng phục hồi và phát triển; kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên phù hợp với chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng ngoại tệ.
Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan: Tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được cấp có thẩm quyền ban hành trong thời gian qua nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người chịu tác động bởi dịch Covid-19.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện, thành phố và đơn vị liên quan: Tổ chức thực hiện tốt thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất để tạo nguồn thu; tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Cơ cấu, sắp xếp lại nhiệm vụ chi cho phù hợp, ưu tiên những nhiệm vụ cấp thiết, mang tính đột phá. Điều hành chi ngân sách theo tiến độ thực hiện nguồn thu, chủ động cắt giảm, giãn tiến độ khi thu không đạt dự toán.
Triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới, thoái vốn gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước khi được Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Kon Tum theo đúng quy định; thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng sức chống chịu, thích ứng của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan: Triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tạo động lực cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong đầu tư công, hoàn thiện thủ tục đầu tư, bảo đảm đúng thời hạn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa Trung ương với địa phương, giữa các vùng, giữa cơ quan quản lý nhà nước với các hiệp hội nghề nghiệp trong công tác xúc tiến đầu tư; chủ động xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm đối với những ngành, lĩnh vực ưu tiên của tỉnh.
Sở Công thương chủ trì, phối hợp Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, thành phố và đơn vị liên quan: Theo dõi giá cả, lạm phát, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả. Đánh giá, nhận định các mặt hàng có khả năng thiếu hụt tạm thời và trong dài hạn để có giải pháp đảm bảo nguồn hàng, không gây đứt gãy nguồn cung, đảm bảo cung ứng cho sản xuất và đời sống của doanh nghiệp, người dân. Theo dõi sát diễn biến giá của các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, gas,... để có giải pháp điều hành hoặc tham mưu cấp thẩm quyền điều hành phù hợp.
Tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc kiểm soát giá cả hàng hóa, kiềm chế lạm phát tăng cao, tránh việc lợi dụng giá xăng dầu, lương thực, các mặt hàng cơ bản để chống buôn lậu, hàng giả, đầu cơ, tăng giá các mặt hàng một cách bất hợp lý, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.../.
Vũ Huệ - Trần Khoa
Tin tức liên quan