Thứ sáu, Ngày 27/12/2024 -

Tăng cường các giải pháp đảm bảo “phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”
Ngày đăng: 28/09/2022  15:49
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 28/9/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3235/UBND-KGVX về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo “phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”.

 

Theo đó, nhằm tăng cường các giải pháp đảm bảo “phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị thuộc tỉnh: Theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động nắm bắt diễn biến tình hình lao động, việc làm, chất lượng nhân lực thuộc phạm vi quản lý, kịp thời phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành có liên quan để triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường lao động phát triển hiệu quả, bền vững và hội nhập. Đồng thời, tiếp tục rà soát, thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và công tác bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.

 

Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; đồng thời, tham mưu triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

 

Triển khai thực hiện hiệu quả các Dự án: đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững và Tiểu Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, nhằm tạo việc làm ở khu vực nông thôn.

 

Rà soát, đánh giá tham mưu sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề  nghiệp. Thực hiện đào tạo, đào tạo lại cho người lao động bị thất nghiệp; hỗ trợ đào tạo cho người lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ưu tiên sử dụng nguồn lao động tại chỗ.

 

Thiết lập mạng lưới thông tin của những người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về để thu hút vào làm việc cho các doanh nghiệp FDI tại tỉnh.

 

Tăng cường ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chú trọng kết nối giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các Sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, của người sử dụng lao động về trình độ, kỹ năng nghề nghiệp khi tuyển dụng lao động.

 

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm quy định pháp luật về lao động.

 

Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Trung tâm), trong đó ưu tiên đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nâng cấp phần mềm trang thông tin điện tử về lao động, việc làm của Trung tâm, liên thông với hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố trong cả nước; đầu tư xây dựng sàn giao dịch việc làm gắn với mô hình “một cửa”; nâng cấp trang Web của Trung tâm, kết nối thông tin thị trường lao động giữa các huyện, thành phố, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, các trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh...

 

Trần Huệ