Thứ 7, Ngày 20/04/2024 -

Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo chủ động phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 4
Ngày đăng: 26/09/2022  18:49
Mặc định Cỡ chữ
Thường trực Tỉnh ủy vừa có Văn bản số 688-CV/TU ngày 26/9/2022 yêu cầu các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; Các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; Ban Thường vụ Tỉnh đoàn; Các huyện ủy, thành ủy chủ động phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 4 (cơn bão Noru).

 

Theo đó, để chủ động phòng, chống, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do cơn bão số 4 gây ra trên địa bàn tỉnh,Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 855/CĐ-TTg ngày 25/9/2022, các chỉ đạo về phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và PTDS tỉnh. Trong đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 4 và hoàn lưu sau bão, tình hình mưa, lũ trên địa bàn tỉnh, khẩn trương rà soát các phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố theo chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

 

Yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh; các đảng ủy: Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh; các huyện ủy, thành ủy khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, rà soát các thôn (làng), khu (điểm) dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị; kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập sâu để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ với tinh thần "đi trước một bước" so với diễn biến của bão; giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng xảy ra thiên tai.

 

Rà soát, nắm chắc số lượng nhân lực, phương tiện, vật tư dự phòng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai ở từng địa phương, đơn vị và có phương án huy động phương tiện, lực lượng ứng phó, cứu nạn, cứu hộ, khắc phục kịp thời khi có thiên tai xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

 

Yêu cầu chủ đầu tư các công trình, nhất là các công trình thủy lợi, thủy điện, đường sá, khai thác khoáng sản... thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống thiên tai, nhất là việc chấp hành quy trình xả lũ, bảo đảm an toàn cho người lao động và người dân trong khu vực vùng dự án và vùng hạ du. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các đơn vị không chấp hành nội dung trên.

 

Chỉ đạo tiến hành rà soát, có biện pháp thông tin cảnh báo, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại qua các cầu treo dân sinh, ngầm, tràn, các tuyến đường sông, các tuyến đường bộ dễ xảy ra sạt lở đất, ngập sâu, nước chảy xiết... khi xảy ra mưa lũ để Nhân dân biết, chủ động phòng tránh. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, an toàn giao thông; sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, sớm khắc phục các sự cố do thiên tai gây ra. Xem xét, cho học sinh ở một số địa bàn nguy hiểm tạm nghỉ học để phòng, tránh bão lũ.

 

Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các đồng chí Bí thư huyện ủy, thành ủy; Chủ tịch UBND huyện, thành phố phải trực tại đơn vị, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại và khắc phục hậu quả (nếu có) do ảnh hưởng của thiên tai gây ra; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo hằng ngày với Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong thời gian thiên tai diễn ra và công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai.

 

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các huyện ủy, thành ủy chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, đội tuyên truyền lưu động, Ban nhân dân thôn... tuyên truyền thường xuyên, liên tục về diễn biến cơn bão số 4, tình hình mưa, lũ trên địa bàn và các biện pháp phòng tránh để người dân nâng cao cảnh giác, chủ động ứng phó khi có thiên tai xảy ra...

 

Thái Ninh